Trong nước

Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ

15:16, 11/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo nhanh sáng 11/10 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tình hình mưa lũ trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Lũ quét, lũ ống tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Ảnh: HNV)
Lũ quét, lũ ống tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Ảnh: HNV)

Hiện nay, lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) đang xuống. Dự báo, trong 12 giờ tới, lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La tiếp tục lên, thượng lưu sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố tiếp tục xuống. Cảnh báo, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt diện rộng tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt ở các huyện Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân (Thanh Hóa); huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An); huyện Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn có khả năng xảy ra như: TP Thanh Hóa, TP.Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh). Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Tại khu vực vùng núi phía Bắc, cảnh báo ngập úng ở vùng trũng, vùng thấp và các đô thị có khả năng xảy ra tại nhiều nơi như: Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình.

Về sự cố hồ, tại Thanh Hóa, Đập Ông Già (384 nghìn m3) tại huyện Tĩnh Gia bị tràn qua đỉnh 10cm. Hiện nước đã rút về ngưỡng tràn tự do. Tại Nghệ An, Đập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (dung tích 100 nghìn m3) bị mưa lớn tràn qua thân đập, đã mở rộng tràn 5m để xả lũ, đảm bảo an toàn đập. Tại Hà Tĩnh, đập hồ chứa Cố Châu (dung tích 300 nghìn m3) tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc bị vỡ với với chiều dài 28m, sâu từ 3m-3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810 m3.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 6h ngày 11/10, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới làm 6 người chết (Thanh Hóa 1 người; Nghệ An 5 người); 3 người mất tích (Hòa Bình 1 người, Nghệ An 1 người; Quảng Trị 1 người); 2 người bị thương (Hòa Bình 1 người; Thanh Hóa 1 người).

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới làm 9 nhà bị sập; 2.540 nhà bị ngập. Về nông nghiệp, lúa bị ngập, thiệt hại 145 ha (Thanh Hóa 120ha; Nghệ An 25ha); ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại 11.642 ha; cây ăn quả bị thiệt hại 2ha tại tỉnh Nghệ An. Về thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại 3.230 ha (Thanh Hóa 864ha; Nghệ An 2.156ha; Hà Tĩnh 211ha).

Về giao thông, đường Quốc lộ, sạt lở 2 điểm tại Quốc lộ 217 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa và 13 điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48D đoạn đi qua địa phận tỉnh Nghệ An; ngập 25 điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48D, 48E đoạn đi qua tỉnh Nghệ An.

Đường địa phương, sạt lở 10 điểm và ngập 4 điểm tại các đường tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với độ sâu từ 0,3 - 1,0m; ngập đường liên thôn, liên xã tại 16 xã thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; sạt lở 4 điểm đường tỉnh lộ 532, 539B, 539C, tỉnh Nghệ An; ngập tại 18 điểm trên các đường tỉnh lộ trên các huyện Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tương Dương, Quỳ Châu với độ sâu từ 0,4 - 1,5m gây chia cắt. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê và đánh giá thiệt hại.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng mưa lũ cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, đặc biệt là tình hình lũ ở hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình do xả lũ khẩn cấp hồ chứa thủy điện Hòa Bình; lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Rà soát triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư, các hoạt động trên sông, ven sông ở bãi sông, đặc biệt là giao thông thủy, các bến đò, phà. Tổ chức tuần tra, canh gác, đặc biệt là các vị trí xung yếu hoặc đã bị sự cố trong các đợt mưa lớn và xả lũ thủy điện vừa qua để đảm bảo an toàn đê điều.

Tổ chức phân luồng giao thông, canh gác, không cho người và phương tiện đi qua các ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu để tránh các thiệt hại đáng tiếc. Chủ động tiêu nước đệm để chống úng cho các diện tích lúa đang thời kỳ chắc hạt.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về xả lũ của hồ chứa để các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh. Các lực lượng quản lý hồ chứa, đê điều theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình nhất là tại những trọng điểm xung yếu, những hồ đã tích đầy nước, những công trình đang thi công, sửa chữa dở dang, các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra đảm bảo an toàn công trình./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác