Tin tức sự kiện
Chất vấn tại Quốc hội: 'Nóng' vấn đề thủy điện xả lũ
Chất vấn thành viên Chính phủ đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc xả lũ cũng như những bất cập trong quy trình vận hành các công trình thủy điện thời gian qua, và trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Các đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), Nguyễn Văn Chiến (TP. Hà Nội), Phan Anh Khoa (Phú Yên), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu nhiều vấn đề liên quan đến những sai phạm trong quy trình vận hành các công tình thủy điện Hố Hô và thủy điện An Khê-Kanak, trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan cũng như trong chủ trì xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành các công trình thủy điện, và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước khi kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV khai mạc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có báo cáo dài gần 20 trang đánh giá toàn diện, đầy đủ các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội nhiệm kỳ trước, trong đó bao gồm từ công tác quản lý về quy hoạch cho đến việc thông qua các chủ trương đầu tư quản lý các dự án đầu tư, phân cấp quản lý các dự án thủy điện tại các địa phương trong tất cả các khía cạnh về bảo đảm an toàn của thủy điện cũng như trong quy trình xả lũ, các phương án để bảo đảm chống lũ lụt ở hạ du đến cả các vấn đề về quản lý nhà nước nói chung.
Theo Bộ trưởng, về cơ bản đã khai thác hết những tiềm năng thủy điện lớn của đất nước nhưng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá.
Căn cứ theo chỉ đạo của Quốc hội trong Nghị quyết 62, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng đã xem xét, đánh giá lại và đưa ra khỏi quy hoạch những dự án không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân. Hiện nay có khoảng 336 dự án thủy điện. Chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện và các đập thủy điện được phân bổ cho một loạt bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với khía cạnh mình quản lý.
Liên quan đến bảo đảm an toàn khi xả lũ vào mùa mưa lũ của các dự án thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra có ba yếu tố quan trọng:
Một là phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn được phê duyệt tại địa phương và Chủ tịch ỦBND tỉnh trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thứ hai, về quy trình xả lũ, Nghị định của Chính phủ quy định rõ ràng đối với đập thủy điện có dung tích từ 1 triệu m3 và công suất từ 30 MW trở lên thì Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt quy trình xả lũ của hồ thủy điện. Dưới quy mô đó là lãnh đạo của địa phương phê duyệt.
Thứ ba, các chủ đập và các doanh nghiệp thủy điện đều phải tham gia cùng với địa phương xây dựng các phương án phòng, chống lũ ở hạ lưu và bảo đảm an toàn cho hạ lưu khi xả lũ.
“Phải có đủ ba yếu tố này thì các đập thủy điện và các chủ dự án mới được cấp giấy phép hoạt động điện lực”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, có thực tế tồn tại trong thời gian vừa qua là các đập khi xả lũ thường xuyên gây ra bức xúc trong nhân dân, trong dư luận xã hội, ví dụ xả lũ của Hố Hô cũng như An Khê-Kanak. Bộ trưởng cho biết, qua kiểm tra, đánh giá cụ thể thực tế, Bộ Công Thương nhận thấy có một số vấn đề.
Thứ nhất, việc chấp hành thực hiện quy trình còn máy móc và nguyên tắc. Bộ trưởng lấy ví dụ, theo nguyên tắc xả lũ của hồ thủy điện, chủ hồ, chủ đập thủy điện phải có nhiệm vụ thông báo cho chính quyền địa phương, bộ phận phòng, chống lụt bão của địa phương và các địa phương ở hạ lưu. Tuy nhiên, quy định lại không nói rõ là việc thông báo đó dưới những hình thức nào và bảo đảm yêu cầu như thế nào nên nhiều khi chủ đập, chủ thủy điện có thông báo nhưng không thông báo đầy đủ đến tất cả hay trường hợp Hố Hô vừa rồi, khi chủ đập thủy điện báo cáo gọi điện thì lại không có ai nghe máy và cũng không báo tiếp được. Như vậy, có sự phối hợp chưa tốt giữa các chủ đập thủy điện và chính quyền các địa phương, đặc biệt trong các phương án phòng, chống lụt bão được phê duyệt.
Thứ hai, trên thực tế có các phương án phòng, chống lụt bão, kể cả xả lũ nhưng quy định của pháp luật là không tổ chức thực hiện diễn tập ở các địa phương, dẫn đến tình trạng khi có sự cố xảy ra thì việc thực hiện, tổ chức không hiệu quả.
Thứ ba, trong theo dõi dự báo thời tiết, một số hệ thống quan trắc của các thủy điện không được bảo đảm, chưa có sự đầu tư vận hành tốt để phục vụ cho các chủ đập, các doanh nghiệp thủy điện cũng như địa phương theo dõi, chủ động trong phương án phòng, chống lụt bão cũng như phối hợp xả lũ.
Để khắc phục những bất cập này, thời gian tới Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp:
Một là tổng kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ quy trình xả lũ cũng như phương án tham gia phối hợp về phòng chống lụt bão, đặc biệt bảo đảm an toàn ở hạ du căn cứ theo quy định của Bhà nước.
Hai là đánh giá, kiểm tra lại các hoạt động về phòng chống lụt bão cũng như bảo đảm an toàn của thủy điện khi xả lũ tại địa phương; xem xét tổ chức tập huấn và làm rõ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia, kể cả của chính quyền địa phương các cấp cũng như chủ đập, chủ doanh nghiệp tại địa phương. Đi kèm đó sẽ thực hiện nghiêm các chế tài, quy định và nếu các doanh nghiệp không thực hiện được đầy đủ và có sự vi phạm pháp luật thì sẽ xem xét cấm tham gia hoạt động điện lực cũng như rút phép dự án.
Ba là phân định, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt khu vực hạ du, trong việc chủ động xây dựng các phương án phòng chống lụt bão, có sự tham gia của các doanh nghiệp, các chủ đập cũng như của các đối tác khác, bảo đảm hiệu quả an toàn cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Không thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Dung tiếp tục chất vấn việc xả lũ bất ngờ, không báo trước, nhiều lãnh đạo tỉnh hoàn toàn không biết. Đây là vấn đề không mới và cho đến nay càng trầm trọng hơn. Nhắc lại Bộ trưởng đã thừa nhận có những vi phạm, Đại biểu đặt câu hỏi Bộ trưởng xử lý vi phạm như thế nào để tới đây người dân không là nạn nhân nữa.
Trả lời đại biểu Trần Thị Dung, người đứng đầu ngành công thương cho biết đã có rà soát, kiểm tra, đánh giá và báo cáo với Thủ tướng vấn đề xả lũ của Hố Hô. Trên thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh không biết vì thủy điện không báo mà chỉ báo cho Ủy ban phòng, chống lụt bão của địa phương. Ủy ban phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động phòng, chống lụt bão, cũng như kiểm tra hoạt động của thủy điện trong xả lũ nên có phần trách nhiệm về việc này.
Thứ hai, do một số vấn đề như mất điện nên thông tin đã không đến được đầy đủ tất cả các Chủ tịch của các xã ở địa phương hoặc một số xã còn không nghe máy. Đánh giá tổng thể, Bộ trưởng thừa nhận trong quy trình có những vấn đề.
Để bảo đảm an toàn khi xả lũ xuống hạ du, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt các quy trình xả lũ cũng như những quy định của pháp lý liên quan đến bảo đảm an toàn khi thực hiện các hoạt động xả lũ của thủy điện cũng như tham gia hoạt động phòng, chống lụt bão của các thủy điện ở địa phương và sẽ có báo cáo đầy đủ với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Nguồn: Chinhphu.vn