Tin tức sự kiện

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

08:43, 13/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump đắc cử với đa số phiếu đại cử tri; tiến trình Brexit tiếp tục gặp trở ngại; Nga bác bỏ đề xuất của Liên hợp quốc về kéo dài lệnh ngừng bắn tại Aleppo,... kỷ niệm 75 năm cuộc duyệt binh lịch sử của Hồng quân Liên Xô tại Nga... là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

Bầu cử Tổng thống tại Mỹ, tỷ phú D.Trump thắng cử với đa số phiếu đại cử tri.
Bầu cử Tổng thống tại Mỹ, tỷ phú D.Trump thắng cử với đa số phiếu đại cử tri.

Kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump đắc cử với đa số phiếu đại cử tri

Ngày 9/11/2016 (theo giờ Việt Nam), trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc đầy kịch tính, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành được 276 phiếu đại cử tri, cao hơn mức 270 phiếu cần thiết trong tổng số 538 phiếu, bất ngờ vượt qua ứng cử viên dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân chủ Hillary Clinton để trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng.

Đây là một chiến thắng ngoạn mục của ông Trump trong cuộc đua đầy kịch tích, gay cấn tới phút chót và đánh dấu mốc quan trọng khi nước Mỹ sẽ có một vị Tổng thống đầu tiên xuất thân từ giới doanh nhân. Theo kế hoạch, ông Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2017 sau khi Tổng thống đương nhiệm Barack Obama mãn nhiệm.

Ngay sau khi giành chiến thắng, tỷ phú D.Trump đã xuất hiện trước công chúng với cam kết ông sẽ nỗ lực hết sức vì một nước Mỹ hùng mạnh.

Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump
Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump


Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng nhận được những phản hồi từ khắp thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng hợp tác với ông D.Trump nhằm phát triển một mối quan hệ Trung - Mỹ lâu dài, vững mạnh và ổn định vì lợi ích cơ bản của người dân hai nước cũng như kỳ vọng chung của cộng đồng toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng sẽ hợp tác để đưa quan hệ Nga - Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, cũng như để giải quyết các vấn đề quốc tế và tìm kiếm những câu trả lời hiệu quả cho các thách thức an ninh toàn cầu hiện nay. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi lời chúc mừng ông D.Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản là những đồng minh không thể lay chuyển dựa trên những giá trị chung như tự do, dân chủ, các quyền cơ bản của con người và pháp luật…

Sau chiến thắng của ông Donald Trump, thị trường thế giới đã có những biến động trái chiều. Ngày 10/11, chứng khoán và tiền tệ của Mexico và các nước Mỹ Latinh đã sụt giảm nghiêm trọng do các nhà đầu tư lo ngại các chính sách bảo hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones của thị trường Mỹ lại lập kỷ lục cao mới, tăng 1,2%, lên 18.807,88 điểm, vượt 170 điểm so với kỷ lục trước. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,2%, lên 2.167,48 điểm.

Ngược lại, chỉ số Nasdaq mất điểm, giảm 0,8%, xuống 5.208,8 điểm do sự sụt giảm giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ như Netflix (5,5%), Amazon (3,8%), Alphabet (2,9%), Apple (2,8%), Microsoft (2,4%) và Facebook (1,9%)…

Các nhà phân tích cho rằng các cổ phiếu công nghệ mất đà một phần do thị trường lo ngại lĩnh vực này có thể gặp bất lợi trước những thay đổi chính sách của Tổng thống mới.

Tiến trình Brexit tiếp tục gặp trở ngại

Ngày 3/11/2016, Tòa Thượng thẩm Anh đã ra phán quyết rằng Quốc hội nước này phải bỏ phiếu để xem xét có hay không bắt đầu tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Điều này có nghĩa Chính phủ của Thủ tướng Theresa May không được toàn quyền khởi động tiến trình Brexit mà phải đợi kết quả bỏ phiếu một lần nữa ở Quốc hội Anh.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là ba thẩm phán cấp cao của Tòa Thượng thẩm Anh nói rằng, Chính phủ không có quyền hạn để kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon nhưng Tòa cho phép Chính phủ Anh kháng phán quyết trên.

Ngay lập tức Chính phủ Anh trong ngày 3/11 đã tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định của Tòa án tối cao Anh. Ngày 4/11, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, thời hạn chót tháng 3/2017 khởi động các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu "vẫn không thay đổi" bất chấp phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh.

Nếu Chính phủ Anh thành công trong việc kháng cáo phán quyết của Tòa Thượng thẩm, tiến trình Brexit sẽ được khởi động từ tháng 3/2017 như đã định. Nếu thất bại, Quốc hội Anh có thể chặn đứng Brexit. Song điều này được cho là khó xảy ra, bởi các nghị sỹ không thể hành động đi ngược lại nguyện vọng của phần đông cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, tiến trình “rời đi” của London được cho là sẽ kéo dài và phức tạp hơn dự kiến nhiều.

Nga bác bỏ đề xuất của Liên hợp quốc về kéo dài lệnh ngừng bắn tại Aleppo

Ngày 11/11, trả lời đề nghị của Liên hợp quốc về kéo dài lệnh ngừng bắn tại thành phố Aleppo ở Syria, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ và khẳng định, lệnh ngừng bắn để hỗ trợ người dân, chứ không phải để phe khủng bố có cơ hội khôi phục lại khả năng chiến đấu.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov cho biết, bộ này đã nhận được thư của Liên hợp quốc từ hôm 7/11 và đây không phải là đề nghị lần đầu tiên. Theo ông Konashenkov, lệnh ngừng bắn nhân đạo là biện pháp cần thiết, song kéo dài lệnh mà không phải để trợ giúp người dân, trong khi những kẻ khủng bố có thể củng cố lại khả năng chiến đấu của chúng, là việc phản tác dụng và trái với lẽ thường.

Ông Konashenkov cũng cho biết thêm, dù có lệnh ngừng bắn hay không, trong vài tháng qua, Trung tâm hòa giải do Nga điều phối cũng đã chuyển đến Aleppo hơn 100 tấn hàng nhân đạo và không một lệnh ngừng bắn nhân đạo nào được áp dụng “bất ngờ”. Thông tin về thời gian áp dụng lệnh ngừng bắn, các hành lang sơ tán người dân hay các tay súng, số lượng xe buýt, xe cấp cứu, những điểm cung cấp bữa ăn nóng, các biện pháp đảm bảo an ninh, đều được thông báo kịp thời đến đại diện của Liên hợp quốc.

Lệnh ngừng bắn mới đây nhất tại Aleppo được Nga áp dụng trong vòng 10 giờ, vào ngày 4/11.

Anh thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ

Từ ngày 6 đến 8/11/2016, Thủ tướng Anh Theresa May đã có chuyến thăm Ấn Độ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit với nền kinh tế lớn đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của thế giới. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên ngoài Liên minh châu Âu kể từ khi bà May đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ Anh.

Trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu, chuyến thăm của Thủ tướng May đến Ấn Độ đã tập trung vào việc hướng tới dỡ bỏ các rào cản thương mại và chuẩn bị cho một hiệp định tự do thương mại giữa hai nước. Hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hai bên cũng lập một Ủy ban chung thúc đẩy thương mại nhân chuyến thăm lần này. Thủ tướng Theresa May còn công bố nới lỏng quy định cấp thị thực vào Anh đối với các doanh nhân Ấn Độ, theo đó những lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ thường xuyên đến Anh sẽ được áp dụng "quy chế đi lại đã đăng ký" để tạo thuận lợi hơn cho việc nhập cảnh. Quy chế này cho đến nay Anh mới chỉ áp dụng đối với công dân các nước phát triển.

Trên thực tế, Anh là một trong những cửa ngõ để Ấn Độ thâm nhập vào thị trường châu Âu. Thương mại giữa hai nước đạt 14,01 tỷ USD trong năm tài chính 2015 - 2016. Anh là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba vào Ấn Độ và cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Ấn Độ trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Trong 10 năm qua, số lượng các công ty Anh hoạt động tại Ấn Độ đã tăng 300%, trong đó bao gồm các công ty dịch vụ thương mại điện tử, công nghệ thông tin và giáo dục.

Trong khi đó, Ấn Độ là nhà đầu tư lớn thứ ba vào Anh. Môi trường kinh doanh thuận lợi tại Anh là yếu tố cốt lõi tạo nên sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư Ấn Độ.

Các nhà phân tích cho rằng, với việc chú trọng xây dựng quan hệ đối tác, Anh và Ấn Độ hy vọng chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên của Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư

Ngày 7/11/2016, Hội đồng Bầu cử Tối cao (CSE) của Nicaragua thông báo, với 72,5% số phiếu ủng hộ trong tổng số 99,8% số phiếu đã được kiểm, Tổng thống Daniel Ortega đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở quốc gia Trung Mỹ này. Với chiến thắng này, ông Daniel Ortega tiếp tục giữ cương vị Tổng thống Nicaragua ở nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp và đây cũng là nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư của ông.

Việc ông Daniel Ortega thắng cử được coi là chiến thắng kép vì Đệ nhất phu nhân Rosario Murillo, điều phối viên của Hội đồng Truyền thông và Công dân, cũng đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí Phó Tổng thống.

Kết quả trên được cho là không gây nhiều bất ngờ, bởi theo các cuộc thăm dò dư luận tại các điểm bỏ phiếu trước đó, đương kim Tổng thống Daniel Ortega cùng Đệ nhất phu nhân Rosario Murillo đã nhận được sự ủng hộ cao của khoảng 70% cử tri.

Các nhà phân tích cho rằng, tỷ lệ ủng hộ cao đối với Tổng thống Ortega sau hơn một thập kỷ cầm quyền được cho là nhờ cách điều hành kinh tế cẩn trọng cùng những chương trình xã hội được lòng dân. Nhờ những chính sách tiến bộ và thành tựu xây dựng đất nước, Tổng thống Daniel Ortega ngày càng nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và lực lượng tiến bộ ở Mỹ Latinh. Thắng lợi của Tổng thống Daniel Ortega và đảng Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino (FSLN) cầm quyền được đánh giá là thắng lợi của đường lối và tư tưởng độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Kỷ niệm 75 năm cuộc duyệt binh lịch sử của Hồng quân Liên Xô tại Nga

Ngày 7/11, tại Nga đã diễn ra nhiều hoạt động long trọng nhân kỷ niệm 75 năm cuộc duyệt binh huyền thoại của Hồng quân Liên Xô (7/11/1941 - 7/11/2016). Hơn 5.000 người đã diễu hành trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva để kỷ niệm Ngày Vinh quang chiến sĩ, ngày diễn ra cuộc duyệt binh huyền thoại cách đây 75 năm.

Cuộc diễu hành gồm có 2 phần, phần diễu hành của các quân nhân trong quân phục năm 1941 và phần tái hiện các giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô trước đây. Hòa trong tiếng nhạc của bài hát "Cuộc chiến tranh thần thánh", những quân nhân tham gia diễu hành phất cao cờ của các lực lượng đã bảo vệ Moskva cách đây 75 năm, mở đầu cho cuộc diễu hành long trọng này. Sau đó, các binh sĩ trong quân phục năm 1941 đã tham gia diễu hành và tái hiện lại các giai đoạn trong cuộc chiến bảo vệ Moskva trong tiếng nhạc của các bài hát thời chiến. Ngoài ra, các phương tiện kỹ thuật chiến đấu cũng được đưa ra diễu hành dọc Quảng trường Đỏ và trưng bày tại đây đến 5 giờ chiều (giờ địa phương), trong đó có xe tăng T-34, T-38. T-37 hay T-60.

Trước đó, tại Nga cũng đã diễn ra các hoạt động kỷ niệm khác, bắt đầu với lễ đặt vòng hoa tưởng niệm và ghi công tại Mộ Chiến sĩ vô danh. Đến dự buổi lễ có các cựu chiến binh, những người đã tham gia cuộc duyệt binh lịch sử năm 1941, cuộc duyệt binh mừng ngày Chiến thắng năm 1945, cùng đại diện các hội cựu chiến binh, hội thanh niên và chính quyền các thành phố.

Cuộc duyệt binh huyền thoại ngày 7/11/1941 có 28.500 binh sĩ và đại diện các đội dân quân tham gia. Nhiều người trong số họ từ Quảng trường Đỏ đã tiến thẳng ra mặt trận để bảo vệ thủ đô Moskva đang bị phát xít Đức bao vây. Giới nghiên cứu lịch sử nhấn mạnh việc Nga tổ chức lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ vào đúng những ngày chiến tranh khó khăn nhất trong năm 1941 có ý nghĩa chính trị - quân sự hết sức to lớn, giúp cổ vũ mạnh mẽ tinh thần, tình cảm của binh sĩ và củng cố niềm tin vào chiến thắng cuối cùng và nhiều người ra mặt trận với niềm tin quyết thắng trong cuộc chiến tranh khốc liệt này.

Nổ lớn tại căn cứ quân sự liên quân tại Afganistan

Các quan chức NATO cho biết, sáng 12/11 đã xảy ra một vụ nổ tại căn cứ không quân của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bagram, thuộc tỉnh Parwan, phía Bắc thủ đô Kabul, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 13 người bị thương.

Căn cứ không quân Bagram, cách thủ đô Kabul khoảng 50 km về phía Bắc, là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ và NATO tại Afghanistan trong 15 năm qua. Hiện có hơn 13.000 binh sĩ NATO đóng tại Afghanistan, trong đó đa số là người Mỹ, sau khi nhiệm vụ chiến đấu của liên minh quân sự này kết thúc hồi cuối năm 2014.

Nguồn: Dangcongsan.vn

Các tin khác