Tin tức sự kiện

Thế giới trong những ngày đầu sau Brexit

08:05, 01/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh với 51,8% cử tri có nguyện vọng chấm dứt tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), các thị trường thế giới bị “rung lắc” mạnh với những phản ứng tức thì. Giá dầu lao dốc, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm và giá vàng tăng cao...

Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại sau hàng loạt nhận định rằng, Brexit mang sắc thái chính trị nhiều hơn và sẽ chỉ tác động đến một phần nước Anh do nhiều công dân Anh vẫn muốn ở lại EU, nhất là các cử tri ở Scotland và Bắc Ireland.

Điều này cũng có nghĩa là phần lớn các hoạt động kinh tế trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra bình thường, mặc dù có thể giảm đôi chút. Vì thế, lãnh đạo các nước thành viên sáng lập EU đã hối thúc Thủ tướng David Cameron nhanh chóng tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết và rời EU càng sớm càng tốt, để các nước thành viên còn lại của EU ổn định tình hình, tránh hiệu ứng ly khai lan truyền và những hệ lụy khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp.

Nhìn chung, Brexit sẽ gây một số tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-chính trị toàn cầu, nhưng có lẽ Vương quốc Anh chịu tổn hại nhiều hơn và lâu dài hơn, nhất là hình ảnh Vương quốc Anh hiện nay.

Trước hết, đồng bảng Anh, một đồng tiền có uy tín rất lớn trong những thế kỷ qua và được cả thế giới ngưỡng mộ đã mất giá thê thảm. Ngày 27/6, đồng bảng Anh đã giảm 10% xuống 1,3122 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985.

Trang tin Tiêu dùng và Kinh doanh (CNBC) đăng tải dự báo của Tập đoàn Ngân hàng Hong Kong-Thượng Hải (HSBC) cho rằng, đồng bảng Anh sẽ giảm xuống mức 1,25 USD trong quý III/2016 và đến cuối năm nay sẽ ở mức 1,2 USD. Tương tự, bảng Anh trượt xuống 134,61 JPY và 1,2006 EUR.

Trên thị trường chứng khoán, việc các nhà đầu tư tìm cách rút khỏi Vương quốc Anh đã khiến chỉ số chứng khoán giảm sâu, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Anh lần đầu tiên trong lịch sử tài chính của nước này giảm xuống dưới 1,0%. Cùng với đó, nhiều ngân hàng nước ngoài giảm dần quy mô hoạt động hoặc đóng cửa các chi nhánh tại Anh.

Ngay trong ngày 24/6, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ triển vọng tín dụng của Anh từ “ổn định” xuống “tiêu cực” do nợ công vẫn ở mức cao và GDP tăng chậm.

Tiếp đó vào ngày 27/6, Fitch Ratings quyết định hạ một bậc tín nhiệm của Anh về mức “AA”, đồng thời hạ dự báo GDP năm 2017-2018 của nước Anh xuống 0,9%, thấp hơn dự báo trước đây là tăng 2,0%.

Tương tự, Standard & Poor’s đã hạ 2 bậc tín nhiệm của Anh từ mức “AAA” về mức “AA” và đang xem xét sẽ tiếp tục hạ mức tín nhiệm này.

Standard & Poor’s cũng cảnh báo, các công ty tài chính, nhất là công ty tài chính nước ngoài cần chủ động tìm kiếm những địa chỉ đầu tư khác sau khi Anh rời EU.

Đối với nhiều công dân Anh, nhất là những người đang làm việc tại nước ngoài, Brexit là sự kiện đáng buồn và ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội tìm kiếm việc làm vốn thuận lợi nhất trong xu thế toàn cầu hóa, bởi một lẽ giản đơn, tiếng Anh là lợi thế và một công dân Anh dù không có trình độ chuyên môn cũng dễ dàng tìm được việc làm tại nhiều nước trên thế giới.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác