Trong nước

Công ty Fomosa xả thải làm cá chết, cam kết bồi thường 11.500 tỷ đồng

18:56, 30/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Lúc 17h15 chiều nay (30-6), Chính phủ tổ chức họp báo trong nước và quốc tế chuyên đề công bố nguyên nhân sự cố môi trường khiến hải sản chết ở 4 tỉnh miền Trung. Cuộc họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cùng sự tham dự của một số bộ, ban ngành liên quan, tuỳ viên đại sứ quán một số nước.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong tháng 4-2016, tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời, có các biện pháp hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, giữ vững an ninh, trật tự. Chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan khoa học trên tinh thần thận trọng, khách quan, chính xác, đúng pháp luật để xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có biện pháp xử lý.

Bộ Khoa học, Công nghệ phối hợp cơ quan chức năng huy động hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước thu thập tài liệu, chứng cứ, xác định có nguồn thải từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh là nguồn thải lớn nhất chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp có tỷ trọng lớn hơn nước biến theo dòng hải lưu di chuyển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế làm hải sản chết hàng loạt.

Các đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, phát hiện Công ty TNHH FOMOSA có một số hành vi vi phạm dẫn đến việc xả thải có chứa độc tố nói trên vượt quá mức cho phép.

Từ căn cứ trên, các bộ, ngành, cơ quan chức  năng Việt Nam có sự tham vấn, thẩm định độc lập của cơ quan quốc tế, khẳng định quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp FOMOSA là nguyên nhân gây ra hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung.

Các PV dự họp báo
Các PV dự họp báo

Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp các bộ, ngành và 4 tỉnh miền Trung đã nhiều lần làm việc với công ty FOMOSA Đài Loan và FOMOSA Hà Tĩnh. Công ty FOMOSA Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố trên. Đồng thời cam kết 5 điểm:

1. Công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố.

2. Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tổng số tiền tương đương 11.500 tỷ đồng.

3. Khắc phuc triệt để tồn tại, đảm bảo xử lý triệt để việc xả thải độc hại ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra vừa qua.

4. Phối hợp bộ ngành Việt Nam và các tỉnh xây dựng giải pháp đồng bộ kiểm soát môi trường biển, không để xảy ra sự cố tương tự, tạo niềm tin với Việt Nam và quốc tế.

5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết trên, không để xảy ra các vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm sẽ chịu các chế tài theo quy đinh pháp luật Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương liên quan triển khai các biện pháp, thực hiện bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân, đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch với sự tham gia giám sát của nhân dân, cơ quan báo chí, thực hiện nghiêm 5 cam kết trên.

Triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Tập trung phát triển kinh tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an ninh, trật tự, không để các đối tượng xấu lợi dụng, xử lý nghiêm vi phạm.

Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm đồng tình của nhân dân cả nước, nhất là 4 tỉnh miền Trung, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng. “Chính phủ hoan nghênh phía Đài Loan ủng hộ quan điểm xử lý nghiêm của Chính phủ Việt Nam. Đây là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư  phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường.” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trả lời nguyên do phải mất 3 tháng mới có kết luận nguyên nhân sự cố. Đó là do tính chất phức tạp của vụ việc, phải tập hợp hơn 100 nhà khoa học, tiến hành rất nhiều công việc, từ lấy mẫu cá, nước, sinh vật biển đến những hoạt động khác nhau.

Những kết quả phân tích từ hàng nghìn thí nghiệm khác nhau, trong đó có thí nghiệm phải mất vài tuần mới có kết quả, đồng thời phải được kiểm chứng quốc tế để đánh giá khách quan. Việc làm khoa học phải theo trình tự khoa học, lấy ý kiến phản biện độc lập. Khi có kết luận đầy đủ mới công bố cụ thể.

Qua nghiên cứu cho thấy hợp chất như một tấm đệm chứa độc tố di chuyển từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế, trực tiếp gây ra sự cố cá chết. Nguồn được rà soát hàng trăm cơ sở và tập trung vào 3 đối tượng, trong đó có công ty Fomosa Hà Tĩnh. Quá trình kiểm tra đã dùng phương pháp khoa học để phát hiện sai sót, lỗi, những hành vi vi phạm. Từ đó xác định chỉ có lò luyện ở Fomosa đã xả thải độc tố này.

Theo Báo CAND

Các tin khác