Tin tức sự kiện

Giá vàng và dầu chuyển động trái chiều

15:40, 07/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Ở phiên giao dịch ngày 4/1, giá vàng thế giới tăng 2% lên mức cao nhất trong 4 tuần, trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và căng thẳng leo thang tại Trung Đông.

Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 2/2016 tại Sàn giao dịch kim loại New York - COMEX - tăng 1,4% lên 1.075,20 USD/ounce. Trong phiên này, giá vàng giao ngay có thời điểm vọt lên 1.083,30 USD/ounce, mức cao nhất trong 4 tuần qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, số liệu bi quan về kinh tế Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về triển vọng của kinh tế toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán lao dốc, song lại hỗ trợ giá vàng. Ngoài ra, giá vàng còn được hưởng lợi từ tình hình chính trị căng thẳng tại Trung Đông, sau khi Saudi Arabia cắt đứt quan hệ quan hệ ngoại giao với Iran. Ở đây, căng thẳng địa chính trị là động lực chính thúc đẩy giá vàng đi lên.

Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn đối mặt với triển vọng ảm đạm khi một số quan chức nhận định về khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành 3-5 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Shares, cho biết tính đến ngày 31/12/2015, lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 0,18% xuống 642,37 tấn, gần mức thấp nhất trong 7 năm.

Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 4/1, giá dầu thế giới đi xuống trong bối cảnh tình trạng dư cung và số liệu yếu kém của kinh tế Trung Quốc làm lu mờ lo ngại về tình hình bất ổn ở Trung Đông.

Cụ thể, khép lại phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2016 giảm 28 xu Mỹ xuống 36,76 USD/thùng. Tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn hạ 6 xu Mỹ xuống 37,22 USD/thùng.

Các chuyên gia đánh giá thị trường “vàng đen” lúc đầu khởi sắc do được hưởng lợi từ tình hình căng thẳng leo thang giữa nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Arabia và Iran liên quan đến việc Saudi Arabia hành quyết một giáo sĩ dòng Shiite. Quan hệ căng thẳng giữa hai nước trong dài hạn có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu của khu vực. Tuy nhiên, giá dầu mỏ lại quay đầu giảm do các nhà giao dịch chuyển hướng tập trung vào nguồn cung dư thừa và ngành chế tạo ốm yếu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới Ngoài ra, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran có thể phần nào gây khó khăn cho Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với 13 thành viên khi đưa ra một quyết định chung nhằm hạn chế nguồn cung dầu.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác