Tin tức sự kiện

Hoàn thiện pháp luật về tư pháp, giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia

14:32, 30/11/2015 (GMT+7)

Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIII khép lại với những dấu ấn nổi bật trong hoàn thiện pháp luật về tư pháp, nhiều đạo luật về lĩnh vực này được thảo luận, thông qua.

Về giám sát tối cao, Quốc hội đã thảo luận và ra Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND tối cao, TAND tối cao, công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.

1. Một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp thứ 10 là Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát tối cao thông qua việc thảo luận, ra nghị quyết về các báo cáo công tác và báo cáo giám sát chuyên đề. Trong đó, Quốc hội đã thảo luận và ra nghị quyết về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND tối cao, TAND tối cao, công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh QV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh QV.

Tại kỳ họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã báo cáo Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2015 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Bộ trưởng Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu bên lề Quốc hội. ảnh ĐT.
Bộ trưởng Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu bên lề Quốc hội. ảnh ĐT.

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, năm 2015, cùng với quá trình chủ động hội nhập quốc tế, tình hình kinh tế, xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng, đời sống nhân dân được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, trong xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển, tình hình thế giới, khu vực còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, khó dự báo, tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhất là biển Đông diễn biến gay gắt. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết hoạt động chống phá trên nhiều mặt… Nhìn lại kết quả các mặt công tác từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII tới nay cho thấy, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là năm 2015 đã kiềm chế, giảm nhiều loại tội phạm. Hầu hết chỉ tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra đều đạt và vượt. “Những kết quả đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước” – Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Thảo luận về báo cáo trên, các đại biểu khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, khó dự báo, vấn đề chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá…, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với những đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. “Nhìn chung, các biện pháp được triển khai đã tạo bước chuyển tích cực, kiềm chế sự gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm trên nhiều lĩnh vực như: giảm vi phạm trật tự an toàn giao thông cả ba tiêu chí; các tội phạm về cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện đều giảm” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện đánh giá. Ý kiến của các đại biểu tán thành báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, chỉ ra những diễn biến phức tạp trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đồng thời nêu ra những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2015, tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của QĐND và CAND được nâng lên. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và kết hợp tốt hơn giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đã đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch…

Bế mạc kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND tối cao, TAND tối cao, công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.

2. Kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, thông qua khối lượng lớn các dự án luật, trong đó có các đạo luật lớn, liên quan đến hoạt động tư pháp, việc bảo đảm quyền con người như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… Việc thông qua các đạo luật nói trên có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Trong đó, việc thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay.

Mục tiêu, quan điểm, nội dung sửa đổi, thông qua các dự án luật, bộ luật này phù hợp với chủ trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các kết luận của Bộ Chính trị về công tác cải cách tư pháp và những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013.

Thời gian qua, Bộ Công an trong chức năng, nhiệm vụ của mình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo, chỉnh lý các dự án luật theo sự phân công của Chính phủ. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật Tạm giữ, tạm giam và dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Đây là những dự án luật rất quan trọng, liên quan quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013, liên quan hoạt động của các cơ quan tư pháp. Quá trình soạn thảo, chỉnh lý, Bộ Công an đã quán triệt, thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra hình sự, công tác tạm giữ, tạm giam, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng, thông qua các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng, thể chế hóa Hiến pháp 2013, cụ thể hóa các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự, trong hoạt động tạm giữ, tạm giam.

Bộ Công an cũng đã tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với các dự án luật quan trọng khác, trong đó có các dự án luật lớn trong lĩnh vực tư pháp như Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)… Cùng những hoạt động tại nghị trường, nhằm giúp cơ quan chức năng có thêm cơ sở xem xét, chỉnh lý các dự thảo luật đảm bảo khoa học, Bộ Công an cũng đã tổ chức một số hoạt động quan trọng như hội thảo, tọa đàm đóng góp ý kiến về các dự án luật nói trên.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác