Tin tức sự kiện
Lắng nghe trẻ em nói để chăm sóc, bảo vệ các cháu tốt hơn
09:26, 31/05/2015 (GMT+7)
Dự Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 sáng 30/5 tại Hải Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn mơ ước, suy nghĩ của trẻ em không chỉ được người lớn lắng nghe mà phải được hiện thực hóa thành những hành động cụ thể.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu chúng ta chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thật tốt để các cháu vui, khỏe, giỏi giang thì đấy là hồng phúc của nước nhà. |
Chia sẻ với những ước mơ giản dị nhất của con trẻ về cuộc sống thường nhật, về tương lai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ xúc động khi biết nhiều trẻ em có ước mơ cao đẹp như mong muốn thế giới và đất nước giàu mạnh, mong muốn trở thành giáo sư, nhà khoa học, nhà du hành sau này. Nhưng cũng có những em nhỏ chỉ ước mơ giản dị như mong có đôi dép mới, mong mua được quyển truyện, mong bố có tiền mua xe máy để chở khách hay sửa nhà… Thậm chí, nhiều tâm sự của trẻ nhỏ khiến người lớn phải suy nghĩ như mong bố đừng say rượu, đừng đánh chửi mẹ, hay ước mơ muốn bố/mẹ hãy trở về với mái ấm gia đình…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn cần được chăm lo để các cháu được học hành, được vui chơi. Người lớn hãy lắng nghe trẻ em nói, để hành động, giảng giải cho trẻ những điều hay, lẽ phải, bằng tình yêu thương và trách nhiệm, quan trọng nữa là sự tôn trọng con trẻ, để bảo vệ, dạy dỗ và chăm sóc các cháu tốt hơn.
“Mỗi người chúng ta nếu tĩnh tâm lại để nghe tiếng nói của con trẻ, nghe tiếng nói của lòng mình sẽ biết con trẻ muốn gì ở người lớn. Tôi thực sự mong rằng bằng hành động, chúng ta hãy chăm lo tốt hơn cho các cháu. Trẻ em như măng non, như búp trên cành, chúng ta hãy làm thật tốt để măng non mọc thẳng, để búp trên cành xum xuê rồi đơm hoa, kết trái. Nếu chúng ta chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thật tốt để các cháu vui, khỏe, giỏi giang thì đấy là hồng phúc của nước nhà”, Phó Thủ tướng nói.
Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015. |
Theo Bộ LĐTB&XH, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em cách đây 25 năm. Theo đó, 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em trong Công ước (gồm: Quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia của trẻ em) đã và đang được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, nhận thức về quyền tham gia của trẻ em còn hạn chế so với các nhóm quyền khác. Việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, trong nhà trường, trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ em chưa thực sự được tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, kế hoạch về bản thân mình.
Tháng hành động vì trẻ em được lựa chọn với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” nhằm phát động toàn xã hội tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là tạo điều kiện để trẻ được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách; qua đó các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình cần lắng nghe, xem xét và phản hồi các ý kiến của trẻ em trên cơ sở tôn trọng tiếng nói của trẻ em, Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.
Đây là dịp để các cơ quan chức năng đánh giá, nhìn nhận lại nhiều chính sách, chương trình dành cho trẻ em đã và đang triển khai như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, tiêm chủng mở rộng, phòng và chống tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS, phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo v.v...
Nhân dịp này, 1.000 trẻ em của tỉnh Hải Dương, trong đó có 30 em hoàn cảnh khó khăn được tặng quà nhằm nguồn động viên, khích lệ để các em tiếp tục vươn, đạt được những thành tích cao hơn trong học tập và rèn luyện.
Cũng tại buổi lễ, các nhà tài trợ đã trao cho Quỹ vì trẻ em hơn 20 tỷ đồng để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn: Chinhphu.vn