2014- một năm nhiều khó khăn cả về chính trị, kinh tế và xã hội với các nước Liên minh châu Âu (EU), vừa đi qua. Bước sang năm 2015, tình hình tại EU sẽ như thế nào là câu hỏi lớn được nhiều người đặt ra.
Trong năm 2014, về chính trị, các nước EU chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và trở thành một bến đối đầu với Nga. Về kinh tế, các nền kinh tế thuộc EU vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn giữa trì trệ và hồi phục yếu, cộng thêm những hệ lụy từ những biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây. Về xã hội, làn sóng biểu tình, bãi công, đình công trong năm 2014 được xem là đỉnh cao trong nhiều năm qua, do người dân nhiều nước bất bình với chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Những cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy đã diễn ra tại Bỉ, Pháp, Anh và nhiều nước khác.
Bước sang năm 2015, tình hình tại EU sẽ như thế nào? Theo nhiều chuyên gia, EU đang bước vào một năm khó khăn nhiều hơn so với năm cũ, thậm chí là một năm khốn khó.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine, giờ đã gắn liền với EU, nhiều khả năng tiếp tục và thậm chí còn căng thẳng, nghiêm trọng hơn năm cũ do các bên chưa tìm được tiếng nói chung. Có chuyên gia còn đưa ra kịch bản xấu hơn nữa là cuộc nội chiến giữa chính phủ Kiev với các lực lượng ly khai ở miền Đông bị quốc tế hóa, nghĩa là có sự tham gia của nước ngoài.
Cuộc chiến kinh tế giữa phương Tây và Nga vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, mặc dù đã có nhiều lới kêu gọi các hai bên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Giá dầu vẫn đang trong xu thế giảm, đáng ra là một tin tốt cho quá trinh hồi phục kinh tế của EU vì khu vực này phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu, nhưng trên thực tế, chỉ số sản xuất tại các nền kinh tế chủ chốt trong EU vẫn đang tiếp tục giảm, do vậy giá dầu giảm không tác động tích cực nhiều đến kinh tế vĩ mô của EU. Đặc biệt, các nền kinh tế ở khu vực phía Nam của châu Âu vẫn còn trong tình trạng trì trệ, áp lực giảm phát cao và tại một số quốc gia khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp vẫn tiếp tục ở mức cao. Đây có thể là nguyên nhân của những bất ổn xã hội có thể xảy ra.
Tuy nhiên, những khó khăn nêu trên chưa phải là nét nổi bật của tình hình EU trong năm 2015. Vấn đề lớn nhất của EU trong năm mới này là sự tồn tại và phát triển của EU, vốn có thời được coi là đầu tàu nhất thể hóa khu vực của xu hướng hội nhập toàn cầu hóa. Rất có khả năng Hy Lạp sẽ là nơi kích hoạt một cuộc khủng hoảng có thể làm tan rã EU. Nước này đang chuẩn bị tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mà dường như đảng đối lập có chủ trương tách Hy Lap ra khỏi EU sẽ giành chiến thăng.
Là “bệnh nhân” số 1 của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu, trong 6 năm, cuộc suy thoái nặng nề nhất trong lịch sử Hy Lạp đã nhấn chìm đất nước này. Các chính sách thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ mà EU, Ngân hàng trung ương châu Âu và IMF áp dụng cho đất nước này để đổi lại Hy Lạp được vay khoản tiền khổng lồ lên đến 240 tỷ Euro, đã quét đi danh sách 1/4 số người giàu nhất đất nước và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên con số kỷ lục 29,5%.
Nay, tình hình đã khả quan hơn. Các con số thống kê cho thấy, sau một thời gian dài suy thoái không cưỡng được, tăng trưởng GDP trong hai quý cuối năm 2014 của Hy Lạp thuộc loại cao nhất trong khối EU. Nhưng theo Nhật báo “La Repubblica” của Italy, "Đất nước Hy Lạp đã được cứu vớt, giờ là lúc cần phải cứu người dân Hy Lạp". Trong những năm khủng hoảng, thu nhập của người Hy Lạp đã giảm 30%, trong khi theo tổ chức UNICEF, có tới 40% trẻ em nước này sống dưới mức nghèo khổ. Nếu tiếp tục ở lại EU, Hy Lạp sẽ vẫn phải chịu những áp lực từ các tổ chức đã cứu trợ nước này vượt qua khủng hoảng. Đây là điều mà nhiều ngưới dân Hy Lạp không muốn và đảng đối lập đã khai thác triệt để xu hướng này là đòi tách ra khỏi EU.
Báo "Tấm gương" của Đức ngày 4/1/2015 dẫn một nguồn thạo tin từ Chính phủ Đức cho biết nội các của Thủ tướng Angela Merkel coi việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone là điều khó tránh khỏi, nếu thủ lĩnh Alexis Tsipras của đảng đối lập Syriza giành chiến thắng. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 5/1 đã kêu gọi: “Người Hy Lạp được tự do lựa chọn số phận. Nhưng cũng phải nói rằng có một số cam kết cụ thể cần phải tôn trọng”.
Không chỉ Hy Lạp, Anh, nền kinh tế lớn thứ ba trong EU cũng tiến hành tổng tuyển cử trong năm 2015, trong bối cảnh làn sóng đối tách Anh ra khỏi EU đang lên cao. Năm 2014, người dân Anh đã nín thở theo dõi cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland, nhưng rồi họ thở phào vì kết quả trưng cầu vẫn giữ Scotland trong thành phẩn của Liên hiệp Vương quốc Anh. Liệu bài học của năm trước có lặp lại? Rất có thể Anh vẫn ở lại EU sau cuộc bầu cử tới đây, nhưng xu hướng hiện nay không có gì đảm bảo rằng Anh vẫn mãi là thành viên của EU. Bất kể cuối cùng Anh có tách khỏi EU, năm tới sẽ đánh dấu một bước ngoặt với châu Âu.
Không dừng lại ở đó, nhưng kết quả bầu cử ở Hy Lạp có thể dẫn đến sự hoảng loạn trong thị trường tài chính, gây ra một cuộc khủng hoảng có thể lan rộng sang Italy và sau đó là Pháp, lần lượt là nền kinh tế lớn thứ 4 và thứ 2 của khu vực đồng euro. Ở Italy, tình hình cũng tương tự với Hy Lạp và có những những dấu hiệu cho thấy một cơn bão đang kéo đến, không chỉ vì chính sách khắc khổ mà còn vì chính các vấn đề nội tại ngày càng tăng. Và khi cơn bão đổ vào Italy, Pháp có thể là nạn nhân tiếp theo. Hiện chỉ có 29% người Pháp cảm thấy lạc quan trong khi 71% bi quan về tương lai, đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận do Ifop thực hiện cho báo Dimanche Ouest-France được công bố ngày 4/1. Đây là mức lạc quan thấp nhất kể từ năm 1995, tỷ lệ bi quan khi đó xấp xỉ 30%.
Cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro đã góp phần – không hoàn toàn, nhưng đáng kể - vào sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc trong EU. Sức mạnh của xu hướng chính trị này được thể hiện rõ ràng vào tháng 5 vừa qua, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) lần thứ 8, khi các đảng cực hữu và theo xu hướng hoài nghi đồng tiền chung châu Âu giành thắng lợi lớn tại một số nước EU. Xu hướng này vẫn không suy giảm kể từ thời điểm đó.
Sẽ không quá khi nói rằng EU đang bị đe dọa cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Cuộc khủng hoảng về kinh tế tại EU có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị. Đó là lý do để nhiều người nói rằng 2015 sẽ là năm quyết định đối với Liên minh châu Âu.
.