Tin tức sự kiện

Dấu ấn ngoại giao đa phương 2014

15:01, 02/01/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển tại WEF, khẳng định cam kết quốc tế về quyền con người, cam kết đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu… là những hoạt động khẳng định chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đa phương, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập, đóng góp quan trọng vào thành công chung của ngoại giao Việt Nam trong năm 2014.

Tại WEF, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ hình thành chuỗi giá trị cho một số ngành hàng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Tại WEF, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ hình thành chuỗi giá trị cho một số ngành hàng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển tại WEF
 
Những ngày đầu năm 2014, Phó  Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn Cấp cao dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sỹ), mở đầu một năm sôi động các sự kiện ngoại giao đa phương.
 
Tai Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ những kinh nghiệm, tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, phân tích mối quan hệ giữa y tế và phát triển… hay những cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN - một tổ chức khu vực có vai trò hạt nhân trong liên kết Đông Á.
 
Bên cạnh mục đích chia sẻ kinh nghiệm, đoàn Việt Nam tham dự WEF cũng đã thảo luận, chia sẻ những ý tưởng, kinh nghiệm phát triển của các nước với mục tiêu hướng tới một thế giới phát triển bền vững hơn trong tương lai.
 
Khẳng định cam kết quốc tế về quyền con người
 
Tại phiên họp Hội đồng Nhân quyền tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), Đoàn Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
 
Báo cáo đã nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế và những nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người.
 
Bản Báo cáo được đa số các nước tham gia đánh giá là chuẩn bị công phu, toàn diện, có nội dung phong phú, thể hiện cam kết về đảm bảo quyền con người và hợp tác quốc tế.
 
Ngày 20/6 tại Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) với sự chứng kiến của đầy đủ đại diện 192 nước thành viên Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
 
Cam kết đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu
 
Nhằm nỗ lực thực hiện cam kết đóng góp cho hòa bình và an ninh thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3, diễn đàn đa phương cấp cao nhất về an ninh hạt nhân tại La Hay, Hà Lan từ ngày 24-25/3.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định cam kết Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu, nhất là trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3.
 
 Dấu ấn của ngoại giao nghị viện
 
Vào trung tuần tháng 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 130 tại Geneva, Thụy Sĩ.
 
Tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU 130, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có bài tham luận khẳng định rõ quan điểm của Việt Nam là luôn tích cực, có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề hòa bình, dân chủ; nhận được sự hưởng ứng và đánh giá cao của các đại biểu.
 
Đoàn Việt Nam đã đề xuất đến IPU chủ đề cho kỳ Đại hội đồng IPU 132 tại Việt Nam là "Nghị viện và việc thực hiện Chương trình phát triển bền vững sau 2015" và nhận được sự đồng thuận của IPU.
 
Thúc đẩy phát triển bền vững khu vực sông Mekong
 
Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh (ngày 5/4) với sự tham gia của đoàn đại biểu cấp cao 4 nước thành viên, gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và 2 nước đối tác-đối thoại: Trung Quốc, Myanmar cùng đại diện các đối tác phát triển, quan sát viên.
 
Với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong”, Hội nghị đã góp phần vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực.
 
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, thông qua hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác Mekong, sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong về phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
 
Nêu rõ chính nghĩa của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương
 
Từ ngày 1/5, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những phát biểu quan trọng phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 (Myanmar) và các hội nghị liên quan, và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (Philippines).
 
Trong các bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông. 
 
Thủ tướng khẳng định rõ ràng quan điểm của Việt Nam: “Kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình”.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo rộng rãi cho cộng đồng quốc tế thấy bản chất của tình hình căng thẳng Biển Đông, trong đó Trung Quốc là bên ngang nhiên xâm phạm, còn Việt Nam tiến hành những hoạt động chính nghĩa nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.
 
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La 2014.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La 2014.
Tại một diễn đàn quốc tế quan trọng khác - Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nêu rõ việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, việc làm không những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
 
Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
 
Cùng với đó phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành công hàm phản đối các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. 
 
Phái đoàn Việt Nam đã đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho lưu hành công hàm trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị đối ngoại đa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị đối ngoại đa phương.
Chủ trì hội nghị đối ngoại đa phương đầu tiên
 
Ngày 12/8, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị về chính sách đối ngoại đa phương thế kỷ 21, hội nghị đã thu hút khoảng gần 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương và học giả, diễn giả hàng đầu thế giới tham dự.
 
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tính chất đặc biệt của Hội nghị lần đầu tiên Việt Nam tổ chức, đồng thời đề nghị các diễn giả, đại diện các tổ chức quốc tế thảo luận, tìm các biện pháp hữu hiệu để đẩy mạnh đối ngoại đa phương, phục vụ hiệu quả cho bảo đảm môi trường hòa bình và phát triển của Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng đối ngoại đa phương cần chuyển mạnh từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang “chủ động đóng góp, khởi xướng và tích cực tham gia định hình”, tăng cường cách tiếp cận đa ngành, chú trọng nội hàm phát triển bền vững.
 
Nhiều đóng góp nổi bật tại ASEM 10
 
Nhằm triển khai hội nhập quốc tế toàn diện và nâng tầm đối ngoại đa phương, Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia và có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10).
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là 1 trong 6 nhà lãnh đạo đại diện cho 53 thành viên được mời phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 14, và thay mặt ASEAN phát biểu dẫn đề tại Phiên họp toàn thể về “Quan hệ đối tác Á-Âu ứng phó với các vấn đề toàn cầu trong một thế giới gắn kết”.
 
Với việc đề xuất 2 sáng kiến mới về xóa đói giảm nghèo và đào tạo kỹ năng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước tham dự hội nghị. Việt Nam cũng tham gia đồng bảo trợ sáng kiến của nước chủ nhà Italy về việc làm cho thanh niên Á-Âu.
 
Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam đã phối hợp với các thành viên ASEAN và EU tổ chức thành công Cuộc họp Cấp cao không chính thức đầu tiên sau nhiều năm giữa ASEAN-EU. Cuộc họp đã đề ra những biện pháp nhằm nâng tầm quan hệ mọi mặt, phản ánh nguyện vọng chung của hai bên hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 tại Myanmar
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 tại Myanmar
Nỗ lực cùng APEC thúc đẩy liên kết khu vực
 
Một điểm nhấn quan trọng của ngoại giao đa phương trong năm 2014  là chuyến công tác của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 từ ngày 9-11/11 tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
 
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự một loạt Hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn (Cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Cuộc họp cấp cao Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC).
 
Đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong tất cả các vấn đề lớn của các Hội nghị, đề xuất gắn kết chặt chẽ cải cách kinh tế, tăng trưởng, liên kết với phát triển bền vững, các Mục tiêu Thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn...
 
Tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN
 
Từ ngày 12-13/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Naypyidaw, Myanmar.
 
Tại các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm cũng như đề xuất, kiến nghị của Việt Nam như: Khẳng định việc tiếp tục đề cao đoàn kết và thống nhất ASEAN là điều kiện tiên quyết bảo đảm mục tiêu Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 và tiếp tục phát triển vững mạnh trong giai đoạn mới; đề xuất ASEAN cần tích cực phối hợp và thống nhất lập trường, chủ động có tiếng nói chung với các vấn đề ở khu vực, phát huy vai trò trung tâm trong việc xây dựng cấu trúc khu vực với các chuẩn mực chung trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực ứng xử của ASEAN.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu ra các ý kiến tích cực, xây dựng và có trách nhiệm về vấn đề Biển Đông, được lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đồng tình, ủng hộ.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác