Chiều 7/1, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Theo Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương Nguyễn Quốc Triệu, đây không phải là cuộc họp báo mà chỉ là trao đổi thông tin đầy đủ, khách quan, có cân nhắc quyền được thông tin và pháp luật hiện hành về khám chữa bệnh nên việc thông tin trong phạm vi cho phép của pháp luật.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương trao đổi với báo chí về tình hình sức khỏe của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. |
TS.BS Trần Huy Dụng, Phó Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương cho biết, ông Nguyễn Bá Thanh bị phát hiện bất thường về máu hồi tháng 5/2014 và được điều trị bệnh tại BV 108. Tại đây, các chuyên gia đầu ngành đã chẩn đoán ông bị rối loạn sinh tủy.
Tháng 6 và tháng 7/2014, ông được đưa sang Singapore điều trị mỗi tháng 1 tuần. Sau đó, theo giới thiệu của các chuyên gia Singapore, ông Nguyễn Bá Thanh đã được đưa sang Mỹ điều trị từ trung tuần tháng 8 đến nay.
Khoản 2 Điều 3 Luật Khám chữa bệnh quy định: Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
“Ông Bá Thanh lại là cán bộ cao cấp, nhiều người khi có bệnh cũng có tâm lý không muốn ai biết” - ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương.
"Báo chí không nên biến đây thành thông tin bất thường, giật gân câu khách. Đạo lý, sinh lão bệnh tử là với bất cứ ai. Bị bệnh là rủi ro nhưng với y học là không có gì đặc biệt. Mạng xã hội đưa thông tin xấu là ông Thanh bị đầu độc bằng phóng xạ, đấu đá tranh giành quyền lực… phải phản bác để định hướng dư luận. Khi ông Thanh về nước, máy bay xuống sân bay, không nên đến quá nhiều, người bệnh cần có sự tĩnh lặng, người nhà chăm sóc, ở bệnh viện không nên đeo bám. Ông Thanh có quyền không tiếp báo chí, không đưa tin để gia đình lo lắng" - ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
|
Theo phác đồ điều trị từ bên Mỹ, sau 2 hoặc 3 lần điều trị hóa chất (tùy sức khỏe của người bệnh), ông Nguyễn Bá Thanh sẽ được tiến hành ghép tủy.
Cho đến nay, ông Nguyễn Bá Thanh đã được truyền hóa chất 3 lần, nhưng chưa thể tiến hành ghép tủy, vì cần phải nghỉ ngơi để nâng cao sức khỏe.
Theo ông Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, ghép tủy là phương pháp hỗ trợ điều trị hóa chất liều cao. Ông Nguyễn Bá Thanh đã được điều trị 3 lần hóa chất, muốn biết tình trạng sức khỏe hiện nay phải chờ hồ sơ bệnh án của ông từ bên Mỹ và phải tiến hành làm các xét nghiệm thì mới xây dựng được kế hoạch điều trị tiếp theo, vì bệnh này diễn biến ở từng giai đoạn khác nhau, phương pháp điều trị đối với từng bệnh nhân cũng khác nhau.
Trước thông tin từ một số trang mạng cho rằng, ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc, ông Trần Huy Dụng khẳng định đây là thông tin hoàn toàn sai lệch, xuyên tạc. Vì khi phát hiện bệnh hồi tháng 5/2014, qua các xét nghiệm, trong máu của ông Thanh không có dấu hiệu của nhiễm độc. Nếu bị đầu độc, trong máu, trong cơ hoặc các cơ quan cơ thể khác sẽ có dấu vết để lại.
Để nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe trước khi ghép tủy, gia đình mong muốn đưa ông Thanh về Đà Nẵng để theo dõi, điều trị.
Khi về Việt Nam, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, TP. Đà Nẵng và các cơ quan liên quan cùng các giáo sư đầu ngành sẽ chuẩn bị chu đáo để tiếp tục điều trị và chăm sóc sức khỏe cho ông Nguyễn Bá Thanh theo phác đồ điều trị của Mỹ.
“Phác đồ điều trị và hội đồng chẩn đoán là do các giáo sư đầu ngành trong Hội đồng chuyên môn của Trung ương đảm nhận”, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương Nguyễn Quốc Triệu cho biết.
Hiện, vẫn chưa có lịch cụ thể về thời gian ông Nguyễn Bá Thanh về Việt Nam.
Theo ông Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện huyết học-Truyền máu Trung ương, hiện trên thế giới chưa tìm được nguyên nhân gây ra hội chứng rối loạn sinh tủy, cũng như chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh này.
Hội chứng rối loạn sinh tủy vẫn điều trị chung bằng hóa chất, nếu đủ điều kiện thì tiến hành ghép tế bào gốc ngoại vi.
Môi trường, thức ăn, hoạt chất sinh phẩm sử dụng hằng ngày, có thể là những yếu tố nguy cơ gây bệnh này.
.