Nên nói không với rượu bia, thuốc lá… kẻo mang nhiều bệnh tật. Tăng thuế thu nhập đặc biệt với những loại mặt hàng hóa này để cảnh báo người dân khi tiêu dùng, điều chỉnh thuế suất… Các đại biểu đã nêu ý kiến trong thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các luật thuế, ngày 4/11.
Nói không với rượu, bia, thuốc lá
Sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và đã đạt được mục tiêu đề ra. Về thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch,… Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có ga nên đưa vào thuế tiêu thụ đặc biệt, không thể để có nguy cơ mới điều chỉnh”.
Đại biểu đề nghị, điều chỉnh thuế suất vì sức khỏe nhân dân, chứ không phải để tăng ngân sách Nhà nước. Các đại biểu đồng tình với những phân tích trên, nước ngọt có ga, ta chưa có bằng chứng rõ ràng ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng có bằng chứng rằng trẻ em uống vào sẽ thiếu chất. Vì vậy, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để cảnh báo người tiêu dùng. Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế đã có cảnh báo, nước ngọt có ga uống nhiều khiến thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa,... nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Phải vì sức khỏe nhân dân là yếu tố hàng đầu. Có đại biểu bày tỏ: “Bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch... không phải là do lây nhiễm, mà là do rối loạn chuyển hóa, ta phải biết xót xa chứ”.
Theo dẫn chứng của đại biểu Thùy Trang, ở nước ta, một bao thuốc lá có giá bằng 1 lít sữa; ở Singapore giá 1 bao thuốc lá bằng 4 lít sữa. Đó là sự vô lý mà người tiêu dùng không biết. Người dân vẫn đang uống rượu bia và hút thuốc lá rất tốn kém tiền bạc, có hại cho sức khỏe mà không biết. Nhưng phải làm từ từ thì mới có tác dụng định hướng người tiêu dùng. Nhiều đại biểu lo lắng khi nạn buôn thuốc lá lậu cứ tiếp diễn, bất chấp luật pháp. “Luật ta du di quá, tôi không đồng tình việc thuốc lá lậu bắt được thì lại “tái xuất” là không được”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm. Theo bà, nên tăng ngân sách động viên lực lượng chống buôn lậu, nâng cao đạo đức nghề nghiệp để thu thuế đúng, đủ.
Tạo “cú hích” cho nông nghiệp
Các đại biểu cho rằng, thời gian qua, các địa phương trăm hoa đua nở câu chuyện đầu tư. Có địa phương cho ưu đãi nhiều lắm, từ thuế, đất đai nên đã bị lợi dụng nhiều. “Coi chừng không thì rơi hết vào FDI”, đại biểu lo ngại khi các doanh nghiệp FDI được nhiều địa phương ưu đãi quá mức. Đại biểu ví dụ, lĩnh vực y tế, có bệnh viện nước ngoài suốt 4 năm đầu không phải nộp đồng thuế nào, sau đó lại hưởng ưu đãi tiếp. Như vậy là suốt 8 năm liền không nộp đồng tiền thuế nào. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước không được ưu đãi gì cả, ta cần phải suy nghĩ.
Các đại biểu băn khoăn, đành rằng ưu đãi, nhưng “con đẻ” là bệnh viện công lập không được ưu đãi gì, nếu như được ưu đãi như bệnh viện nước ngoài thì bệnh nhân sẽ bớt đi những chi phí. Nói về chuyện thu thuế, các đại biểu đề nghị phải thu đúng, thu đủ và tránh nâng mức phạt. Dù ý thức người dân tốt nhưng tiền thu được lại rơi vào túi một số người, vì họ bắt tay với nhau. Các đại biểu đề nghị nên khuyến khích cho hoạt động nông nghiệp. Ở ta, nông nghiệp đang hoạt động bão hòa theo chiều rộng, nếu không có “cú hích” thì khó mà phát triển.
Đầu tư vào nông nghiệp, thường là chu kỳ 3 đến 5 năm thì mới thu lời cho nhà đầu tư. Và, chính sách nông nghiệp khuyến khích ở địa bàn khó khăn, như đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản. Nên hướng vào địa bàn dư địa và cạnh tranh. Ở đó, sản phẩm nông nghiệp có thể tạo thế cạnh tranh và cung ứng sản phẩm ra thế giới. “Tôi quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, vấn đề cây giống, con giống, với hàng hóa mua vào tạo điều kiện cho các mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi sẽ được khấu trừ đầu vào. Và cũng nên cân nhắc thêm lĩnh vực ưu đãi công nghiệp, nông nghiệp sau thu hoạch”, đại biểu Lê Đông Phong đề nghị.
Liên quan chính sách thuế, với hộ cá nhân kinh doanh, chính sách tự khai tự nộp. “Theo chủ quan ngành Thuế, nhìn bằng mắt thường và so sánh rồi ấn định mức thuế, từ đó sẽ tạo tiêu cực. Nếu tự khai, tự báo sẽ phát sinh nhiều phức tạp, nhiều cán bộ thuế “vẽ đường hươu chạy”. Vì vậy, nên cần một cơ chế để hộ kinh doanh tự khai mức thuế”, đại biểu Huỳnh Thành Đạt đề nghị
.