Tin tức sự kiện
Lập thêm tòa án, viện kiểm sát cấp cao
Luật tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật tổ chức viện KSND (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành vào chiều qua (24-11).
Một phiên xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM |
Điểm đáng chú ý trong hai đạo luật này là Quốc hội đồng ý thành lập TAND cấp cao, Viện KSND cấp cao.
Theo đó, TAND được tổ chức gồm TAND tối cao; TAND cấp cao; các TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương; các TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và tương đương. Viện KSND cũng được tổ chức thành các cấp tương tự.
Luật tổ chức TAND (sửa đổi) quy định nguyên tắc tổ chức của TAND là “độc lập theo thẩm quyền xét xử”.
Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp cao được quy định tại điều 29 như sau: Phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Luật tố tụng.
Đồng thời, tòa cũng có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của Luật tố tụng.
TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sẽ tập trung vào việc “tổng kết thực tiễn xét xử của các tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Thông qua Luật tổ chức viện KSND (sửa đổi), Quốc hội cũng trao quyền cho viện KSND khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự được yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận việc phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật.
Rất ít đại biểu thảo luận các nội dung này và tất cả đều tán thành sự cần thiết phê chuẩn, tham gia các công ước, hòa nhập và tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người.
Đáng chú ý, đối với công ước chống tra tấn, VN tuyên bố không áp dụng trực tiếp các quy định của công ước.
VN không xem công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ, việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật VN trên cơ sở Hiệp định về dẫn độ mà VN đã ký kết hoặc tham gia hoặc nguyên tắc có đi, có lại.
Nguồn: tuoitre.vn