Tin tức sự kiện

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần qua

09:13, 23/11/2014 (GMT+7)

Chính sách tinh giản biên chế; Chính sách đặc thù về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện; tăng mức phạt xe quá tải; chuyển Mobifone thành Tổng công ty viễn thông; quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 17- 21/11/2014.

Chính sách tinh giản biên chế

Chính phủ đã ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

2- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

3- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;

4- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

5- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

6- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;

7- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định 5 trường hợp tinh giản biên chế khác bao gồm:

Thứ nhất: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ hai: Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ ba: Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế  toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004;

Thứ tư: Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi thôi làm đại diện phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vị trí công tác mới;

Thứ năm: Những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định của Chính phủ cũng quy định cụ thể chính sách tinh giản biên chế gồm: Chính sách về hưu trước tuổi; Chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; Chính sách thôi việc; Chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn do sắp xếp tổ chức...

Tàu cao tốc chở khách sử dụng không quá 20 năm

Theo Nghị định quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu thì tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi có niên hạn sử dụng không quá 35 năm với vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép; không quá 20 năm với vỏ gỗ.

Còn tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí có niên hạn sử dụng không quá 30 năm với vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép; không quá 25 năm với vỏ gỗ.

Nghị định nêu rõ, niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa được tính từ năm đóng phương tiện. Tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu được tính từ năm đóng phương tiện cho đến năm đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu phương tiện tại Việt Nam.

Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa

Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa phải có đủ 5 điều kiện chung gồm:

1- Có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải thủy nội địa.

2- Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh.

3- Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

4- Thuyền viên, nhân viên phục vụ có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng, con của chủ hộ kinh doanh).

5- Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện kinh doanh: Vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến; vận chuyển khách du lịch; vận tải hành khách ngang sông; vận tải hàng hóa...

Quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền

Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Theo Nghị định, người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện nguyên tắc, thủ tục theo quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

Người, phương tiện, hàng hóa không thuộc cư dân biên giới hai bên xuất, nhập qua lối mở biên giới thực hiện chính sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động xuất, nhập qua biên giới đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm của Việt Nam và nước ngoài chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định.

Tăng mức phạt xe quá tải

Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó sẽ tăng mức phạt đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải.

Cụ thể, theo quy định hiện đang áp dụng tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì chỉ có 1 khung phạt từ 5-7 triệu đồng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Còn theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP vừa ban hành thì hành vi này được tách ra thành 2 khung phạt.

Cụ thể, ở khung phạt đầu tiên, mức phạt được giữ nguyên là từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đến 100% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Ở khung phạt thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% thì sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng).

Quy chế bảo vệ cảng biển, luồng hàng hải

Chính phủ đã ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải. Nghị định quy định các hành vi bị cấm trong bảo vệ công trình hàng hải gồm: Phá hủy, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng hải; nổ mìn và các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được phép; xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải...

Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ, việc quản lý khai thác, sửa chữa và bảo vệ công trình hàng hải phải tuân theo quy định có liên quan của pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phải có phương án bảo vệ công trình.

Chính sách đặc thù về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Quyết định quy định cụ thể việc quy hoạch tái định cư, bồi thường về đất; tài sản trên đất; hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc kèm theo nhà ở tại điểm tái định cư; hỗ trợ làm đường tạm để di chuyển người và tài sản; hỗ trợ ổn định đời sống...

Cụ thể, hộ tái định cư chuyển đến điểm tái định cư tập trung nông thôn sẽ được bồi thường về đất (đất ở, đất sản xuất) bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi theo quy hoạch tái định cư được duyệt.

Còn hộ tái định cư xen ghép được bồi thường về đất bằng việc giao đất ở, đất sản xuất, phù hợp với quỹ đất của điểm tái định cư xen ghép được duyệt nhưng tối thiểu đảm bảo diện tích đất cho mỗi hộ tái định cư tương đương với mức trung bình của hộ sở tại.

Quyết định cũng quy định cụ thể việc hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển rừng và sản xuất nông, lâm kết hợp; chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm... để người dân sau tái định cư ổn định đời sống và sản xuất.

Mức đóng, hỗ trợ bảo hiểm y tế

Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Nghị định quy định ngoài đối tượng quy định tại Khoản 1,2,3, 4 và Khoản 5 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế, các đối tượng khác quy định tại Khoản 6 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế gồm:

1- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30/5/1979 của Hội đồng Chính phủ (Chính phủ) về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

2- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

Về mức đóng bảo hiểm y tế, Nghị định quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (người lao động) mức đóng bảo hiểm bằng 4,5 tiền lương tháng của người lao động.

Đồng thời, người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng cũng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản.

Nghị định cũng quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp…

Xây dựng Cảng hành khách quốc tế tại Phú Quốc

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hành khách quốc tế tại Phú Quốc. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Kiên Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án.

Đồng ý chuyển Mobifone thành Tổng công ty viễn thông

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin di động Mobifone thành Tổng công ty viễn thông Mobifone.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định việc chuyển đổi theo quy định hiện hành và chịu trách nhiệm thực hiện cổ phần hóa Mobifone theo đúng Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác