Tin tức sự kiện

'Việt Nam sẽ là mảnh đất lành để cùng hợp tác, cùng thành công'

13:58, 22/11/2014 (GMT+7)

Sáng 21-11, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị doanh nghiệp Đức khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 (APK 14). Hội nghị diễn ra trong 3 ngày và là Hội nghị doanh nghiệp Đức ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức.

324
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong những năm gần đây, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên là động lực tăng trưởng và liên kết của kinh tế thế giới, chiếm gần 55% GDP toàn cầu và có vai trò rất quan trọng hình thành trật tự thế giới trong tương lai. Tạo nên xu thế phát triển mạnh mẽ này có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động tại khu vực, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Đức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang trong tiến trình hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nên có nhu cầu lên tới hàng chục tỷ USD để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, năng lượng tái tạo, giao thông, nhất là giao thông đô thị, cảng biển, sân bay. “Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo mô hình đối tác công-tư (PPP) và đây cũng chính là thế mạnh của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp Đức”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ là mảnh đất lành để các bạn và chúng tôi, chúng ta cùng nhau hợp tác và cùng thành công. Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Đức đầu tư lâu dài ở Việt Nam”.

Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức Sigmar Gabriel khẳng định châu Á chính là nơi định hình tương lai thế giới, là trụ cột giao thương quốc tế và là động lực phát triển của kinh tế toàn cầu. Châu Á có dân số đông, trẻ, trình độ giáo dục - đào tạo ngày càng cao, mức độ tiết kiệm lớn và nguồn tài nguyên dồi dào. Đó là lý do mà doanh nghiệp Đức phải có mặt ở châu Á.

Nguồn: anninhthudo.vn

Các tin khác