Khi mùa đông giá lạnh sắp đến, Kiev và Liên minh châu Âu (EU) đã phải tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng với Nga để tránh phải hứng chịu đòn đau từ thứ “vũ khí đặc biệt” mang tên khí đốt.
Cuộc chiến khí đốt kéo dài suốt thời gian qua và khi mùa đông đến gần, với nguồn cung cấp khí đốt ngày càng ít đi, không chỉ Ukraine mà EU cũng bắt đầu thực sự thấy lo ngại. Trong khi Ukraine là nơi đường dẫn chủ lực của khí đốt Nga đến 28 nước thành viên EU vốn lệ thuộc 1/3 nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga. 6 nước trong đó có Bulgaria và Slovakia, hoàn toàn lệ thuộc nguồn khí đốt của tập đoàn Gazprom.
Kiev đã phải chuẩn bị đón một mùa đông khắc nghiệt mà không có khí đốt Nga bằng cách trữ nhiên liệu, thương lượng mua khí đốt từ Hungary, Ba Lan và Slovakia. Những nước này cũng nhận khí đốt từ Nga và sau đó chuyển lại cho Ukraine. Nhưng Nga phản đối, với lý do nguồn khí ấy vẫn là của Nga. Ba Lan và Slovakia đã thông báo về việc nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đến cho nước họ đang giảm đi trong những tuần gần đây và cho rằng, đây là một bước đi của Nga nhằm hạn chế khả năng tái xuất khí đốt của Ba Lan và Slovakia cho Kiev.
Tập đoàn Gazprom và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng cảnh báo về hậu quả nếu các nước thành viên của EU tìm cách tái xuất lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Ukraine. Moscow tuyên bố, trong hợp đồng mà nước này ký với các nước thành viên EU đã cấm việc tái xuất khẩu khí đốt sang Ukraine. Cuối cùng thì Hungary đã phải ngưng chuyển khí đốt cho Ukraine. Công ty khí đốt FGSZ Ltd. của Hungary giải thích lý do cắt nguồn cung cấp cho Ukraine là vì nhu cầu tăng cao.
Tuy nhiên, việc đó xảy ra sau khi Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn rằng, hoạt động bán lại khí đốt cho Ukraine của các nước thành viên EU là bất hợp pháp và có thể dẫn đến hậu quả là Gazprom sẽ không cung cấp khí đốt cho các nước đó nữa. “Chúng tôi hy vọng các đối tác châu Âu tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận đã ký kết và đó là cách duy nhất để bảo đảm rằng sẽ không có sự gián đoạn trong hoạt động cung cấp khí đốt của Nga cho những người tiêu dùng châu Âu”, ông Novak nhấn mạnh như vậy với tờ nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức.
Tuần qua, Ukraine tiến gần hơn đến việc giải quyết tranh chấp từ nhiều tháng nay với Nga về nguồn khí đốt nhập từ Nga vào Ukraine, với một bản thỏa thuận cho thấy Điện Kremlin đã chuyển từ một chiến lược quân sự sang chiến lược kinh tế, để ngăn Kiev không “ngả về phương Tây”, theo đúng ý muốn của Nga.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York rằng: “Họ muốn đóng băng chúng tôi. Đó là mục đích và cũng là một con át chủ bài khác trong tay Nga. Như vậy, ngoại trừ tấn công quân sự, ngoại trừ chiến dịch quân sự chống lại Ukraine, họ còn một con át chủ bài khác trong tay, đó là năng lượng”. “Mục đích tối cao của Nga là tổ chức, dàn dựng ra một cuộc xung đột lạnh khác ở Ukraine”, Thủ tướng Yatseniuk nói thêm.
Theo Thỏa thuận nói trên được Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian (EU bảo đảm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ cho Ukraine vay tiền trả nợ Nga), Ukraine sẽ trả cho Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga số tiền nợ mua khí đốt 3,1 tỷ USD thành hai lần trước thời hạn cuối năm nay. Đổi lại, Gazprom sẽ bảo đảm cung cấp ít nhất 5 tỷ m3 khí đốt cho Ukraine, sau khi nhận được 2 tỷ USD đầu tiên, từ tháng 10-2014 đến tháng 3-2015, với mức giá 385 USD/1.000m3 khí đốt, nhằm giúp Kiev đáp ứng nhu cầu năng lượng nội địa trong những tháng mùa đông.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Novak cho biết tại cuộc họp báo rằng, 3 bên đã đưa ra một kế hoạch được coi là nền tảng để giải quyết tranh chấp và bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine cũng như các nước thành viên EU trong vòng 6 tháng. Tuần tới sẽ có các cuộc đàm phán 3 bên để quyết định về những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, thỏa thuận vừa đạt được chỉ kéo dài đến mùa xuân tới và chỉ là nhằm để tránh một cuộc khủng hoảng về nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine và EU nhưng nó chưa thể giải quyết tận gốc những tranh cãi về giá cả khí đốt giữa Nga.
Đầu tháng 9, Tổng thống Poroshenko đã đành chịu thua trước sức ép của Nga, bằng cách chấp nhận một thỏa thuận ngưng bắn với phe đòi ly khai ở miền đông Ukraine. Thỏa thuận này đang được duy trì, dù hàng ngày xảy ra vài vụ đụng độ vũ trang. Nay Kiev lại phải nhượng bộ trên các mặt trận kinh tế và ngoại giao khi Nga cũng dọa một cuộc chiến thương mại, khiến EU và Ukraine buộc phải đồng ý hoãn áp dụng phần lớn một thỏa thuận hợp tác chính trị - kinh tế giữa Kiev với EU mà Nga phản đối. Hiệp định liên kết EU-Ukraine bắt đầu có hiệu lực hoàn toàn từ tháng 11 năm nay.
Nhưng rồi Moscow, Kiev và EU đã đồng ý tạm hoãn việc áp dụng đầy đủ văn kiện này đến năm 2016. Việc thực hiện thỏa thuận trong phần tạo lập khu vực thương mại tự do sẽ hoãn cho đến ngày 1-1-2016. Khi thỏa thuận này được tuân thủ, Nga hứa không ban hành biện pháp bảo vệ nền kinh tế của nước mình, bao gồm cả lệ phí thuế với hàng hóa từ Ukraine.
Trong diễn biến khác, mặc dù EU cũng tiếp tục gây vài sức ép với Nga khi giữ nguyên các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay với Nga, nhưng quyết định này đã vấp phải những phản ứng trái chiều ngay trong nội bộ của 28 nước thành viên EU. Một số nhà lãnh đạo trong khối EU, gồm Thủ tướng Slovakia Robert Fico và Thủ tướng Hungary Viktor Orban… đã công khai chỉ trích các lệnh trừng phạt chống lại Nga với những lo ngại sẽ dẫn tới các biện pháp trả đũa thương mại từ Nga bởi Nga là một nước cung cấp năng lượng hàng đầu hiện nay cho các nước châu Âu.
Thủ tướng Đức cũng đã nói với báo chí rằng, Liên minh châu Âu gồm 28 thành viên vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga. Đức đang nhập khẩu tới 38% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga trong khi một số nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Bà Merkel cũng tuyên bố “Chúng tôi không có ý định cắt đứt hoàn toàn sự phụ thuộc này” và mối quan hệ hợp tác về năng lượng đó đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Phản ứng từ phía Nga trước động thái trên của EU, ông Vladimir Dzhabarov - Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga hay còn gọi là Thượng viện Nga cho biết, Thượng viện nước này cũng đã đình chỉ quan hệ với nghị viện các nước ủng hộ lệnh trừng phạt chống lại nước Nga.
.