Nâng cao hiệu quả công tác dân tộc; quy định mới về kinh doanh vận tải bằng ô tô; điều kiện kinh doanh xăng dầu; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 8-12/9.
Nâng cao hiệu quả công tác dân tộc
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thể chế hóa những quan điểm ưu tiên thành cơ chế, chính sách cụ thể; xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban Dân tộc với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011- 2015; ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2014, 2015; chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các đề án, chính sách theo các mục tiêu cơ bản, dài hạn, ổn định và giảm đầu mối quản lý; tập trung ưu tiên các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, khuyến khích thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hạn chế dần các chính sách hỗ trợ cho không, chuyển mạnh sang cơ chế ưu đãi, hỗ trợ các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất và đời sống, khuyến khích đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo...
Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng ô tô
Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP với nhiều quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, Nghị định nêu rõ, từ ngày 1/7/2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải hành khách hoặc hợp đồng lữ hành, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
Đồng thời, từ ngày 1/7/2016, xe taxi cũng phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách...
Điều kiện kinh doanh xăng dầu
Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã được Chính phủ ban hành, thương nhân có đủ 5 điều kiện sẽ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.
5 điều kiện gồm:
1- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.
2- Có kho, bể xăng dầu dung tích tối thiểu 2000 m3 thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ 5 năm trở lên.
3- Có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ 5 năm trở lên.
4- Có hệ thống phân phối xăng dầu, bao gồm tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu, tối thiểu 10 cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Hệ thống phân phối của tổng đại lý phải nằm trong hệ thống phân phối của một thương nhân đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.
5- Cán bộ quản lý, nhân viện trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Phê duyệt Phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VIETNAM AIRLINES).
Theo đó, hình thức cổ phần hóa là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. VIETNAM AIRLINES có vốn điều lệ 14.101,84 tỷ đồng.
VIETNAM AIRLINES kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng thanh tra Chính phủ căn cứ tình hình thực tế chủ động, trực tiếp về địa phương nơi xảy ra vụ việc để tiếp công dân; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ để việc tiếp công dân đạt hiệu quả.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ tập trung kiểm tra, giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài, những vụ việc được Thủ tướng Chính phủ giao...
Xây hơn 5 nghìn phòng học, phòng làm nhà công vụ giáo viên
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2014 - 2015 là đầu tư xây dựng danh mục phòng học, nhà công vụ cho giáo viên mầm non thuộc các huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; đã được phê duyệt tại Quyết định 20/2008/QĐ-TTg ngày 1/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa thực hiện. Dự kiến tổng số lượng là 2.627 phòng học và 2.658 phòng làm nhà công vụ cho giáo viên.
Đến năm 2030 có 30 công viên địa chất quốc gia
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam”.
Mục tiêu của Đề án là bảo tồn, sử dụng hợp lý các di sản địa chất, quản lý và phát triển bền vững mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam với các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 nghiên cứu, đánh giá tổng quan (tỷ lệ 1/200.000) và chi tiết (tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000) di sản địa chất và triển vọng xây dựng công viên địa chất ở 25 - 30 khu vực ở miền Trung và miền Nam Việt Nam; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận 5 - 7 công viên địa chất quốc gia; trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận 2 - 3 công viên địa chất toàn cầu.
Tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục mở rộng mạng lưới các công viên địa chất quốc gia và công viên địa chất toàn cầu trên phạm vi cả nước; phấn đấu công nhận khoảng 25 - 30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu.
Thành lập Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia thuộc Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hỗ trợ cấp bách phòng chống cháy rừng
Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 160 tỷ đồng cho 13 địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện phòng chống cháy rừng năm 2014.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ hướng dẫn, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương xác định vị trí việc làm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ để chấn chỉnh, xử lý các sai phạm. Đề xuất, triển khai các giải pháp đột phá trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
.