Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201408/khung-hoang-kinh-te-nga-eu-co-nhieu-nan-nhan-524754/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201408/khung-hoang-kinh-te-nga-eu-co-nhieu-nan-nhan-524754/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khủng hoảng kinh tế Nga-EU có nhiều 'nạn nhân' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 25/08/2014, 08:55 [GMT+7]

Khủng hoảng kinh tế Nga-EU có nhiều 'nạn nhân'

Cuộc khủng hoảng Ukraine, cùng với việc Mỹ, phương Tây tăng cường các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU); các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập và rộng hơn là kinh tế toàn cầu.
 
Đó là đánh giá  của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra mới đây. 
 
Báo cáo của IMF nhận định: “Tác động lan truyền từ những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cho đến nay đã gây ra những hệ quả tiêu cực về kinh tế đối với tất cả các nước can dự… Tình trạng leo thang căng thẳng thông qua áp đặt cấm vận và trả đũa có thể gây ra những tác động dây chuyền ở châu Âu, Trung Á và nhiều khu vực khác”. 
 
Báo cáo cho biết: Các ngân hàng của Áo có nguy cơ chịu tổn thất lớn nhất từ các lệnh cấm vận nhằm vào Nga. Bất kì một tác động ảnh hưởng nào mà các tổ chức, định chế này phải gánh chịu có thể sẽ lan sang nhiều nước khác, thông qua các kênh tín dụng ở các thị trường mới nổi ở châu Âu. Những ngân hàng cho vay ở Thụy Điển, Pháp, Italy cũng không có được sự “bảo vệ” tốt như các định chế tài chính ở các nền kinh tế phát triển khác, nhất là trong bối cảnh “chất lượng tín dụng của Nga, Ukraine đi xuống, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với các mối nguy phá sản”.
 
Trước đó, ngày 24/7, IMF đã hạ tỉ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 từ mức 3,7% xuống còn 3,4%, do những bất ổn ở Ukraine và Trung Đông. 
 
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các nước thành viên EU sẽ thiệt hại khoảng 40 tỷ và 50 tỷ euro trong 2 năm 2014-2015 do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng. Các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Nga gây lo ngại cho các nước có nền kinh tế gặp khó khăn của EU, đặc biệt là Italy. Trong khi đó, Trung tâm tài chính London sẽ mất phần từ Nga và con số có thể lên đến hàng trăm triệu bảng. 
 
EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ euro. Các biện pháp hạn chế huy động vốn sẽ tác động nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Một phản ứng tiêu cực rõ nét đó là ngay sau khi Mỹ và EU đồng loạt áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới, nhiều nước châu Âu như Thụy Điển, Ba Lan, Anh, Bỉ, Đức… đều thừa nhận chính họ sẽ thiệt hại lớn từ “cuộc chiến” lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga. 
 
Bên cạnh đó, Nga nắm giữ huyết mạch năng lượng của EU khi cung cấp gần 1/3 khí đốt cho thị trường châu Âu, nên một khi Nga áp dụng biện pháp chống trừng phạt, EU sẽ phải đối mặt với các vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng. IMF nêu bật một “nguy cơ tiềm tàng khác” - sự gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu, với riêng tập đoàn Gazprom đã đảm nhận tới 1/3 nhu cầu khí đốt của EU và 1/2 sản lượng này được vận chuyển qua Ukraine.
 
Theo thẩm định của Công ty Tư vấn Mỹ, Sanford C. Berstein & Co, đóng cửa thị trường với khí đốt của Nga sẽ buộc EU hoặc phải đầu tư thêm 215 tỷ USD để nhanh chóng tìm một nguồn cung cấp thay thế hoặc phải giảm nhu cầu tiêu thụ đến 15 tỉ m3/năm.
 
Năng lượng là một nhược điểm của châu Âu. Liên minh này nhập vào hơn 50% năng lượng để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của tư nhân và các doanh nghiệp trong toàn khối. Mặc dù tại Hội nghị thượng đỉnh Âu-Mỹ mùa Xuân vừa qua, Washington đã đề nghị “sẵn sàng giúp đỡ châu Âu giải tỏa bớt áp lực của Moskva”. Tuy nhiên, đề nghị của Washington cung cấp khí đốt cho châu Âu mới chỉ là lời hứa, vì việc đưa khí đốt của Mỹ sang thị trường châu Âu không đơn giản. Do vậy, các chính khách của châu Âu đủ thực tế để ý thức được rằng mùa Đông tới đây, EU sẽ vô cùng chật vật nếu không có khí đốt của Nga. 
 
Ngày 21/8, các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Hà Lan (ING) cho biết việc Nga từ chối mua các loại trái cây và rau quả của Liên minh châu Âu (EU) khiến EU thiệt hại khoảng 6,7 tỷ euro và số người thất nghiệp ở EU tăng thêm 130.000.
 
Theo các nhà phân tích, việc giảm thương mại với Nga ảnh hưởng nặng nhất đến các nước Baltic: Litva có thể mất 0,4% GDP, Estonia mất 0,35% và Latvia mất 0,2% GDP trong năm nay.
 
Đối với Đức, nước này chịu thiệt hại lớn nhất, khoảng 1,3 tỷ euro. Trong khi đó, thất nghiệp ảnh hưởng nhiều nhất tới Ba Lan, với khoảng 23.000 việc làm bị mất.
 
Hiện tại, các công ty Đức bắt đầu cảm nhận các tác động tiêu cực bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine liên quan tới các lệnh trừng phạt Nga và trả đũa của Moscow, trở thành những nạn nhân của cuộc chơi giữa các nước lớn.
 
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong EU. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga lên tới 36 tỷ euro, bằng gần 1/3 tổng kim ngạch của cả châu Âu. Khoảng 6.200 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tích cực tại Nga với số vốn đầu tư vào khoảng 20 tỷ euro. Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức cho biết, 300.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào giao dịch thương mại với Nga, đối tác thương mại lớn thứ 11 của nước này.
 
Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu Đông-Tây này, Ukraine sẽ là nước chịu thiệt hại nhiều nhất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh xã hội. 
 
Riêng về kinh tế, do tình hình khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết, IMF cảnh báo kinh tế Ukraine có thể suy giảm 6,5% trong năm 2014. 
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.