Tin tức sự kiện

Biển Đông đang dần trở thành "thùng thuốc súng"

09:14, 16/07/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Báo Business Insider (Mỹ) đăng bài ví Biển Đông như một thùng thuốc súng nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro về một cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo.
 
Theo báo Người đưa tin, bài báo trên Business Insider viết: Biển Đông là một thùng thuốc súng với các yêu sách lãnh thổ pha trộn vào nguồn tài nguyên dầu và khí đốt. Hầu hết các nước trong khu vực đều có một sự thù địch lâu dài với ít nhất một trong các nước láng giềng khác. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông và vì thế Bắc Kinh đang bị các nước trong khu vực nhìn với thái độ nghi ngờ và lo ngại.
 
Quân đội Mỹ và Trung Quốc đều có mặt ở đó. Nhật Bản cũng đang xúc tiến xây dựng khả năng quân sự của mình khi đối mặt với mối đe dọa Trung Quốc và Việt Nam, Philippines cũng đang nổi lên như những “người chơi”.
 
Biển Đông là nơi mà việc tranh giành quyền lực giữa các thế lực mới và cũ của thế giới sẽ diễn ra. Bất kỳ sự tranh cãi nào ở đó sẽ gần như nhất thiết phải liên quan đến Trung Quốc và Mỹ - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc đối đầu đã bắt đầu khi Trung Quốc tuyên bố tất cả mọi thứ ở Biển Đông là của họ với “đường chín đoạn” khiến gần như tất cả các nước láng giềng trở thành người tranh chấp với Trung Quốc.
 
Khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông hiện có  tới 5 điểm nóng có thể bùng thành xung đột. Đó là các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa, Senkaku/Điếu Ngư và bãi cạn Scarborough. Trong đó Senkaku/Điếu Ngư nằm ở biển Hoa Đông, 4 điểm còn lại đều nằm trong "đường 9 đoạn" tham lam của Trung Quốc.
 
Sự hung hăng của Trung Quốc đang gây ra áp lực lớn cho các láng giềng khiến họ phải tìm đến Mỹ như một đối trọng để cân bằng. Điển hình như trường hợp Philippines. Hiệp định liên minh quân sự với Philippines đã tạo thêm cho Mỹ một cơ sở nữa để tiến sâu vào Biển Đông hơn trước. Nó là một bước trong chiến lược xoay trục mà nước Mỹ đang thực hiện.
 
Đối phó lại, Trung Quốc cũng đang ráo riết xây dựng lực lượng quân sự với các dự án máy bay, tàu ngầm, tên lửa siêu thanh nhưng ngoài mặt, họ vẫn tỏ ra “nhún nhường” với Mỹ. Sau cuộc đối thoại Mỹ-Trung mới đây, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc có bài xã luận nói rằng hai nước cần tránh một cuộc “chiến tranh lạnh”.
 
Nhưng báo chí Mỹ bắt đầu có những tiếng nói yêu cầu cần cứng rắn hơn với Trung Quốc để ngăn chặn nước này bành trướng ở  Biển Đông. Đã có những tiết lộ của Lầu Năm Góc về biện pháp làm việc đó. Chẳng hạn cử tàu tuần duyên tới Biển Đông hoặc xây dựng mạng lưới giám sát tàu thuyền trong khu vực để chia sẻ cho các nước đang bị Trung Quốc gây áp lực.
 
Từ trước đến nay, Trung Quốc được cho là  luôn lo ngại về việc dư luận thế giới chú ý đến những hành động của họ ở Biển Đông. Tuy nhiên, vừa qua họ đã đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và chịu sự lên án mạnh mẽ của dư luận thế giới, nhưng họ vẫn chưa chịu rút về. Có lẽ Trung Quốc cảm thấy họ đã đủ mạnh để có thể phớt lờ dư luận?
 
Một yếu tố quan trọng nữa là quá trình đẩy mạnh vũ trang của các nước trong khu vực do áp lực từ Trung Quốc. Philippines mới đây công bố gói nâng cấp thiết bị quân sự 1,5 tỷ USD. Nhật Bản cũng đã quyết định sửa đổi giải thích Hiến pháp bất chấp dư luận trong nước phản đối. Trước đó, họ đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và hợp tác quân sự để cho phép doanh nghiệp của họ được bán vũ khí và hợp tác chế tạo vũ khí với nước ngoài. Nhật cũng đã bằng nhiều cách gia tăng sự hợp tác về an ninh và quân sự với các nước trong khu vực để cùng chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
 
Mỹ ngày càng tăng hiện diện ở Biển  Đông. Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự và  các nước chịu áp lực từ Bắc Kinh khởi  động việc nâng cấp quân sự. Tất cả chỉ tạo ra một mối nguy cơ ngày càng lớn đối với hòa bình ở Biển Đông.
 
* Theo Vietnamplus, ngày 14/7, Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ cho biết các nước trong khu vực châu  Á-Thái Bình Dương đang ngày càng lo ngại rằng những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quân sự.
 
Dẫn kết quả nghiên cứu  được tiến hành tại 44 nước, Trung tâm Pew cho hay: "Tại toàn bộ 11 quốc gia châu Á được thăm dò trong năm nay, khoảng một nửa (hoặc hơn) số người được hỏi lo ngại rằng tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quân sự".  Trong đó, người Philippines lo ngại nhiều nhất với 93%, tiếp theo là Nhật Bản với 85%, Việt Nam là 84% và Hàn Quốc là 83%. Ngay cả ở Trung Quốc, con số này cũng là 62%.
 
Cũng theo cuộc thăm dò của Pew, Nhật Bản, Philippines coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất. Trong khi đó, Trung Quốc, Malaysia và Pakistan coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất.
 
* Tướng Herbert Carlisle, Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, hôm 13/7 cảnh báo căng thẳng tại châu Á-Thái Bình Dương đang leo thang và “sơ suất” đang ngày càng dễ xảy ra.
 
Báo Japan Times đưa tin, phát biểu với phóng viên tại căn cứ không quân Yokota (Nhật Bản), tướng Carlisle nhận định “căng thẳng đang dâng cao” trong khu vực khi Trung Quốc tăng cường đưa ra các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
Nguy cơ xảy ra “sơ suất đang tăng cao” sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông hồi năm 2013 và sau vụ chiến đấu cơ Trung Quốc nhiều lần áp sát bất thường máy bay quân đội Nhật Bản ngay khi đang bay trong vài tháng gần đây, tướng Mỹ cảnh báo.
 
Ông Carlisle còn gọi việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển của Việt Nam hiện tại là hành động “khiêu khích”.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác