Tin tức sự kiện
Sửa đổi Bộ luật Hình sự bám sát thực tiễn phòng chống tội phạm
09:21, 16/03/2014 (GMT+7)
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 tại 63 điểm cầu. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2000.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, qua thực tiễn thi hành, có thể khẳng định, BLHS năm 1999 đã quy định một cách tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự; đã hình sự hóa được khá nhiều hành vi gây nguy hiểm cao cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học; thực sự là công cụ pháp lý quan trọng, góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sửa đổi Bộ luật Hình sự cần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm |
Yêu cầu sửa đổi từ thực tiễn thi hành luật
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành BLHS đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, trước hết xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, yêu cầu hội nhập quốc tế và bất cập, hạn chế từ công tác tổ chức thực hiện BLHS cũng như trong chính các quy định của bộ luật này. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định của BLHS đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Trên tinh thần đó, BLHS sửa đổi cần xây dựng dựa trên 6 định hướng cơ bản: Thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Nghiên cứu nội luật hóa những qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; sửa đổi các quy định của BLHS liên quan đến các tội phạm tham nhũng; Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự.
Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tại các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, các ý kiến tại Hội nghị cho biết hiện nay một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa được quy định trong BLHS. Thực tiễn cũng cho thấy không ít tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi ích cục bộ đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng, có tính chất tội phạm nhưng BLHS hiện hành chỉ truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân người phạm tội mà không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đồng thời, chưa hình sự hoá đầy đủ các hành vi tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.
Trong khi đó, BLHS được ban hành trong một thời gian khá dài, một số điều luật còn quy định chung chung, còn quy định nhiều tình tiết mang tính định tính nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa cụ thể nên khó triển khai thực hiện trên thực tế. Quy định về khung hình phạt của một số điều luật trong BLHS chưa thực sự hợp lý, dẫn tới việc áp dụng hình phạt chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan…
Trên cơ sở đó, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của BLHS theo hướng cơ bản, toàn diện, có tính minh bạch và tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội |
Định hướng sửa đổi Bộ luật Hình sự
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 7 định hướng chính sách lớn mà Bộ luật Hình sự sửa đổi cần bám sát, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thứ nhất, cần tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, giải pháp sửa đổi nhằm xây dựng được một bộ luật mới khắc phục ở mức cao nhất các hạn chế, tồn tại đã gây khó khăn cho quá trình thực thi và ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của đất nước ta trong thời gian qua. Phải bảo đảm rằng BLHS sửa đổi lần này phải có tính khả thi cao, là một bộ luật mang tính hiện đại, tính dự báo, tính minh bạch và có chất lượng cao về mặt kỹ thuật lập pháp.
Thứ hai, việc sửa đổi BLHS nằm trong Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi 2013. Do đó, bộ luật sửa đổi phải được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần của Hiến pháp mới, đặc biệt là phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; cần có cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tự bảo vệ mình và bảo vệ quyền lợi của người khác.
Thứ ba, BLHS sự phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương: "Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế".
Thứ tư, Bộ luật phải tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng các quy luật và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xây dựng các quy định bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Liên quan đến vấn đề môi trường, chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ càng vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Thứ năm, nước ta có nhiều vấn đề gây bức xúc như tội phạm tham nhũng, trốn lậu thuế, tội phạm môi trường, vi phạm trật tự xã hội... đang là vấn đề bức xúc xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước. Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua năm 2005 và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012. Bộ luật sửa đổi lần này phải đáp ứng được nhiệm vụ chính trị đặt ra cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Thứ sáu, BLHS phải được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quy định tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn. Trong đó, có thể xem xét khả năng quy định tội phạm và hình phạt không chỉ trong BLHS mà cả trong các luật chuyên ngành khác nhằm tạo sự linh hoạt, kịp thời trong đấu tranh với các loại tội phạm mới phát sinh, đồng thời bảo đảm tính ổn định lâu dài, giảm áp lực đối với việc sửa đổi thường xuyên một bộ luật lớn như BLHS.
Thứ bảy, trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì BLHS phải luật hóa cho được những quy định mang tính bắt buộc của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến năm 2012, toàn ngành Tòa án đã xét xử 673.559 vụ/1.090.676 bị cáo.
Tổng số vụ điều tra, truy tố trên phạm vi toàn quốc tăng, giảm không đều qua các năm nhưng nhìn chung có xu hướng tăng (năm 2000 số vụ án điều tra là 57.872 vụ, số vụ án truy tố 41.481 vụ thì đến năm 2006, số vụ án điều tra là 79.186 vụ, số vụ án truy tố 56.553 vụ; năm 2012, số vụ án điều tra là 93.621 vụ, số vụ án truy tố 66.842 vụ.
Riêng khối các cơ quan thuộc lực lượng CAND từ năm 2008 đến năm 2012, đã khởi tố 340.130 vụ án hình sự với 532.548 bị can, chiếm gần 99% số lượng vụ án hình sự và trên 99% số bị can bị khởi tố trong toàn quốc..
|
Chinhphu