Mưa lũ tại miền Trung đã khiến ít nhất 34 người chết và mất tích, hơn chục người bị thương và làm ngập hàng trăm nghìn ngôi nhà...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 3 ngày từ 13-16/11, các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Lượng mưa phổ biến từ 300 - 500mm, cá biệt có nơi trên 700 mm như An Chỉ (Quảng Ngãi) 780mm; Minh Long (Quảng Ngãi) 912mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi) 870mm...
Dự báo trong ngày và đêm 17/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to.
Cầu Bình Định đoạn qua thị xã An Nhơ bị lũ cuốn gãy |
Trong khi đó lũ tại hạ lưu sông Ba đang tiếp tục lên do xả lũ hồ thủy điện. Sáng 17/11, tại Phú Lâm có khả năng lên mức BĐ2.
Lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Khánh Hòa đang xuống chậm và còn ở mức từ BĐ2 - BĐ3.
Lúc 4h sáng 17/11, mực nước sông Thu Bồn tại Câu Lâu là 3,92m, dưới BĐ3: 0,08m; tại Hội An: 2,2m, trên BĐ3: 0,2m. Mực nước sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 4,2m, dưới BĐ3: 0,3m; Sông Kôn tại Thạch Hòa: 6,76m, dưới BĐ3: 0,24m; Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 4,9m, dưới BĐ2: 0,1m...
Theo đánh giá, đây là trận lụt lịch sử. Đỉnh lũ sông Ba tại An Khê cao hơn trận lũ lịch sử năm 1981: 1,67m, đỉnh lũ sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1990 là 0,4m.
Hiện các hồ thủy điện đã giảm lượng xả, đến sáng 17/11, chỉ cỏ 13 hồ thủy điện xả tràn.
Các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đã phải sơ tán gần 20.000 hộ dân với trên 78.000 người từ các vùng ven biển, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp... đến nơi ở an toàn. Riêng Quảng Ngãi di dời hơn 16.000 hộ với gần 67.000 người.
Theo số liệu cập nhật chưa đầy đủ, mưa lũ đã khiến 24 người chết. Trong đó, Bình Định 12 người; 8 người ở Quảng Ngãi, 2 người ở Quảng Nam, 1 người ở Kon Tum và 1 người ở Gia Lai.
10 người khác hiện vẫn đang bị mất tích, trong đó Quảng Ngãi 4 người, 2 người ở Bình Định, Phú Yên 1 người, Khánh Hòa 1 người, Gia Lai 1 người và Quảng Nam 1 người.
Tại Bình Định: Đây là địa phương gánh chịu nặng nề nhất do mưa lũ. Toàn tỉnh có gần 100.000 nhà (trên 41 xã/10 huyện) bị ngập. Trong đó huyện Tuy Phước bị ngập 80% diện tích với 36.000 nhà/45.000 người.
Nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Toàn bộ hệ thống đê Đông hầu hết bị ngập (42/47km), độ sâu ngập trung bình là 0,5m, chỗ ngập sâu nhất lm.
Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu 1,2-1,4m, giao thông chia cắt, ách tắc cục bộ.
Lũ chảy xiết cũng đã khiến cầu Bình Định (thị xã An Nhơn) bị gãy khoảng 20m.
Tại Quảng Ngãi: Lũ đã vượt đỉnh năm 1999. 40 xã tại lưu vực các sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu, Trà Bồng trên địa bàn các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bình Sơn bị ngập sâu, chia cắt
Quảng Nam: Khoảng 34.000 hộ dân huyện Đại Lộc bị ngập sâu trong nước lũ. Trong đó khoảng 1.200 căn nhập từ 2m trở lên. Xã Đại Lãnh là địa phương ngập sâu nhất, có nơi ngập đến 3m.
Lũ lên nhanh khiến hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập |
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Nam Phước (Duyên Xuyên) bị ngập sâu hơn 0,6m. Các tuyến đường ĐT 616, tuyến Trà My - Trà Bồng bị sạt lở 400-500m3.
Ngoài ra, 3 cầu treo tại huyện Nam Giang cũng đã bị mưa lũ cuốn đứt.
Phú Yên: 3 huyện Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân bị ngập do mưa lũ. Nhiều cầu tràn tràn trên đường bê tông nối các thôn của các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) bị ngập sâu gần 1m. Cầu La Hai (cũ) ngập hơn 0,5 m, nước lũ chảy xiết nên giao thông ngừng trệ.
Đà Nẵng: 9/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập lụt. Trong đó các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến ngập nặng 2 - 3 m nước, mưa lớn cũng gây ngập 10 phường ở quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn.
Thừa Thiên-Huế: Lũ lên nhanh gây ngập trên 11.000 nhà dân, tập trung chủ yếu ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ và thành phố Huế.
Đến tối 16/11, nhiều tuyến đường từ Huế nối về các huyện trên vẫn bị chia cắt do ngập sâu.
Hơn 2.000m đê tại huyện Quảng Điền bị nước lũ uy hiếp.