Sẵn sàng cơ sở vật chất phục vụ việc điều trị |
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, ngày 23/4, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định hoàn toàn làm chủ được năng lực xét nghiệm, trang thiết bị, con người để phát hiện sớm những ca bệnh cúm A/H7N9.
Theo GS.TS. Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, vi rút cúm A/H7N9 có tính chất lây lan như vi rút cúm A/H5N1 nhưng độ gây bệnh và độc tính nhẹ hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vi rút này lại gây tử vong nhiều. Do đó, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống giám sát và hệ thống điều trị. Đặc biệt, những trường hợp nằm viện phải được phát hiện sớm.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, các bệnh viện tuyến cuối được phân công tiếp nhận, điều trị các ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9. Đồng thời, tổng hợp các ca bệnh, đánh giá lâm sàng, phổ biến kinh nghiệm tới các bệnh viện khác, trong trường hợp dịch lan rộng. Cục Quản lý khám chữa bệnh đã rà soát lại các trang thiết bị y tế, thuốc sẵn sàng ứng phó với dịch.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị toàn ngành Y tế phải tập trung giám sát bệnh nhân tại bệnh viện, đặc biệt bệnh nhân bị suy hô hấp, giám sát chủ động trên nội địa nước ta; giám sát tại cửa khẩu, kiểm dịch y tế quốc tế 24/24 giờ; phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT, giám sát chặt chẽ đàn gia cầm.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục triển khai công tác kiểm dịch y tế biên giới; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng; đồng thời, phối hợp liên ngành giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm A/H7N9; xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người.
Tính từ trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc ngày 28/3 đến nay, đã có 102 trường hợp nhiễm vi rút này, trong đó có 21 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm AH7N9 trên người cũng như trên gia cầm.
Chinhphu
.