"Dân vận khéo trong công tác tái hòa nhập cộng đồng" là tên một mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai rất thành công tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.
Đến nay, mô hình đã giúp gần 30 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền khoảng 2 tỷ đồng để làm lại cuộc đời, khởi nghiệp làm ăn, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tại địa phương. Đặc biệt, mô hình này đã được Bộ Công an thông báo nhân rộng trên toàn quốc từ tháng 6/2020...
Đồi hoa xuân nổi tiếng từ số vốn vay 50 triệu đồng
Theo chân Thượng tá Trần Ngọc Tuấn, Trưởng Công an thị xã Thái Hòa, tôi có dịp "mục sở thị" hai hoàn cảnh vượt khó vươn lên làm giàu nhờ mô hình này. Đến "Đồi hoa xuân Thái Hòa" ở xóm Đông Mỹ, xã Đông Hiếu của anh Đặng Đắc Hà, du khách thực sự sững sờ trước vẻ đẹp của những loài hoa khoe sắc như cánh bướm, thạch thảo, cúc bách nhật, cẩm tú cầu... và không thể cầm lòng, rút điện thoại chụp một vài kiểu ảnh kỷ niệm.
Thượng tá Trần Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo Công an thị xã Thái Hòa thăm hỏi, động viên anh Trần Quốc Tuấn (thứ hai từ trái sang). |
Từ một người lầm lỗi trở về địa phương, anh nuôi ý định làm vườn hoa trên quả đồi hơn 4ha cho người dân trong vùng và du khách đến tham quan, chụp ảnh. "Những ý tưởng ban đầu của tôi đã trở thành hiện thực khi Công an thị xã Thái Hòa hỗ trợ, giúp đỡ tôi vay 50 triệu đồng ở Ngân hàng Chính sách xã hội. Kết hợp với đồng vốn của gia đình, bạn bè, đồi hoa xuân đã mở ra, thu hút rất nhiều du khách như mong đợi của anh em, khách đến rất đông trong dịp hoa nở. Trừ chi phí, chúng tôi thu về 200-300 triệu đồng/vụ hoa", anh Hà chia sẻ.
Trên quả đồi ký hợp đồng thuê đất hàng năm, anh Hà dành ra 1ha làm bãi giữ xe, còn lại là mua giống về trồng hoa, mở dịch vụ ăn uống, cho thuê quần áo mặc chụp ảnh, đồng thời có dịch vụ chụp ảnh miễn phí bằng máy chuyên nghiệp, rửa ảnh gửi tặng cho du khách... nhờ vậy mà càng hấp dẫn du khách ghé thăm, đặc biệt vào những dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết...
Anh cũng thường xuyên đăng ảnh, tương tác trên các trang mạng xã hội có hàng chục nghìn người theo dõi, cũng là góp phần quảng bá về đồi hoa của mình. Phóng tầm mắt ra khoảng không gian rộng tít tắp, đồi hoa khoe sắc thắm của anh Hà cũng gửi gắm một niềm tin về một mùa xuân mới, mùa xuân của sự thay da đổi thịt, phát triển hơn trên quê hương Thái Hòa.
Cách TP Vinh 90km, thị xã Thái Hòa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc xứ Nghệ, là đầu mối kết nối giao thông các huyện vùng Tây Bắc với các huyện ven biển. Đây cũng là một trong những địa bàn trọng điểm về ANTT, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay Thái Hòa đã khởi tố, điều tra làm rõ khoảng 400 vụ phạm pháp hình sự với hơn 800 đối tượng; tệ nạn xã hội xảy ra gần 300 vụ với hơn 540 đối tượng (trong đó chủ yếu là đánh bạc, nghiện ma túy); có khoảng 270 người được đặc xá, tha tù trên cả nước trở về tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương...
Thượng tá Trần Ngọc Tuấn chủ trì họp giao ban tại Công an thị xã Thái Hòa. |
Do chịu tác động của tình hình suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công tác tư vấn, tạo việc làm, giúp đỡ cho những người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.
"Xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa trong Nghị định số 80, năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ nên chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn. Trong đó phân loại ra thành 4 nhóm đối tượng: nhóm đối tượng sau khi ra tù đã có việc làm, nơi ở ổn định; nhóm chưa có việc làm; nhóm ở trong môi trường dễ bị lôi kéo, tác động tái phạm tội và nhóm nguy cơ tái phạm cao", Thượng tá Trần Ngọc Tuấn cho hay.
Công an thị xã Thái Hòa tập trung vào hai nhóm đối tượng thứ hai và thứ ba. Sau khi các nhóm đối tượng này trở về địa phương, đơn vị phối hợp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham mưu cho UBND thị xã triển khai thực hiện, phân loại; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức cho họ tiếp cận các nguồn vốn, vay vốn và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để hướng dẫn họ phương pháp, biện pháp sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Nhiều trường hợp đã vươn lên từ làm ăn, từ nghèo đến khá giả, một số trở thành những người chủ doanh nghiệp. "Hiệu quả của mô hình này đến nay có thể nhận thấy rõ nét, đó là giúp những đối tượng trở hành người lương thiện, không có điều kiện để tiếp tục tái phạm; đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa để các đối tượng khác nhìn vào học tập, noi theo", Trưởng Công an thị xã Thái Hòa khẳng định.
Phạm pháp hình sự giảm hằng năm, tỷ lệ tái phạm giảm hơn 19%
Quan trọng hơn, nhờ mô hình đã góp phần thực hiện tốt chủ trương mà Bộ trưởng Bộ Công an đặt ra là giảm phạm pháp hình sự của địa phương. Thực tiễn thời gian vừa rồi phạm pháp hình sự tại địa bàn thị xã Thái Hòa giảm hẳn, năm 2019 giảm 6%, năm 2020 giảm 7%. Theo kết quả điều tra, trong giai đoạn 2008 - 2012 có tổng số 177 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, trong đó tỷ lệ tái phạm, vi phạm pháp luật chiếm 20,6%. Sau khi triển khai thực hiện các mô hình, nhờ làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng nên đến nay tỷ lệ tái phạm, vi phạm pháp luật đã giảm, chỉ chiếm tỷ lệ 1,5%.
Bên cạnh việc giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, Công an thị xã Thái Hòa cũng vận động họ tham gia tích cực vào công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đã có 26 người tái hoà nhập cộng đồng cung cấp 160 nguồn tin có giá trị, giúp chính quyền địa phương và lực lượng Công an các cấp điều tra làm rõ 35 vụ việc, 56 đối tượng vi phạm pháp luật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần đưa thị xã Thái Hòa trở thành địa phương đầu tiên về đích nông thôn mới trong toàn tỉnh Nghệ An, các phong trào thi đua xây dựng đời sống, văn hóa… ngày càng được đẩy mạnh.
Công an thị xã Thái Hòa thăm hỏi mô hình "Đồi hoa xuân Thái Hòa" của anh Đặng Đắc Hà. |
Đến khối Sơn Tiến, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa chứng kiến vườn cam rộng lớn, ít ai nghĩ rằng trước đó chủ vườn là anh Trần Quốc Tuấn từng nghiện ma túy và việc cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Từ quyết tâm của bản thân và gia đình, anh đã đổi đời bằng công việc lao động hằng ngày, thay thế vườn keo hiệu quả thấp bằng những cây cam, cây quýt cho năng suất cao.
"Trước đây, khi anh Tuấn mới về tình hình hết sức phức tạp, con nghiện tìm cách chèo kéo, đưa thuốc... Nhưng gia đình đã quyết liệt phối hợp lực lượng Công an giúp anh cách ly ma túy. Đồng chí Trưởng Công an thị xã và các cán bộ Công an thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên. Vừa rồi, Công an thị xã Thái Hòa còn trao đổi với ngân hàng, giúp gia đình vay thêm vốn để tái sản xuất...", ông Nguyễn Anh Hùng, Khối trưởng khối Sơn Tiến kể.
Đến nay, quả đồi trồng cây ăn quả của anh Tuấn cho thu nhập lãi ròng mỗi năm 50-60 triệu đồng. Khoản tiền đó chưa phải là lớn, nhưng quan trọng hơn là đã tạo ra một việc làm khép kín thời gian, lôi cuốn anh Tuấn không vào công việc. Cả ngày làm nương rẫy, chiều chiều anh phóng xe máy đi lấy nước rác chăm nuôi lợn gà, tối thì ngủ ở trang trại. Chuỗi công việc liên tục từ sáng đến tối luôn kéo anh quây quần bên gia đình, cha mẹ, vợ con, không còn thời gian giao du với bạn xấu.
Thông qua việc triển khai thực hiện mô hình hiệu quả như trên, với sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đã có nhiều cá nhân điển hình khác về tái hòa nhập cộng đồng ở Thái Hòa nêu gương cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú, như anh Trần Ngọc Anh ở phường Hòa Hiếu, hiện là Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Thái Hòa; anh Lê Ngọc Dũng ở phường Long Sơn là chủ xe tải tư nhân, tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân; anh Sầm Thanh Tùng ở xã Nghĩa Tiến hiện là Chi hội trưởng Hội nông dân xóm 4; anh Hà Văn Nam ở xã Tây Hiếu có xưởng mộc tại nhà.