Công tác XDLL
Phát huy thành tựu 50 năm phát triển công nghệ thông tin trong Công an nhân dân
1. Trước yêu cầu cấp bách của Cách mạng Việt Nam và thực tiễn phát triển của công nghệ điện toán, tin học; ngày 02/10/1972, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định thành lập “Ban Nghiên cứu và tổ chức sử dụng máy tính điện tử và công tác công an” (gọi tắt là Ban Máy tính); tiếp đó,ngày 05/3/1973 quyết định thành lập Cục Xử lý tin tức thuộc Bộ Nội vụ. Từ đó, ngày 05/3/1973 được xác định là ngày thành lập Cục Xử lý tin tức (nay là Cục Công nghệ thông tin).
Ngay từ khi thành lập, Cục Xử lý tin tức đã tích cực đào tạo, chuẩn bị lực lượng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Năm 1975, trong khí thế sục sôi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Cục đã cử một số cán bộ cốt cán tham gia chiến dịch cùng với các lực lượng khác. Qua đó, phát hiện, chiếm lĩnh, vận hành, khai thác dữ liệu của chế độ Sài Gòn cũ và toàn bộ hồ sơ, tài liệu, phương tiện máy móc; thu nhận nhiều tài liệu bí mật quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch, phục vụ đắc lực công tác đấu tranh với các thế lực thù địch thời kỳ hậu chiến, tạo môi trường ổn định trong giai đoạn đất nước thống nhất. Đồng thời, tiếp nhận và làm chủ Trung tâm máy tính điện tử đầu tiên của ngành Công an do Liên Xô viện trợ. Đây là những chiến công, thành tích đầu tiên của lực lượng Công nghệ thông tin còn non trẻ.
Xuất phát từ yêu cầu phát triển công tác xử lý thông tin điện tử của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 18/6/1981, Cục Xử lý tin tức được đổi tên thành Cục Xử lý thông tin điện tử; đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ tư liệu của quân đội Sài Gòn; nghiên cứu,làm chủ và xây dựng, triển khai các hệ thống xử lý thông tin lớn trên dàn máy điện tử IBM 360/40 thu được, như: hệ quản lý cán bộ toàn lực lượng, hệ quản lý phạm nhân, hệ quản lý phương tiện giao thông đường bộ, hệ quản lý vân tay... Thực hiện thành công nhiệm vụ “Mã thám một bức” làm tiền đề để giải mã hàng ngàn bức điện trong đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động lưu vong... phục vụ đắc lực, có hiệu quả cho hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CAND, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai công tác năm 2023 của Cục Công nghệ thông tin. |
Bước sang thời kỳ đổi mới, công tác ứng dụng, phát triển, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong CAND tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Cục Công nghệ thông tin ngày càng phát triển về mọi mặt, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạng máy tính, hệ thống phầm mềm, cơ sở dữ liệu chuyên dụng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tin học, phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, cải cách thủ tục hành chính trong CAND; trực tiếp tham gia khôi phục dữ liệu liên quan đến hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật trên máy tính góp phần điều tra, khám phá nhiều vụ án hình sự, kinh tế, ma túy lớn; phối hợp nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trước yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Cục Công nghệ thông tin được kiện toàn là đơn vị trực thuộc Bộ, có chức năng, nhiệm vụ tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác về công nghệ thông tin trong CAND. Cục Công nghệ thông tin đã chủ động tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an nhiều chủ trương, định hướng chiến lược về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác công an; giúp Bộ Công an thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin; chủ động đề xuất xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật số góp phần tích cực, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm an toàn, an ninh các hệ thống thông tin phục vụ hiệu quả hoạt động chỉ huy, điều hành của lãnh đạo Công an các cấp. Đặc biệt, đã phối hợp các đơn vị thực hiện tốt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sản xuất, cấp Căn cước công dân. Những kết quả, thành tích của Cục Công nghệ thông tin đã góp phần vào thành tích chung của lực lượng CAND trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; tạo nền tảng để triển khai dịch vụ công trực tuyến, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Trải qua 50 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Cục Công nghệ thông tin đã không ngừng lớn mạnh, lập nhiều thành tích, chiến công, góp phần vào thành tích chung của lực lượng CAND, xứng đáng với vai trò là đơn vị tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an thống nhất quản lý nhà nước về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin của lực lượng CAND. Ghi nhận những kết quả, thành tích của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác công nghệ thông tin trong lực lượng CAND đã đạt được trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, ngành Công an và các ban, bộ, ngành, địa phương đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều cán bộ Cục Công nghệ thông tin đã trưởng thành và được bố trí giữ cương vị lãnh đạo quan trọng trong và ngoài ngành Công an.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trao Bằng khen của Bộ Công an tặng 02 tập thể, 03 cá nhân thuộc Cục Công nghệ thông tin có thành tích xuất sắc. |
2. Có thể khẳng định, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công nghệ thông tin luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, luôn là lực lượng tiên phong đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và các mặt công tác công an, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND. Để phát huy truyền thống 50 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, tiếp tục góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là để thực hiện mục tiêu “Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tăng cường phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho lực lượng CAND”. Cán bộ, chiến sĩ Cục Công nghệ thông tin trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, nhận thức sâu sắc hơn về xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác công an, về xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ thông tin đối với mọi mặt cuộc sống xã hội. Từ đó, không ngừng đổi mới tư duy, đi tắt đón đầu; chủ động tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an hiện đại hóa hạ tầng thông tin ngành Công an, đưa ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số trở thành khâu đột phá chiến lược, giải quyết hiệu quả các yêu cầu nghiệp vụ, góp phần hiện đại hóa toàn lực lượng. Trong đó, cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA ngày 25/5/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04-CT/ĐUCA ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/ĐUCA ngày 13/4/2015 của Đảng ủy Công an Trung ương về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác công an trong tình hình mới và Đề án ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin ngành Công an đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 4879/QĐ-BCA ngày 30/6/2022 của Bộ Công an.
Hai là, thực hiện tốt vai trò của cơ quan tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin; chủ động tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ chiến lược phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của lực lượng CAND để bắt kịp tốc độ phát triển của thế giới và khu vực; hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong CAND; quản lý, sử dụng các nguồn lực của Bộ Công an dành cho phát triển công nghệ thông tin đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Ba là, chủ động tham mưu, đề xuất đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngành Công an bền vững, đồng bộ, thống nhất, hiện đại, đa dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, kết nối từ Bộ đến cơ sở. Xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tiến tới hình thành Dữ liệu lớn ngành Công an, đảm bảo nền tảng hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, phần mềm thống nhất, xuyên suốt trên phạm vi toàn ngành phục vụ dịch vụ hành chính công, phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong CAND. Tập trung phục vụ triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cùng các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai công tác năm 2023 của Cục Công nghệ thông tin. |
Bốn là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ an ninh thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước; tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn các hệ thống thông tin theo cấp độ; thực hiện giám sát tập trung và phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin ngành Công an; không để xảy ra lộ, lọt thông tin, bí mật Nhà nước trong toàn lực lượng. Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và làm chủ các sản phẩm phần cứng, phần mềm phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin với công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực kiểm soát an ninh phục vụ các sự kiện quan trọng của đất nước, các khu vực trọng yếu và hệ thống cơ sở giam giữ trên toàn quốc.
Năm là, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giữ vững đoàn kết nội bộ, chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, quy trình công tác, thực hiện tốt dân chủ, công khai, minh bạch trong đơn vị. Thường xuyên rà soát việc bố trí, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin hiện nay theo khung tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ ở bốn cấp Công an; đẩy mạnh, mở rộng quan hệ hợp tác, có chính sách, giải pháp phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị./.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an