THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ

'CẢNH SÁT VIỆT NAM MƯU TRÍ, DŨNG CẢM, VÌ NƯỚC VÌ DÂN, QUÊN THÂN PHỤC VỤ' - KỲ IV

10:58, 28/03/2022 (GMT+7)
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm của sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022), cũng là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành và những thành tích, chiến công, đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

    Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện nhằm đưa nước ta vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm phủ định sự lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ Nhà nước Việt Nam; triệt để lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, theo hướng tập trung thống nhất, chuyên sâu, tăng cường nghiệp vụ cơ bản; kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ theo chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ; đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy với công tác xây dựng Đảng, chấn chỉnh tác phong, phương pháp làm việc. Tập trung tấn công liên tục tội phạm hình sự, nhất là các loại đối tượng nguy hiểm, phấn đấu làm giảm trọng án, đấu tranh ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng, buôn lậu; củng cố, nâng cao chất lượng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra, công tác khoa học hình sự, hồ sơ nghiệp vụ và các biện pháp quản lý hành chính về trật tự xã hội; cùng các lực lượng khác trong ngành đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.

    Công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân thời kỳ này luôn được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển. Ngày 31/01/1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 11/NĐ-HĐBT quy định tổ chức, bộ máy Bộ Nội vụ, trong đó có Tổng cục Cảnh sát nhân dân; Quốc hội có Nghị quyết về an ninh, trật tự; Hội đồng Nhà nước có kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49/TVQH về tập trung cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội. Đặc biệt, tháng 5/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị 135 về tăng cường công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, đây là cơ sở pháp lý, chỗ dựa và là nội dung quan trọng để lực lượng Cảnh sát nhân dân tấn công tội phạm, phát động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự, qua đó tình hình tội phạm hình sự giảm, lập lại trật tự kỷ cương xã hội, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, sự tín nhiệm của Nhân dân đối với lực lượng Cảnh sát nhân dân được nâng lên.

    Đến năm 1992, lực lượng Cảnh sát nhân dân tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về củng cố an ninh - quốc phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thực hiện Chỉ thị 594 của Bộ về công tác tư tưởng. Đặc biệt, đã đề xuất Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị 233 về tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh ban hành Pháp lệnh Cảnh sát nhân dân và tổ chức Lễ kỷ niệm, các hoạt động theo Chỉ thị 12 của Bộ trưởng; tham mưu Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 30/11/1996 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; ngày 31/7/1998, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình hành động phòng, chống ma túy 1998 - 2000 và tham mưu triển khai thực hiện. Đồng thời, năm 1998 - 1999, lực lượng Cảnh sát nhân dân tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng; triển khai 3 Chỉ thị của Bộ trưởng về đấu tranh chống tội phạm hình sự gây án nghiêm trọng; phòng, chống bắt oan sai, bức cung, nhục hình; tăng cường ngăn chặn đua xe trái phép, hạn chế tai nạn giao thông. Năm 2004, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

    Ngày 26/3/2008, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Trên cơ sở Chỉ thị và căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03/6/2008, lực lượng Cảnh sát nhân dân tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1203/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015.

    Về tổ chức, bộ máy, ngày 15/9/2009, Chính phủ có Nghị định số 77/2009/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; theo đó, hệ thống tổ chức, bộ máy của lực lượng Cảnh sát nhân dân với 03 Tổng cục (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Ngày 17/11/2014, Chính phủ có Nghị định số 106/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; theo đó, hệ thống tổ chức, bộ máy của lực lượng Cảnh sát nhân dân với 02 Tổng cục (Tổng cục Cảnh sát; Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và 02 Cục thuộc Bộ (Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông).

    Năm 2018, kế thừa có chọn lọc ưu điểm của tổ chức bộ máy Bộ Công an, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động nghiên cứu xây dựng Đề án 106 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bộ Công an tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công an. Theo đó không tổ chức cấp Tổng cục, sắp xếp tinh gọn cơ quan Bộ thành các đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ, hệ thống tổ chức, bộ máy lực lượng Cảnh sát được bố trí theo hướng tập trung, chuyên sâu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội với 12 Cục nghiệp vụ gồm: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cục Cảnh sát hình sự); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Cục Cảnh sát môi trường); Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Viện Khoa học hình sự; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; sáp nhập 20 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường gần 05 vạn cán bộ, chiến sỹ xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” (trong đó, đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy).

    Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị: Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (thay thế Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008); Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông... Đây là những văn bản quan trọng của Đảng, tạo cơ sở chính trị để lực lượng Cảnh sát nhân dân làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

    Công an tỉnh Nghệ An triệt phá đường dây cho vay nặng lãi hơn 1.000 tỷ đồng.
    Công an tỉnh Nghệ An triệt phá đường dây cho vay nặng lãi hơn 1.000 tỷ đồng

    Cùng với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tích cực tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, trong đó đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng đề xuất Quốc hội ban hành: Bộ Luật hình sự (2009); Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2021; Luật Tổ chức cơ quan điều tra (năm 2015); Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Luật Thi hành án hình sự 2019; Luật Phòng, chống ma túy (2000, 2008, 2021); Luật Phòng, chống mua bán người (2011); Luật Cư trú (2006, 2020); Luật Căn cước công dân (2014); Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (2017, 2019); Luật Phòng cháy, chữa cháy (2001); Luật Giao thông đường bộ (2008); Pháp lệnh về Cảnh sát môi trường (2014); Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (2013), hiện nay đang xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động (dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV)... Bên cạnh các dự án Luật, lực lượng Cảnh sát cũng tham mưu với Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Bộ Công an ban hành nhiều Thông tư để hướng dẫn thực hiện. Qua đó, hành lang pháp lý cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ngày càng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội trong tình hình mới.

    Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu với Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát túy; các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người theo từng giai đoạn, các Chỉ thị, Nghị quyết về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự xã hội... qua đó đã cụ thể hóa trách nhiệm và phát huy được vai trò của các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân và huy động được nhiều nguồn lực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lồng ghép công tác này với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

    Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, các cơ chế, chính sách để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, các phương châm, biện pháp công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân không ngừng được bổ sung và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu, đỏi hỏi của tình hình thực tiễn. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 151/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2018 ban hành Quy chế áp dụng các biện pháp công tác nghiệp vụ trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát nhân dân; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 02/CT về nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân và các Thông tư quy định cụ thể từng mặt công tác; các quy định này đã được bổ sung, sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở, nhất là cấp xã, phát huy vài trò “tư lệnh” của các Cục nghiệp vụ trong chỉ đạo xuyên suốt theo hệ lực lượng... qua đó, đã góp phần tích cực chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, giữ vững thế chủ động trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

    Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn để triển khai các quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trung bình những năm gần đây (giai đoạn 2010-2021), mỗi năm điều tra khám phá 51.500 vụ phạm tội về trật tự xã hội; 20.300 vụ phạm tội về ma túy; 16.200 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; 18.300 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường; thụ lý điều tra 100.000 vụ án các loại. Trong đó, tỷ lệ điều tra khám phá các loại án hình sự đạt trên 75%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%, hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hình sự như: băng nhóm Khánh “trắng”, Phúc “bồ” ở Hà Nội; vụ Cu Nên ở Hải Phòng; vụ Minh “samasa” ở Bà Rịa - Vũng Tàu; băng nhóm Năm Cam ở TP. Hồ Chí Minh; vụ Hoàng “lựu đạn” ở Đồng Nai; vụ Phương Linh “hột”, Dũng “mặt sắt” ở Quảng Ninh; vụ Tú “khỉ” ở Hưng Yên; băng nhóm Minh Sâm ở Bắc Ninh... Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” giai đoạn 2017-2020, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triển khai các biện pháp tấn công trấn áp quyết liệt, góp phần đẩy lùi tình trạng này. Qua 02 năm 2020-2021, đã phát hiện 2.199 vụ, 4.141 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó, khởi tố 1.156 vụ, 2.417 bị can; 644 vụ, 1.261 bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự). Điển hình: Năm 2018, Công an Thanh Hóa phá chuyên án tại 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính trên địa bàn tỉnh và nhiều cơ sở ở các tỉnh, thành phố, bắt 11 đối tượng, thu giữ 01 quả lựu đạn; 90 vỏ đạn súng quân dụng; 20 dao, lê, kiếm các loại và nhiều tài liệu liên quan; năm 2021 Công an Nghệ An phá chuyên án, bắt 82 đối tượng ở 28 tỉnh, thành phố cho hơn 10.000 bị hại vay lãi nặng hơn 1.000 tỷ đồng... Trong những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh thực hiện mục tiêu kéo giảm tội phạm (năm 2018, số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 0,61% so với năm 2017; năm 2019, giảm 7,39% so với năm 2018; năm 2020, giảm 5,43% so với năm 2019; năm 2021 giảm 11,33% so với năm 2020).

    Lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu thu được những kết quả rất quan trọng và có nhiều bước tiến mới. Năm 2011, trước những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, tiền tệ, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường lực lượng phát hiện xử lý một số vụ mua bán trái phép ngoại tệ lớn, phát hiện, điều tra xử lý nhiều vụ án lớn trong lĩnh vực Ngân hàng, nhiều tạo được dấu ấn rõ nét, góp phần thiết lập lại trật tự trên thị trường ngoại tệ. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) tạo được nhiều dấu ấn rõ nét, được đánh giá là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.  Việc khởi tố, điều tra các vụ “đại án” lớn đã được dư luận đồng tình ủng hộ, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác này (điển hình như các vụ án: vụ Phạm Công Danh, Ngân hàng Xây dựng; vụ Hà Văn Thắm, Ngân hàng Đại Dương; vụ Hứa Thị Phấn, Ngân hàng Đại Tín; vụ Trần Phương Bình, Ngân hàng Đông Á; vụ Trần Bắc Hà, BIDV; vụ Trầm Bê, Ngân hàng Phương Nam; vụ Vũ Quốc Hảo, Dương Thanh Cường, Ngân hàng Agribank; vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng; vụ AVG; các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ; các vụ án liên quan đến lãnh đạo Ủy ban nhân dân Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...). Qua công tác điều tra, xử lý các vụ án đã góp phần đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế “không thể đảo ngược” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá. Phát huy những kết quả đã đạt được, từ năm 2019 đến nay, công tác phát hiện, điều tra án kinh tế, tham nhũng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh cả ở cấp độ Trung ương và địa phương. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã chủ động nhận diện vi phạm trong các lĩnh vực, lựa chọn điểm đột phá để phát hiện, xử lý nhằm cảnh tỉnh răn đe phòng ngừa sai phạm, theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người. Điều này thể hiện tính nhân văn rất cao với mục tiêu là không phải xử lý nhiều cán bộ mà giúp cán bộ không vướng vào tham nhũng. Điển hình như việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực y tế (vụ vi phạm tại CDC Hà Nội, vụ tại Bệnh viện Bạch Mai, vụ Công ty Việt Á...); lĩnh vực giáo dục (vụ vi phạm về đấu thầu tại Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Điện Biên...); lĩnh vực đất đai (các vụ án tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Hà Nội...); lĩnh vực cổ phần hóa (vụ án tại Tổng Công ty XNK Bình Dương; Tổng Công ty Cienco1...); lĩnh vực khoáng sản (các vụ án khai thác khoáng sản trái phép tại Hải Dương, Quảng Ninh...); lĩnh vực xăng dầu (vụ án buôn lậu tại Đăk Nông, Đồng Nai...). Qua các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thu hồi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; kiến nghị các ngành khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Đồng thời, từ kết quả phát hiện, điều tra án tham nhũng đã cùng các ngành chỉ rõ nguyên nhân tham nhũng từ những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tham mưu với Bộ Chính trị mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo cả vấn để “tiêu cực” để giải quyết từ gốc tham nhũng.

    Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Lễ khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân.
    Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Lễ khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân

    Trong giai đoạn này, sự gia tăng của tội ma túy trên thế giới và khu vực đã tác động làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong nước diễn ra rất phức tạp. Lực lượng Cảnh sát đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ cùng các ngành tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ mục tiêu “chặn cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại” của ma túy. Trong đó, đã đấu tranh triệt phá hàng trăm đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia, góp phần ngăn chặn và hạn chế tình trạng ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba. Những chiến công tiêu biểu là: Chuyên án 006N của Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá 05 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với hơn 30.000 bánh heroin; Chuyên án 279-LL của Công an tỉnh Sơn La triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào trong nước qua khu vực biên giới; Chuyên án 113-T của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triệt phá đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép 2.181 bánh heroin do Tráng A Tàng cầm đầu... Phát hiện, triệt phá nhiều tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy trong nước, nhất là trong các nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke... góp phần hạn chế sự lây lan của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp trong thanh, thiếu niên; lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa người nghiện ma túy, đối tượng loạn thần do sử dụng ma túy (ngáo đá) gây ra các vụ án hình sự.

    Các mặt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ, quản lý, giáo dục, cải tạo can phạm nhân được tăng cường. Dấu ấn nổi bật là, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử, hoàn thành xuất sắc việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân, tạo nền tảng để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 1/2021 đến 30/7/2021, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triển khai thực hiện thắng lợi chiến dịch thu nhận và cấp 50 triệu thẻ Căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân với nhiều dấu ấn nổi bật về tinh thần cống hiến, tận tụy phục vụ nhân dân. Ngay sau khi hoàn thành dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu với Chính phủ có Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng của quá trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như góp phần đổi mới các mặt công tác của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới.

    Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội ngày đêm thực hiện công tác tổ chức cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử tại các điểm cấp Căn cước công dân lưu động và cố định của Công an các địa phương.
    Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội ngày đêm thực hiện công tác tổ chức cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử tại các điểm cấp Căn cước công dân lưu động và cố định của Công an các địa phương

    Năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới và trong nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã có nhiều đóng góp quan trọng với vai trò là một trong những lực lượng trên tuyến đầu cùng cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân ở cơ sở đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tham gia các chốt kiểm dịch, phối hợp thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy vết, khoanh vùng, dập dịch; tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội để cùng cả nước từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Qua đó, càng tô thắm thêm bản chất tốt đẹp, cao quý của người chiến sỹ Cảnh sát nhân dân “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình” như lời căn dặn của cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn.

    Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) năm 1991; gia nhập Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (Aseanapol) năm 1995 và mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan Cảnh sát các nước láng giềng, đối tác lớn trên thế giới. Những năm qua, lực lượng Cảnh sát nhân dân tích cực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, giải quyết những vấn đề phi truyền thống các quốc gia cùng quan tâm, góp phần tạo môi trường ổn định cho thế giới, khu vực và trong nước.

    Lực lượng Cảnh sát nhân dân tăng cường hỗ trợ các địa phương phía Nam phòng, chống dịch Covid-19
    Lực lượng Cảnh sát nhân dân tăng cường hỗ trợ các địa phương phía Nam phòng, chống dịch Covid-19

    Trước bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, hơn lúc nào hết, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên trì phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trong những năm qua đại bộ phận cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân, có kỷ luật chặt chẽ, không quản ngại hy sinh gian khổ, chiến đấu dũng cảm để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

     

    Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

    Các tin khác