Thứ Năm, 17/02/2022, 11:39 [GMT+7]

Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Cảnh sát cơ động, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua

(Congan.nghean.gov.vn)-Ngày 15/02/2022, thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Báo cáo tại Phiên họp, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật CSCĐ. Thực hiện sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực UBQPAN đã tổ chức khảo sát, chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Luật.

Về vị trí, chức năng của CSCĐ, nhiều ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “chuyên trách”; làm rõ hơn tính đặc thù của CSCĐ, bổ sung chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của CSCĐ cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho bỏ cụm từ “chuyên trách”. Đối với các ý kiến khác, qua nghiên cứu, Thường trực UBQPAN thấy rằng, Chính phủ trình dự án Luật có quy định khái quát về chức năng của CSCĐ không nhắc lại các nội dung đã có trong Luật Công an nhân dân là phù hợp. Do đó, đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên các nội dung này.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định CSCĐ là “lực lượng vũ trang nhân dân” và làm rõ hơn tính vũ trang của lực lượng CSCĐ. Về nội dung này, Thường trực UBQPAN cho rằng, lực lượng CSCĐ thuộc Công an nhân dân; dự thảo Luật Chính phủ trình quy định CSCĐ là “lực lượng vũ trang nhân dân” cũng thống nhất với khoản 1 Điều 3 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, khoản 1 Điều 13 của Luật Biên phòng Việt Nam; đồng thời là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên nội dung này.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.


Về nhiệm vụ của CSCĐ, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điểm đ khoản 2 Điều 9 dự thảo luật Chính phủ trình về nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, vì đây không phải là nhiệm vụ thường xuyên, không mang tính đặc thù của CSCĐ. Thời gian qua, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSCĐ đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước; trên cơ sở các ý kiến, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ lại nhiệm vụ này và chỉnh lý như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cho bổ sung Điều 12 về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ trên cơ sở luật hóa một số quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BCA ngày 3/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ.

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới của Quốc hội cũng cho biết, ngoài các nội dung cơ bản, trên cơ sở ý kiến ĐBQH và qua nghiên cứu, rà soát, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan liên quan thống nhất đề nghị UBTVQH cho bổ sung 03 điều (Điều 11, Điều 12 và Điều 13), bỏ Điều 2 về giải thích từ ngữ và chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp 21 điều như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương” tại khoản 3 Điều 9, vì không phải là nhiệm vụ chính của CSCĐ, không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.

Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Phòng, chống khủng bố giao Bộ Công an chủ trì "tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố". Bộ trưởng Bộ Công an đã giao CSCĐ trực tiếp tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chống khủng bố cho các cơ quan, đơn vị ngoài ngành Công an tham gia phòng, chống khủng bố và nhiệm vụ này đã thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để chặt chẽ, rõ ràng hơn, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý khoản 3 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng CSCĐ chỉ tham gia huấn luyện các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc khoản 3, Điều 10 dự thảo luật Chính phủ trình về quyền hạn của CSCĐ vì chưa phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định số 36 ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời chồng lấn với nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Thường trực UBQPAN báo cáo như sau: Theo pháp luật hiện hành, Bộ Quốc phòng được giao thống nhất quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, chưa có quy định về các hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý đối với loại phương tiện này nếu xâm phạm các vùng cấm bay, vùng hạn chế bay. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng không quy định về việc nổ súng vào loại phương tiện này. Trong khi đó, CSCĐ được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng theo quy định của Chính phủ. Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho CSCĐ chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công xâm phạm các mục tiêu do CSCĐ được giao bảo vệ, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa loại phương tiện bay này là phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an và các Cơ quan soạn thảo của Chính phủ đã phối hợp UBQPAN và các cơ quan có liên quan tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH. Đồng thời phối hợp tổ chức nhiều buổi hội thảo khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, phục vụ cho việc tiếp thu, giải trình đạt kết quả cao nhất.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Trên cơ sở đó, Bộ Công an và UBQPAN đã thống nhất các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo xin ý kiến của UBTVQH tại phiên họp. Trong đó, dự thảo luật đã chỉnh lý các nội dung về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, một số quy định về tổ chức hoạt động của CSCĐ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quy định của Hiến pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH. Các nội dung chỉnh lý, bổ sung không làm thay đổi các chính sách lớn trong dự thảo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, sau Phiên họp hôm nay, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBQPAN, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và các vị đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình giải trình, tiếp thu của UBQPAN phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan; các ý kiến góp ý sâu sắc của UBTVQH tại Phiên họp, đồng thời đề nghị UBQPAN của Quốc hội và Bộ Công an tiếp tục giúp Chính phủ, UBTVQH nghiên cứu, tiếp thu tối đa các nội dung Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp.

Về phương án hoàn thiện dự án Luật, cơ bản hiện nay không có vấn đề lớn, khác nhau nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tinh thần chung dự thảo luật cần bám sát Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác công an trong tình hình mới. Theo đó, cần nhấn mạnh vai trò của lực lượng CSCĐ đặc biệt hơn so với các lực lượng khác, trong phòng chống bạo loạn, khủng bố, bố trí trang bị phù hợp, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất, tính cơ động cao, tinh nhuệ, ứng phó tại các "điểm nóng", địa bàn trọng điểm... 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ CSCĐ. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu có điều khoản quy định về giải thích từ ngữ. Quy định này cần cụ thể, rõ ràng, đảm bảo Luật CSCĐ sau khi ban hành có tính khả thi cao, phát huy hiệu quả trên thực tế.

.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

.