THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ
Vì sao Bộ Công an quyết tâm bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1/7/2021?
“Bỏ sổ hộ khẩu là điều mong ước của người dân. Khi bỏ sổ, thay đổi bằng những phương thức quản lý mang lại sự phấn khởi cho người dân”, đó là ý kiến của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, trong phiên thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) của phiên họp thứ X, kỳ họp khoá XIV ngày 21-10.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: “Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng nói đây là ước muốn của người dân. Điều đó chúng tôi cũng quán triệt rồi. Đúng là sổ hộ khẩu thì hiện nay có rất nhiều những điều khoản khác quy định mà người ta thường hay nói là ăn theo. Bây giờ phải thay đổi phương thức quản lý thì đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi, chứ không phải là chỉ có sổ hộ khẩu thay đổi được mà đủ. Đây là bước đầu tiên thay đổi. Bộ Công an cũng dự kiến trong Báo cáo đánh giá tác động cũng như là trong kế hoạch triển khai”.
Tạo điều kiện tối đa quyền tự do cư trú của công dân
Xây dựng Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an nỗ lực đạt được 3 mục tiêu cơ bản, đó là tạo điều kiện tối đa quyền tự do cư trú của công dân. “Đây là mục tiêu rất quan trọng. Chúng tôi cố gắng làm sao để không cản trở người dân về quyền tự do cư trú”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Mục tiêu thứ 2 là xác định được vị trí pháp lý của công dân, của người dân ở trên lãnh thổ của Việt Nam.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu trước Quốc hội. |
“Dù ở đâu, người ta phải có một vị trí pháp lý để giao dịch, để xác nhận, không phải như một đại biểu nào đó nói cư trú, thường trú, tạm trú này không có ý nghĩa gì. Đối với người dân, việc xác định vị trí pháp lý để trong giao dịch, trong cuộc sống của người ta rất quan trọng”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Mục tiêu thứ 3 đó là việc đăng ký nơi thường trú tạm trú là để các cơ quan nhà nước quản lý các hoạt động của công dân; làm giảm phiền hà, phức tạp cho nhân dân. “Cơ quan chức năng có quản lý nhưng không được nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân. Vấn đề này cả Ban soạn thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu thống nhất”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến đó là thời gian chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Điều khoản thi hành (Điều 38) cũng đang có 2 loại ý kiến khác nhau.
Cán bộ Công an làm căn cước cho người dân. |
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ, song nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Cụ thể là sẽ giữ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết 31-12-2022 để người dân, các cơ quan, bộ, ngành có thời gian để thực hiện việc chuyển tiếp.
Về vấn đề này, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đồng tình dự thảo luật quy định tại khoản 4 Điều 38 về việc yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục giao dịch và hạn chế việc sử dụng thông tin nơi cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính.
"Cuộc cách mạng trong quản lý nhà nước về cư trú"
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích các điều kiện sau khi Luật có hiệu lực và cho rằng, việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành được xem là “một cuộc cách mạng trong quản lý nhà nước về cư trú”.
“Việc đơn giản hóa hơn nữa về hồ sơ, thủ tục đăng ký cư trú trong dự luật lần này cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ và liên thông dữ liệu với các ngành, nhằm chứng minh cho việc thực hiện những cam kết về Chính phủ số, mà trong đó “hồn cốt” của việc chuyển đổi số là phải đưa công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống, trong đó phải lấy người dân làm trung tâm. Có như vậy mới thực hiện đúng cam kết không bỏ lỡ “chuyến tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4” mà Đảng và Nhà nước đã quyết liệt trong thời gian qua”, ông Nhân nhấn mạnh.
Cán bộ Công an làm căn cước cho người dân. |
Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), người rất trăn trở với việc đăng ký thường trú ở Thủ đô thì cho biết, bà tán thành với phương án Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và kết nối liên thông. Chính phủ tin tưởng đến ngày 1-7-2021 là chúng ta bỏ hộ khẩu giấy. “Tôi thấy điều đó là phải ủng hộ Chính phủ để Chính phủ thực hiện bằng được cải cách thủ tục hành chính về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin; phải đẩy nhanh tốc độ lên, chứ không phải đến năm 2022”, bà Khánh nói.
Cũng là đại biểu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng phương án đến tận ngày 31-12-2022 mới áp dụng đổi mới toàn bộ phương thức quản lý mới, thì quá muộn, sẽ không theo kịp được sự hội nhập quốc tế, sự chuyển đổi số, sự nhập cuộc với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng không theo kịp được sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các chủ trương, nghị quyết, chiến lược phát triển của của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội.
“Nếu theo phương án 2 (tức bỏ sổ hộ khẩu sổ tạm trú từ 1-7-2021), chúng tôi cũng đánh giá rất cao sự quyết tâm của Bộ Công an, của Chính phủ về đổi mới trong phương thức quản lý cư trú. Nếu chúng ta làm được điều này theo thời điểm như thế này thì rất tốt và coi đây là một sự đột phá, là một bước tiến mới trong quản lý cư trú và cũng phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thách thức đặt ra thì rất lớn”, bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công an rà soát lại về nguồn nhân lực, vật lực của quốc gia để chúng ta xác định thời điểm áp dụng cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi cao nhất của luật; cần nỗ lực và quyết tâm cao để có thể đổi mới, tạo đột phá và sớm áp dụng phương thức quản lý cư trú mới để theo kịp được sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển của công nghệ, sự hội nhập quốc tế và để đáp ứng bối cảnh mới, thách thức mới, đòi hỏi mới của thực tiễn trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự, đảm bảo các quyền của con người, quyền của công dân và cũng là để đơn giản các thủ tục hành chính.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay để thực hiện việc quản lý cư trú bằng mã số định danh cá nhân, Bộ Công an đang triển khai đồng thời 2 dự án là: Dự án dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án dữ liệu quốc gia về cư trú, tích hợp các dữ liệu của công dân theo Luật Cư trú. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã thu thập được 90% dữ liệu về công dân, cư trú, hiện chủ yếu còn khâu thẩm định, phúc tra lại và đưa vào trong hệ thống máy, còn 10% nữa thì sẽ cố gắng, có thể trong năm 2020 này hoàn thành được tốc độ này.
“Chúng tôi đã có lộ trình thực hiện. Đề nghị Quốc hội giới hạn thời gian để các cơ quan phải có lộ trình thực hiện, tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử; đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt, thống nhất ngay từ ngày 1-7-2021” – Bộ trưởng Tô Lâm nêu quan điểm.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị từ nay cho đến ngày 1-7-2021, người dân cũng nên thay đổi các giao dịch như: gửi tiết kiệm, đăng ký nhà ở, đăng ký về những gì theo những giấy tờ pháp lý như Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu giấy thì chuyển đổi sang Căn cước công dân.
Nguồn: CSTC/Báo CAND