Sông Lam Nghệ An
Thể thao Nghệ An: Nơi không chỉ có bóng đá
(Congannghean.vn)-Có một thực tế, khi nhắc đến thể thao Nghệ An thì mọi người đều nghĩ đến đội bóng Sông Lam Nghệ An (SLNA) mà quên rằng, những môn thể thao thành tích cao mới mang lại nhiều thành tích cho Nghệ An trong các kỳ đại hội trong nước, khu vực và thế giới. Trong khi nguồn kinh phí chi cho hoạt động trong năm giữa bóng đá và các môn thể thao còn lại có nhiều bất cập.
Bội thu Huy chương thể thao thành tích cao
Năm 2017, các vận động viên (VĐV) thể thao Nghệ An đã tham dự khoảng 63 giải thi đấu do Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), các Liên đoàn thể thao Việt Nam và Châu Á, Quốc tế tổ chức ở tất cả các môn. Tất nhiên, thành tích đạt được cũng là những con số biết nói, khi tính đến ngày 15/12/2017, thể thao Nghệ An giành được 303 Huy chương các loại: 59 HCV, 78 HCB, 166 HCĐ. Trong đó, giải vô địch Châu Á: 1 HCB; giải vô địch Đông Nam Á: 3 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ (1 HCB, 1 HCĐ Sea Games của môn cầu mây); các giải vô địch quốc gia: 17 HCV, 12 HCB, 35 HCĐ; các giải vô địch trẻ: 11 HCV, 17 HCB, 37 HCĐ; các giải khác: 28 HCV, 47 HCB, 86 HCĐ. Rất nhiều tên tuổi VĐV đã được người hâm mộ cả nước biết đến như Lê Thị Thắm (cử tạ); Nguyễn Thị Quyên, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Mơ (cầu mây)…
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã có 11 VĐV và 1 huấn luyện viên (HLV) được tập trung vào các đội tuyển quốc gia. So với thành tích năm 2016 thì thành tích của thể thao thành tích cao Nghệ An năm 2017 được khẳng định hơn, khi có 33 VĐV đẳng cấp Kiện tướng; Dự bị kiện tướng 2 VĐV; VĐV cấp 1 có 63 VĐV.
Từ bảng vàng thành tích trên cho thấy, năm 2017 là năm bản lề quan trọng trong việc hướng tới thành tích cao hơn, xa hơn trong chiến lược thể thao Nghệ An từ nay đến năm 2020, mà trước mắt là hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018.
Nhìn lại năm 2017, thể thao Nghệ An đã có những bước phát triển nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Minh chứng rõ nhất là tại kỳ Sea Games 29 tại Malaysia, ngoài bóng đá thì chỉ có thêm 2 VĐV lọt vào danh sách thành viên của đoàn thể thao Việt Nam tranh tài. Vì thế, mục tiêu xây dựng Nghệ An thành 1 trong 9 trung tâm TDTT mạnh của cả nước vẫn còn nhiều khoảng cách. Khoảng cách ấy thể hiện nổi bật là vấn đề về kinh phí luôn eo hẹp, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn chưa đồng đều về số lượng và chất lượng.
Ngoài ra, để vươn tầm là một trong những trung tâm thể thao mạnh toàn quốc, chúng ta cần biết phát triển các bộ môn thế mạnh, theo phương châm đi tắt đón đầu. Đó là sẽ không đầu tư tràn lan mà tập trung cho các môn thể thao thành tích cao có trọng điểm như: Võ cổ truyền, boxing, pencak silat, wushu, taekwondo và một số môn có triển vọng như cử tạ, điền kinh...
Chiếc cúp thứ 38 và sự trở lại đấu trường AFC cup 2018
Thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng giành chức vô địch Cup Quốc gia 2017 |
Năm 2016, niềm tin của những người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà đã tụt xuống cung bậc thấp nhất vì sự thất bại toàn diện của đội 1 SLNA ở V-League cho tới các giải trẻ lứa tuổi U. Hệ lụy là khán giả quay lưng lại với đội bóng khiến khán đài sân Vinh trống vắng một cách lạ thường. Các tuyển trẻ phai nhạt dần niềm kiêu hãnh “lò đào tạo bóng đá trẻ tốt nhất nhì Việt Nam”.
Chính vì thế, bước vào mùa bóng năm 2017, SLNA buộc phải làm cuộc “cách mạng thượng tầng” khi thay thế HLV Ngô Quang Trường bằng HLV Nguyễn Đức Thắng. Nhờ đó, SLNA cũng đổi thay theo hướng tích cực. Từ những trận đấu chệch choạc ở lượt đi khiến cho SLNA xếp áp chót bảng tổng sắp, HLV Nguyễn Đức Thắng đã làm được điều mà các CĐV mong muốn, đó là truyền lửa vào cầu thủ một lối chơi lăn xả, thi đấu cống hiến và luôn xem trận đấu nào cũng là trận chung kết. Kết quả, SLNA đã vươn lên xếp thứ 8 ở V-League 2017.
Còn trên đấu trường Cup Quốc gia, SLNA còn làm tốt hơn khi giành chiến thắng 7-2 trước B. Bình Dương để đoạt cúp Vô địch. Đây chính là chiếc Cup thứ 38 các cầu thủ SLNA đưa về phòng truyền thống CLB, đồng thời chấm dứt 6 năm trắng danh hiệu.
Cũng trong năm 2017, các đội tuyển U SLNA đã đạt thành công vang dội ở các giải do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức. Đội U11 dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Như Thuật đã giành chức vô địch (đây là chức vô địch đầu tiên ở lứa tuổi U11 của SLNA), các đội tuyển U13, U15, U21 đạt Huy chương Đồng. Hiện có 8 VĐV đang tập trung đội tuyển quốc gia. Trong đó có 4 VĐV của U16, 2 VĐV của U18, 2 VĐV của U23.
Có một thực tế không thể phủ nhận, tình yêu bóng đá, tình yêu đối với đội bóng SLNA của người hâm mộ trên khắp cả nước được xem là điểm sáng của bóng đá Việt Nam. Cảnh tượng trên sân Vinh, trong trận chung kết Cup Quốc gia chiều 30/11/2017 đã nói lên tất cả. Theo thống kê của BTC, đã có hơn 3 vạn khán giả “nêm chặt” 4 khán đài sân Vinh - một điều tưởng như chỉ nằm trong tâm trí của một thời quá khứ “chảo lửa thành Vinh”.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP bóng đá SLNA khái quát về bóng đá SLNA trong năm 2017 như sau: “Chúng tôi đang được sở hữu một nguồn tài sản quý giá mà không phải đội bóng nào cũng có được, đó là khán giả luôn cháy hết mình trên các khán đài mỗi khi đội bóng thi đấu. Bóng đá vì nhân dân phục vụ thì sẽ được nhân dân yêu mến”.
Bên cạnh thành công đó thì SLNA không thể thoát ngay khỏi cảnh “ăn đong” khi luôn thiếu kinh phí để theo đuổi cuộc đua trong thế giới bóng đá kim tiền. Chính kinh phí eo hẹp mà SLNA luôn lâm vào cảnh nhìn các trụ cột dứt áo ra đi khi đang ở độ chín của sự nghiệp. Mùa bóng 2018 sẽ là năm bản lề cho đội bóng xứ Nghệ, khi họ đồng thời tham dự cả 3 đấu trường (V-League, Cup Quốc qia, AFC Cup 2018), trong bối cảnh gần 10 cầu thủ đã và đang gần hết hạn hợp đồng như Phi Sơn, Quế Ngọc Hải, Mạnh Hùng... Tuy nhiên, SLNA cũng đã quá quen với việc thiếu thốn đó nên sẽ không bị động, vì họ là đội bóng đang được thừa hưởng thành quả của quá trình đào tạo trẻ.
Sức mạnh SLNA hể hiện qua sự đánh giá của một lãnh đạo VFF trong buổi trao chiếc cup thứ 38 cho SLNA: “Động lực để cầu thủ chơi bóng là từ các khán đài chứ không phải là từ túi tiền của các ông bầu. Nếu các đội bóng đều thi đấu máu lửa vì người hâm mộ như SLNA thì bóng đá Việt Nam sẽ nhanh chóng phát triển mạnh”.
Đại Nghĩa