Haruki nói: “Thật ra, bóng đá Việt có tiềm năng giống hệt như đất nước của bạn vậy. HLV Miura chỉ là một chuyên gia và ông ta phần nào khai thác được chút ít tiềm năng đó”. Tôi bảo: “Làm gì cũng phải có tiền. Làm bóng đá càng phải có tiền”. Lúc ấy, người bạn Nhật mới thủng thẳng: “Tôi có dịp đi ngang qua Nghệ An, nhận ra trẻ con ở đó yêu bóng đá đến nhường nào. Đó chính là mỏ vàng ngay dưới chân các bạn. Hãy biết khai thác, bởi có những điều thuộc về bóng đá mà chính những người Nhật khi nhìn sang Việt Nam còn phải thèm thuồng”.

Từ màu vàng xứ Nghệ

Có một thời, cứ động đến tiền là các ông bầu làm bóng đá ở V.League cứ giãy như đỉa phải vôi. Ở Việt Nam thì làm gì có chuyện bóng đá sống được bằng tiền bán vé. Bóng đá chỉ là “cỗ máy tiêu tiền” chứ đừng nói chuyện “làm ra tiền”. Ấy thế mà năm 2014 vừa rồi có chuyện ngược lại. 

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh ông HLV trưởng tuyển U.19 Nhật Bản Masakazu “mắt tròn mắt dẹt” bởi quá ngạc nhiên vì không khí bóng đá ở sân Mỹ Đình trận chung kết U.19 Việt Nam- U.19 Nhật Bản tại giải U.19 ĐNA mở rộng. 5 vạn khán giả ngồi chen chúc ở sân Mỹ Đình vốn chỉ dành cho 4,3 vạn. 
 
Thế rồi sau giải, trong một lần gặp gỡ trước khi U.19 Nhật Bản về nước, ông Masakazu nói rằng: “Tôi nghe quan chức bóng đá Việt Nam hay nói khó kêu gọi các nguồn tiền cho bóng đá, nhưng nếu nhìn vào sự hâm mộ của người Việt, tôi không tin là có chuyện đó. Tôi đã nhìn thấy tiền, rất nhiều tiền trên khán đài. Ngay cả ở Nhật, những trận đấu của U.19 cũng không đến một nửa khán giả theo dõi. Chúc mừng các bạn”.

Tôi nghĩ rằng, cả anh bạn tôi Hakuri và HLV tuyển U.19 Nhật Bản Masakazu đều đã “nhìn thấu” vấn đề của bóng đá Việt Nam. Song câu hỏi là nếu như sự nhiệt tình, hâm mộ của khán giả chính là chiếc chìa khóa vàng để bóng đá kiếm tiền, đầu tư thì sao bóng đá Nghệ An cứ mãi thiếu thốn như thế, tới mức không giữ chân được những cầu thủ.

“Đặt câu hỏi này với Chủ tịch kiêm TGĐ CLB SLNA, ông Nguyễn Hồng Thanh”, ông cười: “Nhìn từ ngoài vào thì bóng đá Nghệ An có nhiều cái thuận. Thuận nhất là lực lượng cầu thủ dồi dào, thứ hai là lượng CĐV đông nhất nước. Nhưng bắt tay vào làm thì khó, cơ bản là Nghệ An còn nghèo, người Nghệ An còn nghèo nên thứ mà họ cho bóng đá nhiều nhất là cái tình chứ chưa phải là những con số lợi nhuận”.

Còn nhớ tầm 10 năm trước, tôi được ông Nguyễn Hồng Thanh- hồi đó còn là Trưởng đoàn bóng đá SLNA cho xem bản dự án khả thi của bóng đá SLNA. Đó là một dự án táo bạo tập trung vào mấy mảng: tách SLNA ra khỏi Sở TDTT để tự hoạch toán, đào tạo cầu thủ để tung ra thị trường chuyển nhượng, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất những sản phẩm gắn với thương hiệu SLNA như áo, mũ, khăn… 

Hồi đó, dự án này là bước đột phá nhưng không dễ gì được thông qua, bóng đá là khuôn mặt của cả thể thao Nghệ An giờ tách ra thì không được. Mâu thuẫn giữa những người đứng đầu khiến bộ ba “xe – pháo- mã” rất mạnh của bóng đá xứ Nghệ là Giám đốc Sở TDTT Nghệ An Nguyễn Hoàng Thụ- trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Thành Vinh tan rã. Ông Thụ ra Hà Nội nắm Tạp chí, ông Thanh cũng ra Hà Nội nhưng đầu quân cho bầu Kiên, ông Vinh vào Nam làm cho Ngân Hàng Đông Á, sau liên lụy tới lao lý. Vì thế, bóng đá xứ Nghệ như mỏ vàng, tưởng sờ sờ trước mắt mà không sao khai thác được.