Bóng đá ĐNÁ được ví là vùng trũng của bóng đá châu Á. Cũng vì điều này mà mỗi khi có một đội tuyển thành công ở sân chơi cấp châu lục thì đó không chỉ là niềm tự hào của một nền bóng đá mà còn mang đến cảm hứng cho cả khu vực.
ĐT Việt Nam & sứ mệnh vượt biển lớn |
Nhưng, nhận thức về bóng đá Thái Lan với tư cách một “ông kẹ” của bóng đá khu vực cho thấy một điều, ngay cả đội bóng hoàn hảo nhất của khu vực thì vẫn còn một khoảng cách khá xa với đấu trường lớn.
Người Thái Lan từng đặt ra mục tiêu phải có mặt ở World Cup. Họ không hề nói suông, hay vẽ những giấc mơ trên giấy mà có những hành động cụ thể và đầy tham vọng. Những mối liên kết cấp vĩ mô, những cầu thủ tốt nhất được gửi ra nước ngoài đào tạo và thi đấu; rồi, những ngân khoản rất lớn đã được chi cho bóng đá. Nhưng rút cuộc, bóng đá Thái Lan vẫn hụt hơi ở sân chơi lớn. Điều này phản ánh một thực tế, xóa nhòa ranh giới về đẳng cấp và thực hiện những sứ mệnh lịch sử cần có thời gian cùng nhiều yếu tố khác.
Sau cú ngã của ĐT Thái Lan, đến lượt ĐT Việt Nam xung trận. Không hề quá khi cho rằng, ĐT Việt Nam không chỉ chiến đấu cho mình mà còn mang theo sứ mệnh vươn tầm của cả nền bóng đá ĐNÁ. Đã đến lúc bóng đá khu vực cần có những cột mốc lịch sử để cất cánh. Đã đến lúc các đội tuyển của ĐNÁ phải có được cho mình thế đứng vững chắc thì mới mong có thể xoay chuyển đại cục.
Chúng ta có một sứ mệnh. Chúng ta có một giấc mơ. Và chúng ta có cả một chương trình hành động nhằm thực hiện những điều mà mình ấp ủ.
Nhưng, chúng ta cũng biết, Asian Cup rất khác VCK U23 châu Á, ASIAD và đặc biệt là AFF Suzuki Cup. Sân chơi lớn cần những trái tim quả cảm và bộ óc thông minh để kiếm tìm sự thay đổi.
.