Xét một cách tổng thể thì năm 2012, thể thao Việt Nam đón nhận nhiều thất bại và nuối tiếc hơn là chiến thắng và niềm vui. Nhưng ở góc độ địa phương thì xứ Nghệ lại ghi nhiều dấu ấn trên bản đồ thể thao toàn quốc; trong đó, có những sự trở lại ấn tượng và cả những bứt phá ngoạn mục.
1. Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 10/2012, tin vui bay về đất Nghệ từ xứ Chăm Ninh Thuận: U21 Sông Lam Nghệ An đã vượt qua đội chủ nhà Ninh Thuận với tỉ số 2-0 để đoạt chức vô địch U21 Quốc gia. Điều đáng nói là chức vô địch ở giải đấu này đã được người Nghệ chờ đợi suốt 10 năm trời. Sông Lam Nghệ An đã trở thành đội bóng xuất sắc nhất trong lịch sử của giải U21 Quốc gia với 4 lần vô địch (Thể Công và Đà Nẵng 3 lần vô địch). Đặc biệt, cầu thủ Quang Nam còn “ẵm” luôn 2 danh hiệu quan trọng: “Cầu thủ xuất sắc nhất” và “Vua phá lưới”.
Đáng mừng hơn, tuy còn rất trẻ nhưng các cầu thủ xứ Nghệ đã thể hiện bản lĩnh thi đấu rất “người lớn”. Những Quang Nam, Đình Bảo, Hoàng Thịnh, Phi Sơn… đã lớn dần qua từng trận đấu cùng với thái độ rất chuyên nghiệp. Xem họ thi đấu, không ai nghĩ đó là những chàng trai mới mười chín đôi mươi. Đây chính là nguồn cầu thủ kế cận xứng đáng cho đội 1 Sông Lam Nghệ An trong mùa giải mới.
U21 SLNA vô địch - Sự trở lại ấn tượng sau 10 năm vắng bóng - Ảnh Internet
Vì vậy, cũng dễ hiểu khi Sông Lam Nghệ An không giữ Trọng Hoàng hay Âu Văn Hoàn bằng mọi giá… Bên cạnh đó, HLV Đinh Văn Dũng cũng đã “liệu cơm gắp mắm” khi huấn luyện lứa cầu thủ chất lượng cao với chi phí thấp nhất. Sau nhiều năm vun trồng, quả ngọt đã được trình làng thuyết phục, khiến các trung tâm lắm tiền nhiều của như Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T, Viettel phải nghiêng mình nể phục.
Có thể nói, sự trở lại của U21 Sông Lam Nghệ An là ấn tượng đậm nét nhất của bóng đá xứ Nghệ trong năm 2012. Thậm chí, có người còn thốt lên: “Răng không đưa nguyên đội hình U21 SLNA mà đi đá AFF?!”.
Không kém đàn anh, U17 SLNA lại một lần nữa lên ngôi vô địch bằng chiến thắng khủng 7-2 trước ĐT. Long An. Lần thứ 7, xứ Nghệ lại không có đối thủ ở giải đấu của lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu” (giải U17 toàn quốc mới tổ chức 9 lần).
Cũng như U21, thầy trò Quang Trường đã trình diễn một lối đá cần mẫn, hiệu quả và rực lửa. Dàn cầu thủ này đã được Quang Trường “chăm bẵm” từ các giải đấu thấp hơn, thậm chí thất bại ở giải U15, nhưng kinh nghiệm và sự gắn kết lại tạo nên một chuỗi sức mạnh để khẳng định vị thế của bóng đá trẻ xứ Nghệ.
Sự thành công của U17 và U21 thể hiện sự đúng đắn của ngành thể dục thể thao Nghệ An trong việc lựa chọn, đào tạo đội ngũ kế cận nhằm phát triển bền vững và lâu dài. Dù còn hạn chế về cơ sở vật chất nhưng Sông Lam Nghệ An đã quy tụ được những người con tâm huyết vì đội bóng quê nhà. Hữu Thắng đang “hoành tráng” với T&T Hà Nội cũng sẵn sàng “gác kiếm” về “rèn đao” với SLNA; Quang Trường dù đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai nhưng vẫn cặm cụi học nghề HLV để về gắn bó với đội trẻ; hoặc như đầu tàu là ông Nguyễn Hồng Thanh, sau nhiều năm Bắc tiến rồi cũng quay về mang hết chất xám để “hiến kế” vực dậy SLNA… Người Nghệ là vậy, không đâu bằng đất quê mình, dù đôi lúc có nghiệt ngã, có va vấp, bon chen; dù có lặn lội, bôn ba khắp nơi rồi vẫn tìm về với “mô, tê, răng, rứa” và gió Lào bỏng rát…
Năm 2012, Nghệ An có bước bứt phá ngoạn mục khi xếp thứ 9/63 đoàn tham dự tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII. Đây là lần đầu tiên Nghệ An lọt vào top 10 tại HKPĐ với 22 Huy chương các loại, trong đó có 7 HCV, 7 HCB và 8 HCĐ. Các vận động viên tuổi học đường đã phải “tập ngày, cày đêm” để cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành mạnh trong cả nước. Đặc biệt, ở bộ môn bóng đá, Nghệ An xếp thứ nhất với HCV môn bóng đá Trung học phổ thông, HCV bóng đá Tiểu học và HCB môn bóng đá Trung học cơ sở. Môn taekwondo đoạt 2 HCV; cờ vua, điền kinh, vovinam mỗi môn đoạt 1 HCV… Có được thành tích đó chính là nhờ Nghệ An đã thực sự chủ động trong việc phát triển thể thao học đường, vừa rèn luyện sức khỏe vừa làm nền tảng cho thể thao thành tích cao. HKPĐ đã được tổ chức chu đáo từ cấp huyện với tinh thần thể thao cao thượng, trung thực. Đây chính là nền tảng quan trọng cho sự thành công ở HKPĐ toàn quốc và cũng là yếu tố quyết định Nghệ An được đăng cai HKPĐ toàn quốc lần thứ IX năm 2016.
2. 2012 là năm bết bát đối với thể thao Việt Nam ở các giải đấu lớn của thế giới và khu vực. Đầu tiên là đấu trường Olympic - nơi mà sau 8 lần góp mặt, Việt Nam mới chỉ đoạt được 2 tấm HCB (Trần Hiếu Ngân - taekwondo năm 2000 và Hoàng Anh Tuấn - cử tạ năm 2008). Lần này, đoàn thể thao Việt Nam sang London với lực lượng hùng hậu nhất từ trước - 18 VĐV của 11/13 môn. Thế nhưng, hi vọng thì nhiều, thành tích lại là con số 0 tròn trĩnh. Nguyên nhân thất bại thì có nhiều, nhưng theo ông Nguyễn Hồng Minh - người đã kinh qua rất nhiều vị trí quản lí của thể thao VN - thì “việc đánh giá lực lượng cũng như công tác dự báo chưa sát, chưa chủ động để thực hiện các biện pháp mạnh giúp VĐV giành mục tiêu huy chương”.
Sau Olympic, người hâm mộ thể thao nước nhà lại đón một cú sốc lớn khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thua tan tác tại “ao làng” AFF cup. Thầy trò ông Phan Thanh Hùng đã trình diễn một lối đá ảm đạm, rườm rà và kém hẳn các quốc gia trong khu vực. Ngay cả đội “dưới cơ” nhiều lần là Philippine cũng dễ dàng thắng ĐT Việt Nam. Đáng buồn hơn, các tài năng trẻ không được trọng dụng. Điển hình như Phi Sơn, Đình Bảo… thi đấu rất xuất sắc ở giải U21 lại không được gọi vào đội tuyển. Trong lúc đó, đội quân mà ông Hùng chọn lựa là lớp đã “chiều tà bóng xế” và các đội khác đã “thuộc bài”.
Thất bại ê chề của bóng đá Việt Nam tại đấu trường khu vực là kết quả của sự đổ vỡ cả hệ thống trước đó. Hết VFF rồi VPF đều tìm mọi cách để vực dậy giải đấu quốc nội V-League nhưng “lực bất tòng tâm”. Nhiều đội bóng lâm vào cảnh nợ nần, nhiều cầu thủ không biết đi đâu về đâu. Đến mức V-League 2013 chỉ có 12 CLB tham dự (giảm 2 đội) và giải hạng nhất cũng chỉ là 8 đội (giảm 6 đội). Bất khả dĩ, BTC mới phải lùi lịch khởi tranh đến ngày 2/3/2013 với lí do… “tránh Tết”. Thế mới thấy, bao năm qua, những người làm quản lí bóng đá nước nhà vẫn sống và tung hê nhau trong cái vòng tròn tự mình vẽ ra; chỉ khi nhìn ra khu vực và thế giới thì mới biết mình chậm chân quá, tầm mắt còn hạn hẹp quá…
3. Tất nhiên, không vì vậy mà thể thao Việt Nam năm qua thiếu đi những niềm vui. Lớn nhất là sự ra đời của "Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”. Nghị quyết chỉ ra những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển mạnh mẽ TTVN. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT và đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, quản lý Nhà nước về TDTT, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý điều hành các hoạt động TDTT…
Nguyễn Thị Ánh Viên - Hy vọng vàng của bơi lội Việt Nam |
Cùng với đó, những hi vọng mới của thể thao VN đã xuất hiện như Nguyễn Thị Ánh Viên, VĐV bơi 16 tuổi, vượt qua vòng loại để tham dự Olympic London, HCĐ (cự ly 400m hỗn hợp), HCB (cự ly 200m ngửa) tại giải vô địch Châu Á, 5 HCV tại giải vô địch Đông Nam Á; thần đồng cờ vua Anh Khôi - 8 tuổi VĐQG, 2 HCV Châu Á, 6 HCV Đông Nam Á, vô địch cờ vua thế giới U10 trước một vòng đấu. Hoặc như ngôi sao điền kinh Quách Thị Lan, 16 tuổi phá kỉ lục Quốc gia 400m đã tồn tại 10 năm nay với thành tích 57”36, vượt qua thành tích HCV SEA Games 2011 (57”41); VĐV Phan Thị Hà Thanh HCV thể dục dụng cụ Châu Á. Quần vợt Việt Nam cũng có hi vọng vàng với Lý Hoàng Nam, 15 tuổi đã giành danh hiệu Vô địch Quốc gia, lọt vào đội tuyển trẻ Châu Á…
Bình Minh
.