"Giám đốc" Wayne Rooney trốn thuế được cả triệu USD nhờ lập công ty ma |
Chiêu "chuyển giá trốn thuế" mà người ta đang nghi rằng Coca-Cola Việt Nam sử dụng có thể tóm tắt như sau: họ vay tiền và nhập nguyên liệu từ công ty mẹ, tập đoàn Coca-Cola. Doanh thu có được từ thị trường Việt Nam phải đem đi trả nợ, trả lãi suất và trả phí nguyên liệu cho công ty mẹ, nên… lỗ nặng. Và đã lỗ thì tất nhiên không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Một sự đánh tráo khái niệm. Coca-Cola Việt Nam lỗ trên danh nghĩa, nhưng Coca-Cola toàn cầu thì chắc chắn không. Vì tiền chảy cả về chỗ họ.
Cũng đến từ quê hương của tập đoàn Coca-Cola, những ông chủ Mỹ của Man United chơi một chiêu bài giống hệt. Năm 2003, tỷ phú Malcolm Glazer thành lập một công ty mang tên Red Football Ltd và bắt đầu mua dần cổ phiếu của M.U bằng… tiền đi vay. Kết quả là tới năm 2005, khi Red Football mua sạch cổ phiếu của M.U (với tổng trị giá 1,47 tỷ USD), công ty này nợ tới 800 triệu USD lãi cao. Sau khi mua xong, Manchester United được sát nhập vào Red Football, coi như là một. Nghĩa là về bản chất, M.U từ chỗ đang có tài chính lành mạnh bậc nhất thế giới, bỗng nhiên bị ông chủ đổ nợ 800 triệu USD. Và doanh thu của M.U suốt 6 năm qua liên tục phải đem đi trả nợ và trả lãi. Năm nào họ cũng lỗ nặng.
Trước đây, thời chưa phải gánh khoản nợ "từ trên trời rơi xuống", mỗi năm M.U nộp vào ngân sách hơn 10 triệu USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, một con số khổng lồ. Nhưng trong vòng 6 năm kể từ 2006 đến 2012, sau khi trở thành con nợ của người Mỹ, họ nộp tổng cộng 6 triệu bảng, nghĩa là giảm 1/10. Làm sao có khả năng nộp thuế nữa, khi trong 6 năm ấy, tính cả lãi và nợ gốc, họ phải trả cho "các chủ nợ bí mật" đến gần 800 triệu USD? Thuế vụ Anh bức xúc.
Các ông chủ Mỹ không tiết lộ rõ ràng các khoản vay của M.U là từ những định chế tài chính nào. Chỉ biết rằng tiền của M.U có bao nhiêu phải đổ cả về nước Mỹ. Còn người dân Anh, những người trực tiếp mang về phần lớn doanh thu cho M.U, thì chỉ thu về một khoản thuế "tượng trưng". Ở Mỹ, nhà Glazer có ăn chia với các chủ nợ hay không, hoặc chính họ là chủ nợ, và động tác bắt M.U phải nợ chỉ là để "ăn dày" toàn bộ doanh thu của đội bóng? Không ai tìm được bằng chứng.
...Nhưng quyết không buông
Tỷ phú Malcolm Glazer là "Vua trốn thuế" trong làng bóng đá thế giới? - Và Diego Maradona, 7 năm không nộp đồng thuế nào. |
Giữa năm nay, người ta đột ngột phát hiện ra rằng các ông chủ của M.U chi tiền cho… các chuyên gia tư vấn về thuế nhiều hơn cả nộp thuế. Trong 6 năm qua, họ trả cho hãng tài chính PriceWaterhouseCoopers tới 6 triệu USD để nhận những lời tư vấn hòng giảm nhẹ số thuế phải nộp. Trong khi đó, như đã nói, họ chỉ nộp có 5 triệu USD tiền thuế.
Các công tố viên Anh đã gắng sức điều tra. Báo chí Anh cũng lên tiếng. Nhưng về luật, các ông chủ của M.U hoàn toàn đúng. Số tiền 6 triệu USD trả cho các nhà tư vấn rõ ràng là xứng đáng: cả trăm triệu USD tiền thuế của dân Anh đã vĩnh viễn đi qua bờ Đại Tây Dương, rơi vào túi các nhà tài phiệt Mỹ. Và câu chuyện sẽ còn dài, bởi trong những năm qua, M.U chỉ trả lãi là chính chứ chưa trả gốc được bao nhiêu. Đến bây giờ, họ vẫn đang nợ hơn 600 triệu USD nữa. Các ông chủ Mỹ đã bắn đi thông điệp rất rõ ràng: cứ từ từ mà trả.
CĐV thì giận đến run người khi nghe đến những con số hàng trăm triệu USD mỗi mùa mà CLB phải đem trả nợ, số tiền đáng ra có thể đem đầu tư vào đội hình (và trích ra nộp thuế nữa, tất nhiên). Nhưng nhà Glazer thì bình chân như vại. Đã có những tài phiệt từ Trung Đông đặt vấn đề mua lại đội bóng với giá lên đến 2 tỷ USD, nghĩa là lãi lớn so với giá mua lúc đầu. Nhưng tỷ phú Malcom Glazer nói thẳng: "Man United không phải là để bán".
Năm nào cũng lỗ mà tại sao ông lại tha thiết với M.U đến nhường ấy? Câu hỏi ấy cũng tương tự như câu hỏi: Tại sao 14 năm đều lỗ mà Coca-Cola vẫn bám chặt thị trường Việt Nam?
Muôn vàn thủ đoạn trốn thuế
Trong một ngành giải trí có doanh thu cao như bóng đá, việc trốn thuế là việc rất phổ biến. Các ông chủ tham gia cuộc chơi bóng đá thường xuyên có những thủ đoạn hợp pháp để giảm tối đa số thuế phải nộp, dù là với cá nhân cầu thủ hay CLB.
Theo luật, tối thiểu mỗi cầu thủ thi đấu tại Premier League sẽ bị đánh thuế 50% thu nhập. Nhưng một "chiêu" rất cao tay được vẽ ra như sau: cầu thủ sẽ tự thành lập một công ty quản lý hình ảnh cho mình, rồi đăng ký nó ở nước ngoài. Được CLB tiếp tay, thu nhập của họ sẽ được chia làm 2 phần. Một phần là lương, được trả trực tiếp vào tài khoản. Phần này sẽ bị đánh thuế theo đúng luật.
Một phần khác, được gọi là "bản quyền hình ảnh" sẽ được trả cho công ty của cầu thủ. Phần này bị đánh thuế rất thấp, bởi nó là thu nhập doanh nghiệp, có mức thuế khác so với thu nhập cá nhân. Thậm chí, nếu cầu thủ trắng trợn đăng ký kinh doanh cho công ty "ảo" của mình ở các thiên đường thuế như Đảo Virgin của Mỹ hay Quần đảo Cayman của Anh, thì thuế vụ Anh cũng đành… bó tay.
Michael Owen thì có công ty Owen Promotions, Steven Gerrard thì có Gerrard Promotions, các ngôi sao hàng đầu nước Anh đều có công ty riêng, bất chấp họ có kinh doanh gì ngoài chính hình ảnh của bản thân hay không. Đã có thống kê cho biết mỗi năm một siêu sao như Wayne Rooney "tiết kiệm" được khoảng 200.000 bảng nhờ việc làm giám đốc của một… công ty ma. Theo một điều tra gần đây của thuế vụ Anh, mỗi năm ngân sách thất thoát tới 100 triệu bảng Anh vì "chiêu" này. Hiện tại, giới chức nước này vẫn đang cố gắng bịt đi lỗ hổng, nhưng chưa tìm ra được giải pháp.
Nhưng đó còn là những thủ đoạn trốn thuế hợp pháp. Các ngôi sao thi đấu tại Tây Ban Nha còn trắng trợn hơn nhờ sự tiếp tay của những CLB chủ quản, cho dù thuế thu nhập của Tây Ban Nha đã thuộc hàng thấp nhất châu Âu, chính phủ lại ưu đãi lao động nước ngoài bằng việc chỉ đánh thuế 27%, bằng một nửa so với Anh và Đức. Real Madrid và Barcelona đã bí mật trả một phần lương cho Xabi Alonso và Javier Mascherano vào những tài khoản ở Đảo Madeira, Bồ Đào Nha. Hòn đảo này, vốn là một khu đặc quyền kinh tế, có chính sách ưu đãi về thuế đặc biệt.
Điều thú vị là mặc dù Alonso và Mascherano là đối thủ không đội trời chung trên sân cỏ, khi khoác áo 2 CLB có mối thâm thù lớn nhất lịch sử bóng đá thế giới, nhưng họ lại "đứng chung một chiến tuyến" khi phải… đối đầu với cơ quan thuế. Không giống như các ngôi sao ở Anh trực tiếp đứng tên "công ty ma", 2 tiền vệ phòng ngự này cùng thuê một nhân vật mang tên Ignasi Maestre thành lập một công ty để quản lý tài khoản bí mật của mình.
Samuel Eto'o, thời còn thi đấu cho Barcelona, lại đẩy sự gian lận thuế lên một tầm cao mới. Anh thành lập cả một công ty tại Tây Ban Nha để "buôn hóa đơn đỏ". Công ty này đứng tên mua sắm mọi tài sản của Eto'o trên đất Tây Ban Nha, từ đồ nội thất cho đến siêu xe. Bên cạnh đó, ngôi sao người Cameroon cũng thành lập một công ty ma tại Hungary, nơi có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất châu Âu (từ 10-19%), để nhận tiền từ các nhà tài trợ. Giữa năm nay, cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha đã chính thức đệ đơn lên tòa án cáo buộc huyền thoại bóng đá châu Phi trốn hơn 4 triệu USD tiền thuế. Nhưng lúc này, Eto'o đã chuyển sang Nga thi đấu. Và có lẽ thuế vụ Tây Ban Nha sẽ còn mất nhiều thời gian nữa để thu hồi số tiền này…
Huyền thoại trốn thuế Trốn thuế nổi tiếng nhất trong làng bóng đá thế giới, phải kể đến Diego Maradona. Trong suốt thời gian thi đấu tại Italia, từ năm 1984 đến 1991 dưới màu áo Napoli, ông này nợ tới 40 triệu euro tiền thuế (tính cả lãi cho đến nay). Năm 2006, ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Rome, ông bị 20 nhân viên thuế "bao vây" và siết nợ tài sản bằng cách tước đi 2 chiếc đồng hồ Rolex ông đang mang theo. Nộp thuế, nỗi ám ảnh của nhà Glazer? Nhà Glazer - ông chủ hiện tại của M.U rõ ràng là "không ưa" việc phải nộp thuế cho chính phủ Anh. Bởi giữa năm nay, họ thậm chí đã lên kế hoạch đưa "công ty" Man United sang đăng ký kinh doanh tại Quần đảo Cayman. Quần đảo này thuộc Vương quốc Anh, được coi là một Thiên đường về thuế của thế giới, với mức thuế thu nhập thấp kỷ lục. Để hiểu rõ hơn về "thiên đường" này chỉ cần biết rằng có tới 40 ngân hàng trong top 50 ngân hàng lớn nhất thế giới đăng ký kinh doanh ở đây. |