Thời đại bóng đá kim tiền thì việc “nuôi” được một đội bóng chuyên nghiệp chơi ở V-League tầm tầm bậc trung như SLNA cũng ngốn ngân sách khoảng 70 - 80 tỷ đồng mỗi mùa.
Theo nguồn tin của chúng tôi, từ khi SLNA hợp thức hóa thành Công ty cổ phần trở thành một thành viên công ty con của gia đình Bắc Á Bank cũng đã kịp tiêu đi khoảng 250 tỷ đồng (3 năm). Khoản tiền này so với các đội bóng đại gia của bóng đá Việt Nam chỉ là “muỗi” nhưng đó là sự nỗ lực cực lớn của một doanh nghiệp mà UBND tỉnh đã nhắm để “trao thân gửi phận” đứa con tinh thần của tỉnh nhà sau bao năm lao đao đầy biến cố.
Tất nhiên UBND tỉnh Nghệ An không để Bắc Á chịu thiệt trong thương vụ này khi đã tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp như việc cấp đất dự án ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (với quy hoạch tổ hợp kinh doanh lên đến 20ha) hay thông thoáng trong việc cấp phép đầu tư cho dự án bò sữa TH ở huyện Nghĩa Đàn… nhưng do nuôi quân trong điều kiện khủng hoảng kinh tế chung đã khiến cho doanh nghiệp cũng nao núng.
Được biết, theo thoả thuận ban đầu giữa UBND tỉnh Nghệ An và Ngân hàng Bắc Á thì kể từ khi chuyển đổi mô hình quản lý Nhà nước thành Công ty cổ phần bóng đá SLNA thì mỗi năm phía tỉnh Nghệ An vẫn trợ cấp cho Công ty cổ phần bóng đá SLNA 8 tỷ đồng, trong vòng 3 năm. Từ khi chuyển giao năm 2009 đến nay, việc hỗ trợ 24 tỷ đồng trên tổng chi 250 tỷ đồng cũng chỉ như muối bỏ bể.
Đội hình SLNA mùa giải mới có thể sẽ trắng ngoại binh
Nếu theo kế hoạch thì bắt đầu mùa giải 2013, UBND tỉnh sẽ không còn phải hỗ trợ nữa cộng thêm bối cảnh khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu, thì việc phải bỏ ra một số tiền lớn nhưng nguồn lợi không có cũng khiến cho lãnh đạo Bắc Á chùn bước. Đích thân Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á - Bà Thái Hương sẽ về Nghệ An để xin làm việc trực tiếp với Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tìm ra một tiếng nói chung cho tương lai của SLNA.
Kết quả của buổi làm việc này như thế nào còn dựa vào sự cầu thị từ cả 2 phía, song nếu như 2 bên không đạt được những thoả thuận chung thì xem ra tương lai của SLNA sẽ rất mịt mờ, nhất là trong bối cảnh họ đang cần rất nhiều tiền để giữ chân các trụ cột hết hợp đồng thay vì cứ ký nháy rồi để đó. Tất nhiên, sẽ không bao giờ có tình cảnh Bắc Á trả lại SLNA cho UBND tỉnh nhưng chắc chắn họ sẽ thắt chặt chi tiêu, chính điều này sẽ làm cho SLNA thêm một lần quay quắt vì tiền.
Theo kế hoạch SLNA sẽ tập trung trở lại vào ngày 25/9 tới nhưng kế hoạch cuối cùng đã bị hoãn vì một thực tế là SLNA đang chờ một cái kết có hậu cho đội bóng xứ Nghệ sẽ được quyết định tại buổi làm việc giữa Lãnh đạo Ngân hàng Bắc Á và tỉnh Nghệ An.
Trao đổi với người viết, HLV Nguyễn Hữu Thắng cho biết: “Không bao giờ có chuyện Ngân hàng Bắc Á từ bỏ SLNA vì hiện nay SLNA là công ty con của hệ thống Bắc Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay mọi dự định cho mùa giải mới phải điều chỉnh và xem xét lại”. Thực tế đúng như thế, SLNA đang án binh bất động trước thị trường chuyển nhượng mặc dù trên thực tế, họ đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lực lượng để tham gia mùa giải mới. Điều đó cho thấy sự lo lắng của HLV Nguyễn Hữu Thắng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Ngân hàng Bắc Á và SLNA vừa qua tại Hà Nội, một lần nữa quan điểm ưu tiên sử dụng nội binh dựa vào hệ thống đào tạo của SLNA tiếp tục được đơn vị này đưa ra, có vẻ như SLNA không còn sự lựa chọn nào khác ngay cả khi Bắc Á vẫn tiếp tục rót “bầu sữa” của mình để nuôi SLNA. Và như vậy thì việc phải chi hàng tỷ đồng cho việc tuyển chọn các ngoại binh chất lượng cho mùa giải mới là điều khó xảy ra, không những vậy, ngay cả 2 bản hợp đồng ký nháy với tiền vệ Hector và tiền đạo Dickson trước khi các cầu thủ này về nước sẽ trở thành vô giá trị.
Vì thế mà vừa rồi, ông Nguyễn Hồng Thanh đã để ngỏ khả năng SLNA sẽ thi đấu ở mùa giải mới với 100% là hàng nội. Không chỉ “làm cuộc cách mạng” về lực lượng tại CLB chủ quản mà nghe đâu vị “Khổng minh xứ Nghệ” cũng sẽ đề xuất lên VFF và VPF về việc ưu tiên sử dụng nội binh trong hệ thống Super League. Đây cũng là một cách để vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay.
Đại Nghĩa
.