Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “địch” tức là kẻ thù và tiêu chí để phân biệt “bạn – thù” là dựa trên lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân. Người nói: “Ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”(1). Đó là quan điểm biện chứng, lịch sử, cụ thể; vừa mang tính nguyên tắc, vừa mang tính nghệ thuật “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong đấu tranh; đồng thời truyền tải tư tưởng rất tiến bộ và nhân văn” “không có kẻ thù truyền kiếp”.
Theo Bác, những người yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đều là bạn của nhân dân Việt Nam. Khi tình hình thay đổi, lịch sử phát triển thì đối tượng đấu tranh, đối tượng phải cô lập hay đối tượng cần tranh thủ cũng thay đổi. Đối với kẻ thù, Người không chủ trương tiêu diệt, trừng trị mà tìm cách cảm hóa họ để họ cải tà quy chính. Ngay cả khi quân ta giành chiến thắng mà kẻ địch bị tiêu diệt nhiều, Người cũng thấy không vui.
Trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Người chủ trương giữ vững chính quyền cách mạng là một nguyên tắc bất di, bất dịch; còn giữ chính quyền như thế nào có rất nhiều cách, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể để ứng xử. Bác từng dạy: “Năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong hàng mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tinh thần ái quốc mà cảm hóa họ”(2). Với tinh thần đó, tùy từng giai đoạn cách mạng Đảng ta đã xác định phương châm chỉ đạo sát hợp trong đấu tranh với từng loại đối tượng: có đối tượng thì kiên quyết đấu tranh, trừng trị nghiêm minh; có đối tượng thì cô lập, cảm hóa, khoan dung, nhân đạo; có thế lực phải tạm thời nhân nhượng, kiềm chế không để chúng lợi dụng bành trướng….
Trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, trong hệ thống tư tưởng, quan điểm cùng hàng trăm lời huấn thị, động viên Người dành cho lực lượng Công an nhân dân (CAND), có lẽ bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu 12, ngày 11/3/1948 là di sản vô cùng đặc biệt. Bởi trong thư, Người nêu sáu nội dung về “Tư cách người Công an cách mệnh”:
Đây vừa là những chuẩn mực về đạo đức, phương châm hành động, thái độ ứng xử, vừa là những mối quan hệ căn cốt, quan trọng nhất của mỗi cán bộ Công an. Dù sắp xếp theo thứ tự, nhưng Bác không xem nhẹ mối quan hệ nào. Trong đó, mối quan hệ với kẻ địch là mối quan hệ đặc biệt, được đề cập giản dị như là thái độ, cách ứng xử; song càng nghiên cứu lại càng thấy rõ tư tưởng, quan điểm của Người về mối quan hệ “địch - ta”, về phẩm chất và nghệ thuật của người chiến sĩ Công an trong đấu tranh, cũng như trong xử lý mối quan hệ đặc biệt này.
Mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm là mặt trận không có trận tuyến rõ ràng; đối tượng đấu tranh khi ẩn mình, khi lộ diện; cuộc chiến đấu khi bí mật, khi công khai, trực diện. Nhận diện “kẻ địch” ở bên kia chiến tuyến đã khó. Nhận diện “kẻ địch” và đối tượng đấu tranh ở ngay trong quần chúng nhân dân, trong nội bộ, thậm chí trong chính các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp luật sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trên lằn ranh giữa “được” và “mất”, giữa “ sự sống” và “cái chết", việc giữ vững nguyên tắc, phân biệt “địch – ta”, “bạn – thù” là thử thách lớn, nhưng vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới “thành – bại” của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Mọi thời kỳ, lực lượng CAND luôn đặc biệt quan tâm xử lý hiệu quả mối quan hệ “địch – ta”; vừa đấu tranh cương quyết, không khoan nhượng với bất cứ kẻ địch nào, vừa bảo vệ tốt nhất lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân. Trong đấu tranh với kẻ địch, luôn đồng thời xử lý hài hòa tổng thể các mối quan hệ với Chính phủ (Đảng, Nhà nước, dân tộc), với nhân dân, với đồng sự, với tự mình. Và chính trong mối quan hệ với kẻ địch, luôn thể hiện rõ nhất bản chất, bản lĩnh, đạo đức, trình độ, năng lực của người chiến sĩ CAND.
|
Tình hình quốc tế và trong nước đang có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường đoán, nguy cơ đe dọa an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự an toàn xã hội luôn đan xen cả những yếu tố bên trong và bên ngoài. Ngày 16/3/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tiếp tục kiên trì mục tiêu “chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”.
Có thể thấy rõ, trong đấu tranh với kẻ địch, tội phạm, Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết; luôn coi trọng việc xử lý hiệu quả mối quan hệ với đối tượng đấu tranh, với “kẻ địch bên ngoài” và “kẻ địch bên trong”. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, sáng 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ"; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”; “Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”. Thiết nghĩ đây không chỉ là yêu cầu trong chống “giặc nội xâm” mà chính là yêu cầu “phải cương quyết, khôn khéo” đối với kẻ địch, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Chính vì vậy, lực lượng trực tiếp đấu tranh với các thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm “phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ngại khó, ngại khổ; ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành pháp luật kém; đạo đức, lối sống sa sút, thoái hoá biến chất; loại bỏ thái độ cửa quyền, hách dịch, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho dân; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, không để kẻ địch mua chuộc, lôi kéo, tấn công vào nội bộ Công an; luôn bảo vệ, giữ gìn danh dự và uy tín của lực lượng CAND như những điều thiêng liêng, cao quý nhất” (3)./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 37
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, t. 4, tr. 139 – 140
(3) Trích Thư của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Hội thảo khoa học cấp quốc gia “70 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy".
KỲ II: Hành trình tôi rèn bản lĩnh