Phóng sự
Những dòng nhật ký xúc động tại 'điểm nóng' COVID-19
0h ngày 28/7, đêm trắng đầu tiên của đồng đội tôi, các chiến sĩ Công an, CGST tại nhiều điểm nóng, khu vực có ca nhiễm dương tính với SARS-CoV-2. Những giây phút lắng đọng này, những người lính áo xanh chúng tôi truyền cho nhau niềm tin, mong rằng ngày mai sẽ không còn phải nghe thêm một ca nhiễm mới nào nữa....
Nhật ký “Thương nữ nhân viên bệnh viện” của Trung tá Huỳnh Đức Lâm, phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an TP Đà Nẵng
Vợ tôi làm nhân viên bệnh viện (BV) Đà Nẵng, đã 4 ngày qua cô ấy “xa nhà” túc trực tại BV. Trưa 26/7 dòng tin nhắn vội, "Chồng! Vợ được lệnh cách ly tại bệnh viện". Hơn 12h15’, cô ấy ào về nhà như một cơn gió, rồi ào đi mà không dám gọi các con để tạm biệt. Không phải vợ tôi, mà tất cả y, bác sĩ, nhân viên y tế, phục vụ đều phải vào Bệnh viện Đà Nẵng để tự cách ly và phục vụ bệnh nhân. Họ chỉ có vài phút để chuẩn bị tư trang, xác định ở đó ít nhất là 14 ngày để chiến đấu với COVID-19, cùng sống chết với người bệnh.
Chở cô ấy trên đường, cả hai vợ chồng đều im lặng. Tôi hiểu tâm trạng cô ấy, một người vợ tất bật lo toan cho chồng con từng miếng ăn, giấc ngủ giờ phải vào viện 14 ngày chưa kịp mua sắm gì cho chồng con. Còn tôi một nỗi lo lắng mơ hồ, vào trong đấy ăn ở, sinh hoạt ra sao... Phía sau cánh cổng kia là cuộc chiến sinh - tử, và những chiến binh như vợ tôi không được phép thất bại, giá nào cũng không được thất bại. Cầu mọi người được bình an, 14 ngày qua nhanh thôi!.
Bắt đầu những đêm trắng “Thức cho sự bình yên của TP Đà Nẵng”, sẵn sàng hỗ trợ người dân của Chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng tại các chốt trực COVID-19. |
0h ngày 28/7, cuộc chiến với dịch bệnh COVID -19 của cả thành phố tôi, của người dân, chính quyền và nhất là hàng nghìn các y bác sĩ, bệnh nhân cả 3 BV trung tâm của thành phố đã chính thức bắt đầu. Đêm trắng đầu tiên của đồng đội tôi, các chiến sĩ Công an, CSGT chốt chặn mục tiêu ngay tại các điểm chốt cổng BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và hàng chục điểm chốt tại 7 quận huyện, khu vực có ca nhiễm dương tính với SARS-CoV-2.
Những giây phút lắng đọng này, những người lính áo xanh chúng tôi truyền cho nhau niềm tin, mong rằng ngày mai sẽ không còn phải nghe thêm một ca nhiễm mới nào nữa. Đà Nẵng sẽ trở lại những ngày thường... Bên trong bức tường kia, các chiến sĩ áo trắng trong đó có vợ tôi chắc cũng sẽ một đêm không ngủ để chăm sóc cho bệnh nhân, chiến đấu với giặc COVID.
Hình ảnh xúc động về các y bác sĩ cùng bệnh nhân trong “ điểm nóng” cách ly tại 3 bệnh viện của Đà Nẵng. (ảnh BS BV Đà Nẵng) |
Nhật ký của bác sĩ Thái Thu Hà
Sáng 29/7 ngày thứ 4: “Các y bác sĩ trong Bệnh viện (BV Đà Nẵng) cùng bệnh nhân đang không ngừng chiến đấu với dịch bệnh. Nhiều ca lây nhiễm mới được phát hiện và cập nhập nhưng không thể làm nhụt quyết tâm chống dịch, cứu chữa của chúng tôi”… Chúng tôi giống đi lính thời chiến, đoạn đường từ bên kia cầu Đa khoa qua bên Trung tâm tim mạch hoặc từ khoa này qua khoa khác “rất nhiều địch và bẫy” nên phải trang bị bảo hộ từ đầu tới chân.
Bình thường chỉ cần thấy sau lưng của đồng nghiệp là la lên” ê đi mô đó, ừ tui đi lãnh thuốc, tui đi kí giấy tờ...” giờ thì bộ đồ màu xanh khiến chúng tôi không còn nhận ra nhau nữa rồi. Những ngày vừa qua, Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận hàng chục ca mắc COVID-19, mà con số vẫn không ngừng tăng, tập trung nhiều nhất vẫn là các ca ghi nhận tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Sau khi thực hiện việc phong tỏa để phòng chống dịch từ 0h ngày 28/7, Bệnh viện Đà Nẵng luôn nhận sự được quan tâm của người dân và cộng đồng. Theo ghi nhận, các phòng, ban, khu tiếp nhận bệnh nhân… hạn chế tối đa tiếp xúc gần với nhau. Thời điểm này, các hoạt động hỗ trợ tiếp tế, cung ứng cho sinh hoạt của bệnh nhân, người nhà chăm nuôi, đội ngũ y bác sĩ… được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình như phun khử khuẩn, giãn cách người vận chuyển, đảm bảo vệ sinh khi sơ chế, chế biến…
“Thường ngày chúng tôi bắt đầu ngày làm việc buổi sáng, kể về ca trực ngày hôm qua người bệnh trở nặng cấp cứu, người bệnh suy hô hấp, người bệnh không chịu hợp tác, người bệnh đến khám bệnh khó tính, người nhà đó thế này thế kia... thì bây giờ là chúng tôi lại bàn về: “Ui hôm nay có ca người bệnh đó dương tính, ca đó nằm giường số mấy, có bao nhiêu người nhà chăm”... chủ đề của chúng tôi đã thay đổi về người bệnh, và những giọt mồ hôi và nước mắt lo lắng vì chỉ mong ngày mới không còn người bệnh nào dương tính nữa....
Mấy ngày rồi, chưa không được gặp con nhỏ, được ngồi với người thân trong gia đình nói về chuyện công việc, bạn bè, cuộc sống... Thèm lắm chiếc giường rộng có đủ gối và mền cho giấc ngủ (Ở BV không đủ chăn mền gối và giường, mỗi người tự tìm cho mình 1 góc để ngả lưng sau giờ chống dịch). Thèm lắm cái ôm của người chồng, người con sau giờ tan ca, chỉ cần thủ thỉ con nhớ mẹ nhớ ba thì mọi buồn phiền tan biến (Bây giờ phải gọi online để thấy mặt nhau, nỗi nhớ chỉ thể hiện qua ánh mắt…
Buổi sáng dậy, thấy mắt đồng nghiệp đỏ và sưng mắt, tôi hỏi cô ấy nói: “Đêm qua ngủ dưới đất con gì cắn sưng mắt” nhưng tôi biết đêm qua cô ấy nhớ con khóc liên tục vì tôi đã từng trải qua nên tôi hiểu. Mấy ngày nay mọi người nhắn tin hỏi liên tục rằng ở BV chúng tôi cần gì, muốn gì mọi người sẽ giúp? Dạ: chúng tôi cần sự động viên của mọi người rất nhiều, bên cạnh đó nhu yếu phẩm đã được mọi người cho rất nhiều như sữa, nước, bánh, đồ hộp, khẩu trang y tế... nhưng hiện tại trong BV đa số là chị e phụ nữ vì vậy nhu cầu cá nhân cũng rất là nhiều như: Giấy vệ sinh, chăn mền, chiếu, gối, dầu gội, dầu xả, xà phòng giặt, máy sấy tóc, bông tai, bao bọc điện thoại, móc treo đồ...
"Nhật ký Phong tỏa bệnh viện" của bác sỹ Đặng Văn Trí, Bệnh viện C Đà Nẵng
Vậy là thời khắc 0h ngày 28/7 đã đi vào lịch sử của Đà Nẵng khi lần đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa 3 bệnh viện lớn tại thành phố. Ai cũng hỏi, chúng tôi sống như thế nào phía bên trong 4 tường rào bệnh viện đã thực hiện phong tỏa?
Đã 4 ngày đi qua, kể từ khi chúng tôi nhận được 3 chìa khóa và khi cả 3 cổng vào bệnh viện đều đóng lại. Dẫu biết là “tạm thời” nhưng tất cả đều chạnh lòng. Dẫu biết là tình cảm ngoài cộng đồng vẫn dành thật nhiều cho chúng tôi nhưng tất cả đều lưu luyến. Bởi, những ngày tới đây, mẹ xa con, vợ xa chồng, những tình cảm ruột rà máu mủ sẽ tạm ngưng đọng lại, mang theo cái nhớ da diết khó tả. Và, tất cả chúng tôi đều sống “cuộc sống 4 mới” để hoàn thành thiên chức thiêng liêng của các thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19.
Đầu tiên là “cách sống và làm việc mới”: Tất cả chúng tôi đều làm việc gần như là 24/24h và liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc mới khi chúng tôi làm việc trong môi trường khắc nghiệt hơn.
Đôi lúc cảm thấy “mất nhịp sinh học” và thoáng quên thứ ngày - nhất là cuối tuần vừa rồi, hầu như chẳng ai để ý như thường nhật đó là dịp weekend của gia đình - tất cả đều lao vào công việc. Với những bữa ăn quá bữa và những bữa ăn vội vàng, tất cả cũng vì để bệnh nhân của chúng tôi bình yên hơn, an tâm hơn, tin tưởng hơn và ít xáo trộn cuộc sống hơn so với khi chưa phong tỏa. Cuối cùng, đến hôm nay, chúng tôi đã làm được điều đó. Một trải nghiệm đáng nhớ trong đời của các thầy thuốc!.
Thứ nữa là “sự quan tâm và chia sẻ mới”: Tất cả chúng tôi, và những bệnh nhân của chúng tôi, ngày thường vẫn là những con người đó, những gương mặt đó, những công việc đó. Nhưng những ngày này, ai cũng dành sự quan tâm chia sẻ cho nhau, thứ tình cảm giữa người với người cảm giác gần gũi thân thương.
Thêm nữa là “kỹ năng mới”: Tất cả chúng tôi chưa ai trong đời thầy thuốc mà có kinh nghiệm sống và làm việc khi phong tỏa bệnh viện, phong tỏa khu phố. Tất cả đều là trải nghiệm lần đầu, nhưng với bản năng thương yêu đồng loại, thương yêu con người và bằng tri thức có được, chúng tôi đã hình thành các kỹ năng mới: tính toán để sinh tồn.
Ai cũng hỏi chúng tôi sẽ trụ được bao lâu sau 4 hàng rào bệnh viện khi công việc chính của chúng tôi chỉ là "nhìn - sờ - gõ - nghe" để chẩn đoán và điều trị bệnh. Giờ đây, chúng tôi phải biết tính toán phải cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao... để nuôi sống chúng tôi và các bệnh nhân của chúng tôi một cách khoẻ mạnh.
Sau nữa nhưng chưa phải cuối, đó là "công nghệ mới": Khi chưa cách ly y tế, cứ mỗi sáng đầu ngày làm việc chúng tôi đều giao ban chuyên môn bằng cách cùng ngồi quanh một bàn để trao đổi về những bệnh nhân trong đêm trực qua.
Còn giờ đây, đã cách ly y tế, không được tụ họp đông người. Vậy là chúng tôi tìm đến với "công nghệ mới", nào là Meeting Zoom, Google Meeting, vân vân mây mây. Tất cả cũng chỉ để hiểu biết nhiều nhất, chắc chắn nhất về tình hình bệnh tật của những bệnh nhân chúng tôi.
Chưa dừng lại ở đó, tại "Khu vực cách ly đặc biệt" thì rất hạn chế vào - ra vì nguy cơ lây nhiễm rất cao cho thầy thuốc và lây chéo cho người khác. Nhưng, bệnh nhân cần chúng tôi "luôn ở bên cạnh người bệnh". Vậy là, những thế hệ "công nghệ mới" về camera đã được chúng tôi dùng đến như là cứu cánh "kề vai sát cánh" với những bệnh nhân của chúng tôi trên chiến hào chống giặc Cô Vy.
Chỉ bấy nhiêu thôi, đã 4 ngày trôi qua, chúng tôi và những bệnh nhân thân thương của chúng tôi vẫn sống tốt và sống khoẻ; tuổi thọ của Cô Vy chắc chắn sẽ rất ngắn ngủi khi tất cả chúng tôi đều quen dần với "cuộc sống 4 mới".
Một ngày không xa, không phải chỉ “điểm nóng” Đà Nẵng mà là cả nước sẽ chiến thắng “giặc bệnh”, đội quân SARS-CoV-2 sẽ thất trận!
Nguồn: Báo CAND