Phóng sự
Chỗ dựa tin cậy của nhân dân mùa chống dịch
Ngước nhìn đồng hồ, Đại úy Lê Anh Tuấn, cán bộ Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài nói với người đồng đội của mình: “Cậu tranh thủ chợp mắt một chút, phần việc còn lại để anh em trong tổ làm giúp”. Người đồng đội của Tuấn Anh chỉ ậm ừ rồi lại cần mẫn làm công việc của mình.
Cường độ làm việc liên tục 24/24h, chia làm 3 ca; bình quân từ 1-3 phút, một kiểm soát viên giải quyết xong thủ tục cho một hành khách, áp lực đối với những cán bộ đơn vị trong những ngày dịch COVID-19 đang bùng phát rất lớn.
Trong ca trực, người này gánh bớt công việc giúp người khác với một suy nghĩ giản đơn rằng những nỗ lực của họ sẽ góp phần cùng các lực lượng khác ở cửa khẩu ngăn chặn dịch COVID-19. Cùng với áp lực phòng, chống dịch bệnh còn là áp lực công việc.
Với một lượng người lớn gồm cả trong và ngoài nước, có thời điểm lên tới hàng nghìn người thì chỉ cần một chút chủ quan, lơ là của cán bộ Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài là có thể xảy ra sai sót. Một số đối tượng có thể lợi dụng dịch bệnh sử dụng hộ chiếu của người khác để nhập cảnh vào Việt Nam hoặc ngược lại...
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở các nước Châu Âu, người Việt Nam đang sinh sống, học tập về nước ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng trong ngày 15/3, Sân bay quốc tế Nội Bài đã đón hơn 24.000 người nhập cảnh vào Việt Nam...
Nhằm tạo điều kiện cho hành khách, mỗi hộ chiếu cán bộ Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chỉ kiểm tra trong vòng 1-2 phút, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân. Một cán bộ Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài hóm hỉnh nói với chúng tôi: “Người xưa thường nói “không ai nắm tay từ tối đến sáng” nhưng đó lại là yêu cầu bắt buộc đối với chúng tôi.
Công việc không cho phép được sai sót dẫu. Bởi ngoài hộ chiếu, hành khách còn có nhiều giấy tờ khác như thẻ cư trú... , đây là những giấy tờ có liên quan đến sinh mệnh của một con người. Trong trường hợp bị mất, họ sẽ không có cơ hội trở lại các nước đang lao động và học tập”.
Trong khi tổ công tác đang tiến hành điểm danh, điểm diện thì ở một góc khác, một tổ công tác của Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đang phỏng vấn các hành khách gồm người Việt Nam và người nước ngoài. Với những trường hợp đi qua cổng autogate thì cán bộ Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài còn phải làm thêm các thủ tục phỏng vấn, hỗ trợ lực lượng kiểm dịch trong việc rà soát để tiến hành các thủ tục cách ly.
Có người hợp tác, song cũng có một số thiếu kiên nhẫn trong quá trình phân loại của cán bộ y tế đã mất bình tĩnh. Dù mệt mỏi nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh và thời điểm nào, các chiến sĩ vẫn giữ nụ cười trên môi.
Cùng với áp lực về công việc, ngày lại ngày cán bộ của đơn vị còn phải đối mặt với nguy cơ lây, nhiễm COVID-19. Ở cửa khẩu, nếu cán bộ y tế là người đầu tiên tiếp xúc với các hành khách từ nước ngoài về thì cán bộ Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng là lực lượng tiếp xúc nhiều nhất với cách hành khách.
Nếu hành khách có các biểu hiện của bệnh như ho, sốt, đau đầu..., nghi vấn liên quan đến các biểu hiện của dịch COVID-19 thì họ phải phối hợp với lực lượng y tế đưa khách đến các bệnh viện. Các trường hợp khác, cán bộ, chiến sĩ phải nhận diện lại từng người, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng cách ly; trực tiếp kiểm tra các hộ chiếu...
Trong quá trình này, nguy cơ lây, nhiễm là rất cao. Đó là lúc làm nhiệm vụ, sau mỗi chuyến bay phát hiện có hành khách nhiễm COVID- 19 thì anh em lại xác định ai là người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Từ đó, có các biện pháp cách ly kịp thời tại bệnh viện hoặc tại cơ quan. Cũng vì thế mà có cán bộ của đơn vị, vợ mới sinh con được 2 tháng nhưng không dám và không thể về thăm nhà...
Những ngày này, nhiều đồng chí tự ý cách ly ở cơ quan, lúc nhớ con chỉ biết gọi điện thoại về cho vợ động viên. Với một lượng hành khách quá lớn nhập cảnh, đi từ đầu A đến đầu B, mỗi cán bộ cũng phải đi đến 14km để làm thủ tục nhanh nhất cho hành khách.
Tiếng khóc ngặt của những đứa trẻ ở khoảng giữa sân bay thu hút sự chú ý của chúng tôi. Trong giây phút ấy, tôi thấy gương mặt của Đại úy Lê Anh Tuấn và các đồng đội của anh chợt chùng xuống... Thương các cháu nhỏ sớm đã phải xa bố mẹ, các cán bộ ở đơn vị cố gắng làm các thủ tục trong thời gian ngắn nhất để họ vào khu cách ly an toàn.
Chúng tôi đến Công an huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc sau 4 ngày lệnh cách ly ở xã Sơn Lôi được dỡ bỏ. Ngay tại cổng, cán bộ nữ đeo khẩu trang vừa làm công việc trực ban, vừa đo thân nhiệt, xịt khuẩn khử trùng cho những người ra, vào trụ sở Công an huyện. Họ là những nữ cán bộ đã hơn 20 ngày nay từ khi trên địa bàn phát hiện ổ dịch gác chuyện riêng, xa con để trực đêm.
Dịch COVID – 19 tràn về, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên trở thành “tâm dịch”, lập tức lãnh đạo Công an huyện phối hợp với các đơn vị chức năng tham gia chống dịch, 64 cán bộ, chiến sỹ nam của Công an huyện được huy động tham gia các chốt chặn khoanh vùng, cách ly tại xã Sơn Lôi. Lúc này, quân số ở đơn vị Công an huyện càng trở lên ít ỏi, gần như cán bộ nam đã phải tăng cường đến “tâm dịch”, số khác làm nhiệm vụ chuyên án giữ gìn ANTT, an toàn giao thông.
Trước sự việc cấp bách, 18 nữ cán bộ Công an huyện được giao thêm nhiệm vụ trực ban, gác cổng 24/24h.
Thiếu úy Trần Khánh Mỵ chia sẻ, một ngày được chia thành nhiều ca trực, ban ngày thì ca trực 4 tiếng/người, ban đêm được rút ngắn, mỗi nữ trực khoảng 1,5 đến 2 tiếng để đổi ca. Bốt trực được đặt tại cổng gần với barie ra vào trụ sở Công an huyện. Mỵ cho biết, lúc đầu do chưa quen trực đêm nên nhiều chị em trực một mình phải uống chè, cà phê để “chống” ngủ gật.
Sau đó, công việc đã trở nên nhẹ nhàng và thuận lợi hơn. Vì chồng cùng làm đơn vị nhưng đang đi học Trung cấp CSND 1, do tình hình dịch bệnh nên từ Tết chồng Mỵ chưa thể về nhà thăm gia đình. Con chị mới hơn 1 tuổi, những ca trực đêm, Mỵ lại phải nhờ mẹ chồng trông hộ dù bà đang mắc bệnh tim.
Mỵ tâm sự: “Có hôm em trực về đến nhà đã 0h, con thấy mẹ về cứ nô đùa, ru thế nào cũng không ngủ lại, em thì mệt mà 4h bé mới chợp mắt. Có những hôm con ốm, quấy thì cả hai mẹ con thức cả đêm. Sáng hôm sau, em lại vội vàng đi làm, trực ở đơn vị”.
Vất vả với con là thế, nhưng đến cơ quan, guồng quay của công việc dường như bao phủ, có những việc thường ngày do các đồng chí nam giới đảm nhiệm thì nay các đồng chí đi vắng, cán bộ nữ phải đảm nhiệm.
Thiếu úy Trần Khánh Mỵ khử trùng cho người dân đến làm việc. |
Mỵ kể lại, khoảng 0h ngày 4-3, khi đang trực em nhận được điện thoại của người dân thông tin về một nạn nhân nam bị tai nạn giao thông ở xã Bá Hiến bị đâm, đối tượng bỏ trốn. Tiếp nhận tin báo xong rồi báo cáo lãnh đạo, cử người xuống hiện trường thì bất ngờ có người phụ nữ hớt hải, khóc lóc chạy đến bốt đề nghị em bỏ điện thoại xuống nghe chị ấy trình bày... Dù đã giải thích đợi em làm xong công việc nhưng người phụ nữ này không chịu nghe, la hét, yêu cầu giúp vì chồng bị mất tích, cần phải giải quyết vụ việc của chị ấy trước...
Theo lời kể của chị này, nhà ở thị trấn Hương Canh, chồng đi uống rượu cả ngày, đêm đã khuya mà không thấy về nên chị ấy rất lo sợ chồng bị tai nạn, chỉ có trình báo Công an mới nhanh tìm thấy. Trước tình huống này, Thiếu úy Trần Khánh Mỵ mời người phụ nữ vào chốt gác trấn tĩnh tinh thần, khuyên chị chủ động gọi người nhà đi tìm có thể anh chồng vẫn đang ở quán…
Khoảng 10 phút sau, con gái chị này gọi điện thoại cho mẹ thông báo bố đã về tới nhà. Đến khi ấy, chị phụ nữ mới bối rối xin lỗi Mỵ vì trong lúc hoảng loạn đã kích động ảnh hưởng đến công việc của cán bộ…
Đây chỉ là 1 trong nhiều tình huống mà Mỵ và đồng đội nữ gặp phải trong ca trực đêm, có những lần nghe điện thoại, người dân gọi đến thông tin vụ trộm cắp xe máy hay vụ đánh bạc nhưng khi báo cáo lãnh đạo cử tổ công tác xuống thì họ lại gọi điện thoại đến đã tìm thấy xe máy, còn vụ đánh bạc xuống địa chỉ họ cung cấp nhưng không thấy.
Hầu như các cán bộ nữ của Công an huyện Bình Xuyên đều còn rất trẻ, ai cũng có con còn nhỏ, nửa đêm xong việc họ vẫn phải tranh thủ về với gia đình dù nhà cách đơn vị từ 8 đến 10km để trông con, không dám ngủ lại cơ quan do sáng ra còn tranh thủ lo cho con.
Công việc trực gác đêm để giữ gìn ANTT là công việc thường xuyên, họ không quản gian khổ bởi vì theo các chị em nói: “Cán bộ nam làm được, họ cũng làm được”. Hơn hết trong những lúc cao điểm như đợt dịch vừa qua, tập thể cán bộ chiến sĩ nữ Công an huyện luôn động viên nhau, cùng nhau chia sẻ vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những ngày này, thông tin về trường hợp 2 ca nhiễm bệnh là du khách người Anh đi cùng chuyến bay với bệnh nhân N.H.N. (N 17) đã đi lại, tiếp xúc rất nhiều nơi, lây nhiễm chéo cho một số người, mới nhất là ca N35 là một cô gái người Đà Nẵng, khiến người dân lo ngại.
Tuy nhiên, người Đà Nẵng vẫn lạc quan khi công tác phòng chống dịch bệnh được các cấp, các ngành trong đó có lực lượng CAND tích cực vào cuộc.
Đà Nẵng còn ghi nhận một tinh thần lạc quan, nghiêm túc của người dân, của nhiều du khách đang phải cách ly tại chỗ do có tiếp xúc gần, ở những điểm các bệnh nhân nhiễm COVID đã đến, lưu trú...
Và hình ảnh của các chiến sĩ CA làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT, an toàn tuyệt đối những người đang được cách ly đã gây ấy tượng đẹp với cộng đồng.
Câu chuyện “Người vận chuyển” này thật đáng trân trọng. Khi hàng chục du khách, cán bộ nhân viên của khách sạn Vanda được cách ly tại chỗ, ngoài được kiểm tra, khám xét nghiệm Y tế mỗi ngày 2 lần theo quy định thì họ cũng cần nhu yếu phẩm.
Tuy nhiên, ngoài lực lượng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Y tế của thành phố thì chỉ duy nhất các đồng chí Công an trực điểm bảo vệ này mới được tiếp xúc xa, chuyển các nhu yếu phẩm, suất ăn cần thiết cho những người bên trong cách ly. Trong số khoảng 30 du khách (trong và ngoài nước) đang lưu trú cùng với 7 nhân viên khách sạn, còn có một cháu bé dưới 5 tuổi, cần phải có thức ăn cho trẻ nhỏ, nên việc “nhờ” các anh Công an trực bên ngoài hỗ trợ mỗi ngày là không thể tránh khỏi…
Chiều 12-3, được sự đồng ý của lãnh đạo Công an quận Hải Châu, bịt kín khẩu trang, trử trùng đầy đủ, chúng tôi đã tiếp cận các chiến sĩ Công an quận đang túc trực 24/24 bảo vệ KS Vanda (đường Nguyễn Văn Linh). Không hề “căng thẳng” như tưởng tượng, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy là một cô gái trên tay áp sát mảnh giấy được viết chữ rất to ở phía trong cánh cửa kính cao, đóng chặt của khách sạn Vanda:
“Em nhờ các anh Công an Hải Châu mua giúp cho một phần cháo cho cháu bé đang bị cách ly bên trong”…
Ngay lập tức, Trung úy Tán Thanh Tùng (Đội trực bảo vệ) giơ dấu hiệu đồng ý. Cả hai bên đều bịt kín khẩu trang, găng tay, khoảng cách từ cánh cửa cũng xa hơn 5m và chỉ có ký hiệu cùng mảnh giấy nhưng hình ảnh đó khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Trung úy Tùng chia sẻ: Chúng tôi được những người đang cách ly bên trong nhắn tin qua điện thoại là cảm ơn “Các anh Công an - người vận chuyển”.
Những người đang bị cách ly tại KS Vanda, ngoài việc nghiêm túc chấp hành quy định, chăm chỉ tập luyện, đã thường xuyên chia sẻ những thông tin tích cực, lạc quan đến tới cộng đồng … như: “Chúng tôi rất ổn và tuyệt đối chấp hành tốt các quy định của Y tế” hay “Cách ly là để an toàn”…
Thượng tá Lê Cao Tâm, Phó Trưởng Công an quận Hải Châu cho biết: Khách sạn Vanda nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng, có rất đông người dân, du khách qua lại nên CBCS đơn vị luôn nghiêm túc chấp hành các quy định, tận tình với công việc nhằm bảo đảm ANTT và an toàn giao thông, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Nguồn: Báo CAND