Thứ Ba, 17/03/2020, 10:07 [GMT+7]

Ám ảnh tích trữ

Hẳn bạn đã từng nghe thấy các bác sĩ tâm lý hay nhắc đến một hội chứng ám ảnh tích trữ (Compulsive hoarding). Gọi là hội chứng "đồng nát" cũng không sai. Hiện tượng "tha mồi" về chất trong nhà như núi. Có khoảng hơn 1 triệu người Mỹ bị hội chứng rối loạn tích trữ ảnh hưởng tới đời sống. Hiện tượng này thường rơi vào một số người tâm lý đặc biệt nhưng cũng có trạng huống đặc biệt thành 1 loại "virus" lan toả cộng đồng.
 
Những thế hệ trải qua kháng chiến và thời bao cấp không lạ gì khi thấy mỗi gia đình đều có 1 cái kho tích trữ thực phẩm khô, các phụ tùng sứt mẻ đầu thừa đuôi thẹo… tạp pí lù thượng vàng hạ cám "bi ve đá lửa". Khi đất nước mở cửa, hàng hoá dồi dào, chẳng ai lo tích đồ nữa, thế hệ con cháu dọn nhà thấy còn nguyên những bịch diêm, hàng chục bánh xà phòng 72% (loại của Liên Xô), các loại vòng bi, đùi đĩa xe đạp mà thương ông thương cha trào nước mắt.
Minh họa Tả Từ
Minh họa Tả Từ
Lại nhớ truyện ngắn của Jack London "Tình yêu cuộc sống". Nhân vật chính câu chuyện bị bỏ rơi tại vùng hoang dã, phải giành giật sự sống với sói và sự hành hạ của cơn đói. Ám ảnh từ đầu đến cuối truyện chỉ là kiếm cái gì cho vào bụng.
 
Khi được các nhà thám hiểm trên con tàu đánh cá voi cứu sống, gã được ăn thoải mái nhưng hắn luôn hỏi thủy thủ đoàn về thức ăn dự trữ có đủ không? Thủy thủ trấn an thế nào gã cũng không tin. Họ cho gã bánh quy, gã cầm bánh quy như giữ vàng rồi nhét vào ngực. Thủy thủ đoàn bí mật "soi"  giường của gã. "Giường được lót bằng bánh quy khô, đệm được nhồi bằng bánh quy khô, mọi xó xỉnh ngóc ngách đều lèn đầy bánh quy khô".
 
Thời COVID - 19, con "virus rối loạn tích trữ" lại có cơ hội quay lại thủ đô. Đêm 6-3 khi nghe thông tin về ca nhiễm đầu tiên của Hà Nội thì sau 22h đêm, không ít người đã đổ đến các siêu thị vơ vét thực phẩm và nhu yếu phẩm. Họ tin rằng nếu khu phố bị phong toả thì giá cả sẽ cắt cổ nên phải mua thật lực kẻo hối không kịp.
 
Có anh "tầm nhìn tới cuối vườn" chở tới 11 bao gạo loại 1 yến/ bao. Không biết ăn đến năm nào. Sáng 7-3, có chị "nhạy bén" đi tắt đón đầu làm 1 sạp bán rau dã chiến. Chiều về vẫn ứ một đống, lại kêu "giải cứu cho em bác ơi". Ngày 8-3 trên mạng xã hội đã có nhiều hình ảnh núi thực phẩm chất giữa nhà. Không có chỗ đông lạnh thì chỉ thối bỏ đi. Như gió thoảng. Ngày 8-3, giá cả lại bình thường.
 
Hiện tượng này thời đại chiến thế giới đã tạo ra khủng hoảng giả tạo. Chính phủ và các doanh nghiệp cam kết đủ hàng hóa cho nhân dân nhưng có phải ai cũng hiểu.
 
Nỗi ám ảnh tích trữ của nhân vật trong "Tình yêu cuộc sống" đã hết hẳn khi gã về tới San Francisco. Vậy tại sao chúng ta không thể thay đổi thói quen này?
 
Bệnh nhân số 18 người Thái Bình khi đến Hàn Quốc, từng đi siêu thị Hàn Quốc vài lần và có thể nhiễm bệnh tại đó. Chen nhau vét hàng cũng là tự đưa mình vào nguy cơ lây nhiễm. Toàn dân cùng Nhà nước chống dịch không gì hơn là ai ở đâu cứ ở yên đấy.
 
"Hiệp 1" virus COVID - 19 bị knock out nhưng "hiệp 2" đã bật dậy với thêm 14 ca mới. Có thể do "virus hồn nhiên" tham gia. Một số người dương tính COVID - 19 không tự cách ly mà vẫn hồn nhiên tham gia các hoạt động thăm thú vui chơi làm cả thủ đô mất ăn mất ngủ. COVID - 19 "cắn" không phân biệt sang hèn.
 
Tổng thống D. Trump cũng cảnh giác, không dám vịn tay vào các lan can cầu thang và không dám sờ tay lên mặt suốt mấy tuần nay. Đã có những cuộc họp không bắt tay, ghế đặt cách xa nhau hơn 2m. Giải bóng đá Việt đã không mời khán giả. "virus hồn nhiên" đã bị tiêu diệt bằng ý thức sinh tồn.
 
Còn bạn. Bạn đã từng bị "virus tích trữ"  cùng "virus hồn nhiên" dẫn lối chưa?
.

Nguồn: CAND

.