Phóng sự

Cơ hội chấn chỉnh lễ hội

15:03, 10/02/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Để đối phó dịch bệnh do virus Corona gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành công điện số 156/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó nêu rõ: Hạn chế tập trung đông người; các tỉnh đã công bố dịch dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; quyết định cho học sinh nghỉ học.
 
Việc dừng tất cả lễ hội để chống dịch cũng là cơ hội để chúng ta rà soát và chấn chỉnh thực trạng bát nháo với hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ trên cả nước hiện nay.
 
Việc có hơn 8.000 lễ hội mỗi năm, cho thấy nước ta có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu truyền thống. Song, rất nhiều trong số những lễ hội này ngày càng bát nháo, năm nào cũng tái diễn cảnh chen lấn, bạo lực, thậm chí gây hỗn loạn, mất trật tự trị an. Người đi trước nhìn lại mà xót xa, bởi ý nghĩa nhân văn mà ông cha gửi gắm vào lễ hội từ thuở xa xưa, đến nay dường như đã bị lu mờ.
Lễ khai hội chùa Hương 2019.
Lễ khai hội chùa Hương 2019.
Nói như thế, bởi lễ hội vốn hình thành từ trong đời sống, trở thành tập quán lâu đời của một cộng đồng, việc duy trì những hoạt động truyền thống này góp phần bảo tồn lịch sử, tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn, tri ân những anh hùng dân tộc. 
 
Các hoạt động, trò chơi trong lễ hội không đơn thuần là giải trí, mà mang ý nghĩa tôn vinh những người tài giỏi, có sức mạnh, chiến thắng của 1 cá nhân là niềm tự hào cho cả cộng đồng. Vì lẽ đó, những hoạt động này đóng vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết các cá nhân, thúc đẩy cộng đồng phát triển ngày càng vững mạnh.
 
Để bảo đảm giá trị lễ hội, không thể không đề cập đến tuồng tích và di sản. Nếu một lễ hội không chuyên chở được truyền thuyết tích cực nào thì nên xóa bỏ. Thế nhưng, có không ít lễ hội dân gian đã cải biên, hoặc pha tạp và thay hình đổi dạng hoàn toàn phai nhạt bản sắc ban đầu. 
 
Tư duy trục lợi từ lễ hội cũng xuất hiện, dày đặc những ban thờ, những hòm công đức, những khay để tiền giọt dầu đà khiến vài di tích không khác gì chốn mưu cầu vật chất, suy giảm yếu tố tâm linh và cực kỳ phản cảm. Còn các lễ hội tín ngưỡng thì sao? Các chiêu trò bói toán, đoán quẻ, dâng sao, giải hạn, trục vong… công khai và phản cảm.
 
Tin theo số đông, theo cách số đông đang tin, đang làm rồi làm theo mà không hề biết điều đó đúng hay sai nên hành động ấy thường đưa tới nhiều hệ lụy đau lòng. Có những niềm tin bị nhồi nhét lâu ngày thành ra việc sai mà ta tưởng đúng, bởi cái sai được làm đi làm lại tới mức bình thường thì cộng đồng nghĩ đó là điều đúng, là điều đương nhiên. 
 
Nhiều lễ hội phi nhân tính, kém nhân văn và nhiều tập tục lạc hậu, đi ngược lại lòng từ bi, sự văn minh của xã hội đương thời (vốn đề cao nhân quyền và cả quyền của nhiều loài động vật khác...) là một kiểu niềm tin, hành xử mù quáng như vậy.
 
Cũng với kiểu ma mị bằng lý lẽ rủi, may khi nhận được "lộc thánh", khi cướp được ấn, được phết hay khi chạm vào bụng tượng Ngài Di Lặc, Đức Quan Âm... mà người ta đã lũ lượt hội hè, đã "xông trận" bất kể ngày đêm lẫn sự nguy hiểm, gây ra những cảnh tượng kinh hãi ở chốn chùa chiền, lễ hội mang danh truyền thống.
Lễ hội Đền Hùng 2019.
Lễ hội Đền Hùng 2019.
Trong bối cảnh xã hội như hiện nay, con người có rất nhiều mong ước, có cả mong ước về tiền tài, địa vị, mong ước để leo lên những thang bậc xã hội khác nhau. Tại sao ở một số quốc gia tôn giáo như ở Lào, Thái Lan, Campuchia, họ đi lễ rất uy nghiêm, trong không khí vô cùng thanh tịnh, và mục đích đi lễ của họ cũng rất khác so với nhiều người trong xã hội của chúng ta?
 
Trong khi ở Việt Nam, nhiều người đi lễ chỉ muốn mưu cầu danh lợi, địa vị cá nhân, tiền tài nhưng không quan tâm thực chất đến vấn đề giáo lý, đến tính thiện, tính nhân bản trong văn hóa tâm linh. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh tín ngưỡng với tâm lý đám đông, con người lại càng bộc lộ rõ nhất mục đích cá nhân. 
 
Người ta đi lễ chùa, tham gia hoạt động tín ngưỡng nhưng chỉ biết cầu xin quá nhiều, chỉ biết lễ lạt mà quên đi tính cộng đồng, xã hội, quên đi cả giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tôn giáo, tín ngưỡng và mối quan hệ gắn bó giữa các giá trị này với nhau.
 
Chấn chỉnh lễ hội là vấn đề đặt ra gần như với mọi quốc gia, và mỗi nơi có sự lựa chọn khác nhau. Điều này rất cần tới vai trò của Nhà nước, để giữ gìn bản sắc và tính thiêng liêng của lễ hội, đáp ứng được nhu cầu thay đổi cho phù hợp với tính lịch sử. Nhưng Nhà nước hỗ trợ tới mức nào là đủ để tránh tình trạng “Nhà nước hóa” lễ hội như đã nói ở trên lại là điều cần bàn. 
 
Xã hội phát triển với tốc độ càng nhanh, con người ta càng có nhu cầu đến với hệ thống các giá trị tín ngưỡng để tìm sự cân bằng tâm lý cho mình. Nhưng, chính vì sự đứt gãy quá lâu, chúng ta lại mất hẳn phần kiến thức, hiểu biết về các chuẩn văn hóa, tín ngưỡng đi kèm lễ hội khi xưa.
 
 
Hình ảnh cướp chiếu ở lễ hội Đúc Bụt.
Các nhà văn hóa, cơ quan ngôn luận, truyền thông cũng như các nhà quản lý cũng có trách nhiệm, cần phải cung cấp nhiều thông tin hơn, thông tin đúng và chính xác hơn cho xã hội, cho người đi lễ; tuyên truyền, giáo dục cả về mặt văn hóa, lịch sử đối với người đi lễ. Ngay cả trong quá trình thông tin, tuyên truyền, chúng ta cũng chỉ phê phán mạnh mẽ nhất trong các dịp lễ hội. 
 
Trong khi, đây là vấn đề cần được đề cập thường xuyên, không chỉ giới hạn ở các dịp lễ hội mà còn là vấn đề chung trong các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh thường ngày của người dân. Hành trang tri thức của những người khi đi lễ, hành hương chưa đủ, họ vẫn thiếu tâm thức đối với việc tham gia hoạt động tín ngưỡng.
 
Ngay cả với việc quảng bá lễ hội và các hoạt động, chúng ta cũng cần cẩn trọng, tránh cho nhiều người hiểu sai về ý nghĩa, giá trị của các lễ hội, hoạt động đó. Nếu không, sẽ lại gây ra sự hoang tưởng, ảo tưởng trong tư duy tín ngưỡng. Phương thức tuyên truyền, quảng bá, chúng ta chưa bộc lộ rõ tư duy văn hóa mà mới chỉ là đơn giản về kinh tế, thương mại. 
 
Cũng vì thế, chúng ta quên đi mặt chất lượng trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, mà chỉ biết chạy đua về hình thức, chỉ biết khuyếch trương về số lượng, đạt những kỷ lục về chiều cao, sức nặng hay to nhất, rộng nhất. Chưa kể, sự sai lệch trong tư duy chạy theo kỷ lục như thế sẽ ảnh hưởng tới cả nhận thức của thế hệ trẻ và các thế hệ sau này.
 
Rõ ràng lễ hội là nét văn hóa đẹp và tinh hoa của dân tộc, rất cần được nâng niu và gìn giữ. Không thể để lễ hội bị lợi dụng và biến tướng dưới bất kỳ hình thức nào.

Nguồn: Vĩnh Cẩm/CAND

Các tin khác