Phóng sự

Về miền nắng ấm

14:52, 30/01/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trở lại vùng đất can trường nơi cửa biển Quỳnh Lưu vào ngày đầu Xuân, cảm nhận rõ rệt sức lan toả của một khí thế mới, quyết tâm mới. Bà con gắn bó, đoàn kết chung tay dựng xây xóm làng, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, tích cực sản xuất. Trong diện mạo đổi thay ở miền quê nơi địa đầu xứ Nghệ, có dấu ấn đậm nét của tình đoàn kết lương giáo, của tinh thần yêu thương trao gửi.
Lễ bàn giao nhà cho bà Nguyễn Thị Ân, giáo xứ Phú Yên, xã An Hoà
Lễ bàn giao nhà cho bà Nguyễn Thị Ân, giáo xứ Phú Yên, xã An Hoà
Bình yên xứ đạo An Hoà
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, sạch sẽ, bà Nguyễn Thị Ân (SN 1933) giáo xứ Phú Yên, xã An Hoà không giấu được niềm hạnh phúc. Dù tuổi đã cao, lại mới trải qua trận ốm dài ngày nhưng khi được hỏi về ngôi nhà mới, bà Ân hồ hởi lạ thường. Chỉ từng góc bếp, từng bức tường đang thơm mùi sơn mới, rồi dẫn mọi người ra chiếc cổng chắc chắn vừa được xây xong, bà Ân run run chia sẻ: Nhờ các cấp chung tay, mơ ước ấp ủ lâu nay của bà mới trở thành hiện thực. Nếu không được mọi người quan tâm, chia sẻ, đến giờ, bà vẫn phải sinh hoạt trong căn nhà tồi tàn, chật hẹp. Bên tách trà ấm cúng, những ký ức ngày xưa hiện về trong đôi mắt xa xăm, đục mờ của người phụ nữ đã ngoài 80 tuổi.
Bà Ân gắn bó với giáo xứ Phú Yên từ nhỏ.
Những chuyến tàu về đầy ắp cá tôm khiến cho cuộc sống bà con ngư dân ở Quỳnh Lưu  ngày càng no đủ và góp phần phát triển KT-XH của địa phương
Những chuyến tàu về đầy ắp cá tôm khiến cho cuộc sống bà con ngư dân ở Quỳnh Lưu ngày càng no đủ và góp phần phát triển KT-XH của địa phương
Như bao người phụ nữ trong làng, bà lớn lên, lập gia đình; rồi cứ thế, cuộc sống mưu sinh cuốn bà đi theo vòng xoáy thời gian. Để xoay xở cho mái ấm nhỏ, người phụ nữ miền biển cố gắng làm lụng tất cả mọi việc, từ làm muối đến lượm lặt hải sản, rồi buôn bán lặt vặt... Thế nhưng, cái khó cứ quẩn quanh, các con dù đã trưởng thành song cuộc sống của gia đình bà vẫn rất vất vả. Cùng với thời gian, căn nhà nơi bà sinh hoạt cứ ngày một xuống cấp, tồi tàn. Mơ ước về một mái ấm để có nơi chui ra chui vào an toàn, ấm cúng vẫn còn rất xa vời… Chia sẻ với khó khăn của bà Ân, Mặt trận Tổ quốc các cấp và xã An Hoà đã quyên góp, ủng hộ 30 triệu đồng, cộng với anh em, gia đình chung sức, đến năm 2019, bà Ân đã có căn nhà khang trang, sạch sẽ. “Năm mới ni là bà có nhà mới để đón tiếp mọi người rồi. Ở nhà mới nên cấy chi cũng thích”, bà Ân móm mém chia sẻ, nở nụ cười rạng rỡ.
 
Tại xã An Hoà, bà con giáo dân sinh sống ở 2 giáo xứ Phú Yên và Vĩnh Yên. Những năm qua, đặc biệt là hơn 1 năm trở lại đây, được sự quan tâm giúp đỡ về tinh thần của các linh mục, Hội đồng mục vụ hai giáo xứ, sự nỗ lực thi đua phấn đấu của bà con giáo dân nên chất lượng các phong trào thi đua ngày càng được nâng cao. Bà Hồ Thị Thoả, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã An Hoà cho biết: Bà con An Hoà chủ yếu làm muối và nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản. Những năm qua, người dân đã tích cực chuyển dịch cơ cấu, áp dụng các tiến bộ KHKT, đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn hơn. Bằng sự hỗ trợ của chính quyền và nỗ lực vươn lên của bà con nhân dân, từ năm 2015 - 2019, số tàu của ngư dân đã tăng lên 76 chiếc, trong đó có 32 chiếc công suất trên 200 CV. Hồ hởi chia sẻ về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của bà con, bà Thoả cho biết: Ngoài lĩnh vực sản xuất truyền thống, các hộ dân còn tích cực mở rộng nhiều hoạt động dịch vụ.
 
Nhiều hộ dân, trong đó có các gia đình giáo dân đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong sản xuất như hộ ông Bùi Ngọc Xuyến, Nguyễn Hồng Lam ở Phú Yên; hộ ông Thái Xuân Mai, Nguyễn Văn Thuyết ở xứ Vĩnh Yên… Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 tại xã là 25 triệu đồng đến năm 2019 tăng lên 35 triệu đồng. Bà con nhân dân đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững mô hình giáo xứ bình yên bảo đảm ANTT, xây dựng nông thôn mới, hoàn thành 100% chỉ tiêu khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, vui mừng hơn, quá trình dựng xây nông thôn mới tại An Hoà đã nhận được sự đồng thuận của bà con nhân dân. Không phân biệt lương giáo, tín ngưỡng, mọi người đều cố gắng đóng góp công sức để xây dựng quê hương khang trang, đẹp đẽ hơn. Trong năm 2019, giáo dân 2 xứ đã hiến hơn 200 m2 đất, làm gần 2.500 m đường giao thông nông thôn và hơn 2.000 m mương nội đồng phục vụ sản xuất. Riêng trong năm 2019, xóm Phú Yên đã xây dựng hơn 1.000 m đường giao thông nông thôn. Đến với Phú Yên và An Hoà, đều có thể cảm nhận rõ rệt, đường vào từng thôn, xóm bê tông sạch sẽ, hiện đại.
 
An Hoà hôm nay đã đổi thay từng ngày. Dưới biển, những con thuyền vẫn miệt mài vượt qua sóng lớn, những cánh buồm đã căng gió vươn xa, mang về những khoang cá đầy ắp; trên bờ, mọi người lại gắn kết, khi lễ lạt trân trọng mời nhau, khi nhà có việc í ới xum tụ. Chẳng ai bảo ai, tình làng nghĩa xóm cứ thế thêm thắm đượm, ấm áp. An Hoà hôm nay đã không còn những chuyện khiến nhiều người phải nghĩ suy, bận lòng, giờ thay vào đó là những niềm vui, tình thân lan toả…
 
Đi về những miền vui
 
Không chỉ ở An Hoà mà câu chuyện về tình gắn kết lương giáo trở thành dấu ấn đậm nét tại khắp huyện biển Quỳnh Lưu. Ông Ngô Quang Ngữ, Chủ tịch Mặt trận xã Quỳnh Hưng - địa phương về đích nông thôn mới năm 2015 cho biết: Với sự đóng góp của bà con nhân dân, trong đó có các giáo dân, Quỳnh Hưng đã thay da đổi thịt từng ngày. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo sức lan toả rộng khắp. Những năm qua, bà con giáo dân đã hiến 33.450 m2 đất, mỗi hộ dân đóng góp trung bình 5 triệu đồng mua vật liệu xây dựng, lắp hệ thống chiếu sáng toàn bộ cung đường trong xã.
Bức tranh nông thôn mới ở Quỳnh Lưu ngày càng khang trang, hiện đại
Bức tranh nông thôn mới ở Quỳnh Lưu ngày càng khang trang, hiện đại
Mối gắn kết giữa bà con với cha xứ và Hội đồng mục vụ ngày càng được thắt chặt, tăng cường. “Trong năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng đã xây dựng và bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Hồ Văn Phước (giáo họ Vạn Thuỷ). Ông Phước có hoàn cảnh rất khó khăn, sức khoẻ không ổn định. Nhờ các cấp hỗ trợ và bà con chung tay, năm mới này, ông Phước đã có thể ở trong căn nhà mới khang trang, sạch sẽ”, ông Ngữ cho biết thêm. “Những năm qua, bà con giáo dân Quỳnh Hưng đã phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương, với phương châm tôn giáo đồng hành cùng dân tộc. Chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể phối hợp với Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ động viên bà con giáo dân tham gia phong trào giữ gìn ANTT. Phối hợp với các tổ liên gia, tổ tình thương làm tốt công tác hoà giải, giải quyết các mâu thuẫn mới nảy sinh ở cộng đồng dân cư. Nhờ vậy, ANTT bảo đảm, tình làng nghĩa xóm lương giáo ngày càng bền chặt”, ông Nguyễn Xuân Niên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Hưng cho biết.
 
Hay như tại Quỳnh Hồng - xã về đích nông thôn mới trong năm 2019, nhiều hộ giáo dân thuộc giáo xứ Hội Nguyên đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất và các công trình trên đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông.  Điển hình như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết thuộc thôn Hồng Nguyên, giáo họ Thượng Nguyên. Chồng chị Tuyết là thương binh và mất sớm do di chứng chiến tranh, một mình chị phải bươn chải đủ nghề để nuôi 4 con ăn học. Cuộc sống dù còn nhiều vất vả nhưng khi được ban cán sự ngỏ ý mong muốn gia đình hiến đất ở, mở rộng đường, không chút do dự, chị đã đồng ý ngay. Để địa phương bê tông hoá tuyến đường liên xã rộng 7 m, chị Tuyết đã hiến 29,5 m2 đất ở, trị giá gần 300 triệu đồng.
 
Đến Quỳnh Lưu những ngày này, được gặp và nghe nhiều chuyện vui, ấm tình mà bà con chia sẻ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” được mọi người đồng thuận thực hiện. Từ nguồn xi măng huyện hỗ trợ, bà con giáo dân ở giáo xứ Vĩnh Yên và Phú Yên (An Hoà) đã hiến 236 m2 tường bao, 134 m2 đất, đóng góp hơn 400 triệu đồng để làm 1 km đường bê tông; giáo dân xứ Yên Lưu (Quỳnh Giang) đóng góp ngày công và kinh phí trên 100 triệu đồng để làm giao thông kênh mương thuỷ lợi nội đồng; giáo dân xứ Thuận Nghĩa (Quỳnh Lâm) đã hiến 215 m2 đất ở, 156 m2 bờ ao, đóng góp hơn 1,2 tỉ đồng và 675 ngày công để làm 6.745 m đường bê tông nội thôn… Những chuyện vui cứ thế nối dài.
 
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, mọi người hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Như trong năm 2019, Mặt trận Tổ quốc huyện và các xã đã phối hợp với Ban Đoàn kết Công giáo tổ chức trao quà Tết cho 750 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Năm qua, Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳnh Lưu đã hỗ trợ làm nhà ở cho bà Nguyễn Thị Ân ở giáo xứ Phú Yên (An Hoà), bà Trần Thị Thái ở giáo xứ Mành Sơn (Tiến Thuỷ); ông Nguyễn Văn Hoà ở giáo họ Văn Thai (Sơn Hải), ông Ngô Công Huấn ở giáo xứ Song Ngọc (Quỳnh Ngọc), bà Phan Thị Quang ở giáo xứ Cẩm Trường (Quỳnh Yên)… Từ trong sản xuất, đã xuất hiện những mô hình, điển hình tiêu biểu, trở thành tấm gương sáng của địa phương.
 
Điển hình là mô hình trang trại nuôi cá - vịt kết hợp sản xuất rau màu với diện tích 120 ha cho thu nhập cao; mô hình nuôi hươu, nai ở giáo xứ Cẩm Trường với gần 2.000 con, mô hình nuôi tôm theo công nghệ Semi - Biofloc, nuôi tôm VietGap. UBND huyện cũng hỗ trợ 2 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ở Quỳnh Thanh và Quỳnh Bảng với kinh phí 230 triệu đồng/mô hình. Các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã được bà con giáo dân đầu tư mở rộng. Hiện nay, toàn huyện có 57 doanh nghiệp và 870 cơ sở kinh doanh, dịch vụ và 4 làng nghề chế biến hải sản… Nhiều hộ gia đình giáo dân đạt doanh thu từ 2 - 3 tỉ đồng/năm, đồng thời, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
 
Từ trong lao động, sản xuất, bà con càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân, dòng họ trong bảo vệ ANTQ. Theo bà Phạm Thị Hải Yến, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳnh Lưu, công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng mô hình giáo xứ bình yên, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội được phát huy hiệu quả. Điển hình như giáo xứ Tân Lập, Yên Lưu, Phú Xuân, Hội Nguyên, giáo họ Vạn Thuỷ…; giáo xứ Vĩnh Yên tổ chức xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên, chung tay xây dựng nông thôn mới”, giáo họ Hạ Nguyên tổ chức triển khai mô hình “Giáo họ bình yên, không có tội phạm và tệ nạn xã hội”. Việc thực hiện hương ước thôn, xóm, các quy định của địa phương, thực hiện nghĩa vụ thuế quỹ với Nhà nước, các khoản đóng góp theo quy định ngày càng tốt hơn, nhiều nơi đạt từ 90 - 95% như giáo xứ Hội Nguyên (Quỳnh Hồng), Thuận Giang (Quỳnh Hưng), Mành Sơn (Tiến Thuỷ), Tân Lập (Cầu Giát)…
 
Có đi, đến, gặp và sẻ chia với bà con, với những gia đình giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đã vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống mới thấy rõ, tình gắn kết lương giáo quý giá và chân thực biết nhường nào. Đó chắc chắn không phải là những luận điệu xuyên tạc về chính sách tôn giáo, càng không phải là những lời kích động quy chụp về tình đoàn kết lương giáo. Đó là bát cơm ấm sẻ chia khi khó khăn, là viên gạch đóng góp để xây nhà, là những ngày công vất vả để hỗ trợ nhau dựng nền, làm cổng, là những món quà khi Xuân về, Tết đến... Những linh mục cực đoan, những kẻ cơ hội lợi dụng nói xấu, xuyên tạc, kích động phức tạp tình hình ANTT, chắc chắn chưa khi nào biết rõ và cảm nhận thực tế hiển hiện tại các địa phương trong bức tranh sôi động của Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung. 
 
Tạm biệt Quỳnh Lưu, tạm biệt những ngôi nhà nghĩa tình, những mô hình sản xuất tiêu biểu, những cán bộ mặt trận âm thầm khi trời đã xế chiều. Niềm vui năm mới, tình thân hội ngộ cứ thấm đượm trong chúng tôi. Hẹn gặp lại miền đất can trường nơi địa đầu xứ Nghệ vào một ngày không xa, để được nghe thêm nhiều câu chuyện vui, để được lắng lòng mình lại cảm nhận tình gắn kết rất đáng trân trọng và quý báu, để được thấy, mùa Xuân đang ngự trị trên mảnh đất bình yên này…

Bình Nguyên - Tuệ Trang

Các tin khác