Thứ Hai, 24/02/2020, 08:36 [GMT+7]

'Cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết!'

Tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng kể từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, tuy nhiên, theo đánh giá của người đứng đầu Đảng, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng: Trong điều kiện Đảng ta là Đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập; cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân, chúng ta càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng.

Những bài học kinh nghiệm từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như kỷ luật cán bộ, đảng viên thời gian qua tác động như thế nào đến công tác lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng? Phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Thông- Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương về vấn đề này.

 

PV: Thưa ông, vì sao tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Là người nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về quyết tâm này kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay?

Ông Nguyễn Viết Thông: 90 năm từ khi ra đời và phát triển, Đảng ta luôn luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII đến nay, Đảng ta đã tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ then chốt.

Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 14 Nghị quyết và 1 Quy định, trong đó, có 4 Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, 1 Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã ban hành 124 văn bản liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng.

Những con số trên cho thấy Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng Đảng. Một điểm mới ở nhiệm kỳ này là Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Nghị quyết vào cuộc sống. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết xem việc thực hiện Nghị quyết, quy chế, quy định được tăng cường, có nhiều điểm mới.

Ngay từ năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7 về xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng ta đã tổ chức kiểm tra, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết.

Có thể nói, nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng đã được tập trung đẩy mạnh và khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém lâu nay. Ví dụ, như trong công tác cán bộ, yếu kém từ khâu đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng. Hay vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chủ trương này đặt ra từ lâu, nhưng các nhiệm kỳ trước thực hiện chưa đạt yêu cầu, thì đến nhiệm kỳ này, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 đã được đẩy mạnh. Kết quả là chúng ta đã, đang và tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đến nay có thể khẳng định rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có xu hướng giảm. Kết quả đã điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật; trong số 2 Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, có 1 người đã bị khởi tố trước pháp luật và hiện nay đang chấp hành án tù, trước đó người này đã bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Gần đây nhất, 1 Ủy viên Bộ chính trị khác đã bị kỷ luật cảnh cáo.

Trong diễn văn kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá những mốc son chói lọi trong lịch sử 90 năm Đảng ta ra đời, tồn tại và phát triển; những hạn chế, bất cập và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ mới. Điều đó đòi hỏi Đảng ta phải tập trung xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ và phương thức lãnh đạo của Đảng.

PV: Như ông đã phân tích, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tạo dấu ấn mạnh mẽ thể hiện rõ qua việc kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao mắc sai phạm. Trong đó, 3 thành phố lớn là đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM cũng đã thay nhân sự Bí thư giữa chừng do bị kỷ luật. Việc thay thế cán bộ cấp ủy ở những thành phố lớn nói lên điều gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Thông: Việc kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý là điều đau xót. Đảng ta không muốn kỷ luật nhiều như vậy, nhưng thực tế buộc phải làm.

Việc phải thay Bí thư của 3 thành phố lớn là hiện tượng đáng buồn. Đáng buồn ở chỗ khâu sàng lọc cán bộ, mà sâu xa là khâu đánh giá cán bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ lâu nay làm chưa thật tốt. Khuyết điểm của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội và nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM có từ những năm trước đây, chứ không phải sau khi được bổ nhiệm Bí thư mới để xảy ra sai phạm. Điều đó cho thấy chúng ta đã không làm tốt khâu đánh giá, sàng lọc cán bộ. Đó là khuyết điểm cần nhìn nhận rõ.

Song, theo tinh thần Hồ Chí Minh: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Trong bối cảnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta đã mạnh dạn thay 3 Bí thư Thành ủy, điều đó cũng thể hiện Đảng ta là một Đảng mạnh. Nếu một Đảng yếu, không có bản lĩnh thì sẽ không làm được điều này.

Nhìn lại con số hơn 90 cán bộ cấp cao bị kỷ luật thời gian qua cũng cho thấy, Đảng ta dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, nhìn nhận một bộ phận cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, không đủ tiêu chuẩn và đã mạnh dạn sửa chữa khuyết điểm bằng việc thay thế nhân sự khác xứng đáng hơn. Thực tế như những gì chúng ta đang thấy, ở Đà Nẵng, TPHCM sau khi bố trí Bí thư mới thì tình hình ở các địa phương này đang chuyển biến tốt.

Như ở TPHCM, trong nhiều năm, nhân dân bức xúc về vấn đề Thủ Thiêm, nhưng với quyết tâm cao hiện nay, chúng ta đã mạnh dạn, sửa chữa khuyết điểm, xử lý cán bộ có sai phạm. Hay ở Đà Nẵng, 2 nguyên Chủ tịch UBND thành phố cũng đã bị xử lý kỷ luật, phải đưa ra tòa xét xử.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thức cả đêm trắng để xử lý kỷ luật đối với Đại tá Trần Dụ Châu. Xử lý kỷ luật một Đại tá quân đội thời kỳ đó đau lòng lắm nhưng buộc phải làm để cán bộ nói chung tốt đẹp hơn. Hiện nay, Đảng ta cũng đang làm theo tinh thần đó. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Kỷ luật một người để cứu muôn người. Việc kỷ luật cán bộ góp phần đẩy lùi tham nhũng, có tác dụng cảnh báo, răn đe rất cao.

PV: Tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Trong điều kiện Đảng ta là Đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập; cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân, chúng ta càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu không nhận thức sâu sắc điều này, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực và kiên trì rèn luyện và học tập thì rất dễ bị thoái hóa, biến chất. Sự cám dỗ của đồng tiền cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ từ vài chục năm trước khi nói đến những “viên đạn bọc đường”. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Viết Thông: Ham muốn về vật chất, tiền tài, địa vị, danh vọng có từ lâu và nói rộng ra, bất cứ chế độ nào, thời nào cũng có. Vấn đề đặt ra là phải nhìn nhận nó và tìm cách khắc phục.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cũng đã mắc phải những khuyết điểm ấy. Và trong những năm vừa qua, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong diễn văn kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cũng đã chỉ rõ, bước vào cơ chế thị trường với nhiều mặt tích cực, song đồng thời sức phá hoại của nó cũng ghê gớm. Ma lực của đồng tiền len lỏi vào tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ma lực của đồng tiền có từ lâu, nhưng khi bước vào cơ chế thị trường, chúng ta cũng chưa lường hết được sức công phá bởi những tác động tiêu cực của nó. Nếu lường trước hết được thì đỡ gây hậu quả xấu như hiện nay.

PV: Muốn ngăn ngừa những tiêu cực, tác động của cơ chế thị trường một cách căn cơ, bài bản thì phải có một hệ thống các quy định, quy chế, bằng luật pháp và điều này đang được hoàn thiện dần phải không, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Thông: Phải có các giải pháp đồng bộ, kể cả đối với tổ chức đảng và các đảng viên. Trong toàn Đảng, mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; trong đó nhận diện rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đây là một quy định có nhiều điểm mới về mặt lý luận. Trước đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta cũng đã ban hành những quy định, quy chế để ngăn chặn được các tiêu cực trên.

Quy định, quy chế ra đời không phải lúc nào cũng bao quát hết được mọi hành vi của cán bộ, đảng viên cũng như các tổ chức Đảng trong cuộc sống. Ngay trong Quy định 205 của Bộ Chính trị, ngoài việc nhận diện các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì đều ghi “và các hành vi khác”. Bởi vì các hành vi, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hành vi tham nhũng, lãng phí càng ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp, không dễ gì để lường hết được mà phải qua thực tiễn, khi triển khai thực hiện các quy định, quy chế, chúng ta hoàn thiện dần cơ chế để kiểm soát chúng. Do vậy, quy định, quy chế không phải là bất biến mà luôn cần phải được bổ sung, hoàn thiện.

Về phía cán bộ, đảng viên, trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế như hiện nay, đòi hỏi mỗi người, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp, các ngành phải giữ vững được bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất, đạo đức, và phải có phong cách công tác tốt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

PV: Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh công tác xây dựng văn kiện Đại hội, việc lựa chọn nhân sự làm sao phải thật sự tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Ông có góp ý gì cho công tác này?

Ông Nguyễn Viết Thông: Nếu thực hiện nghiêm những quy định hiện nay đã ban hành thì sẽ lựa chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hệ thống các quy định, quy chế, quy trình không thiếu, vấn đề mấu chốt hiện nay là người thực hiện quy định, quy chế, quy trình đó. Trước hết là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo quyết liệt thì sẽ lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài. Còn quy định, quy chế, quy trình ban hành nhưng người thực hiện không lãnh đạo, chỉ đạo tốt thì những quy định đó cũng không thể đi vào cuộc sống được.

Trước đây, những nơi bổ nhiệm không đúng cán bộ đều thanh minh rằng đã làm đúng quy trình. Lỗi ở đây không phải ở quy trình mà lỗi là do người thực hiện quy trình. Những văn bản, quy định về lựa chọn cán bộ kể cả cấp huyện, tỉnh, Trung ương là đầy đủ, nếu làm nghiêm thì Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ đúng yêu cầu đặt ra.

PV: Chúng ta hay nói công tác cán bộ phải gắn với sự đánh giá của nhân dân, gắn với tín nhiệm của dân. Theo ông, làm thế nào để người dân góp tiếng nói quan trọng trong lựa chọn nhân sự?

Ông Nguyễn Viết Thông: Để người dân góp tiếng nói quan trọng trong lựa chọn nhân sự thì có nhiều cách. Như Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 217, 218 quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; về giám sát, phản biện.

Cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết. Cho nên, trong các quy trình để giới thiệu nhân sự ứng cử, bầu cử vào các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội đều lấy ý kiến của nhân dân ở nơi nhân sự đó đang công tác, tại nơi cư trú. Nhân dân có quyền thông qua MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, có thể giới thiệu nhân sự cho Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và cũng mạnh dạn chỉ ra những người nào không nên đưa vào quy hoạch hay ứng cử các chức danh.

Khi cán bộ được đưa vào quy hoạch nhưng sau đó có tố giác thì cần phải xem xét, xác minh lại. Nếu đúng như tố giác thì phải đưa cán bộ ra khỏi quy hoạch. Cơ chế hiện nay đang làm theo cách này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để làm sao hoàn thiện cơ chế, nhân dân có quyền tham gia nhiều hơn về công tác lựa chọn cán bộ.

Như ở Quảng Ninh vừa qua có cách làm rất hay là “Dân tin thì Đảng mới cử”. Chi bộ giới thiệu đảng viên để dân bầu trực tiếp trưởng thôn, sau đó mới tổ chức Đại hội chi bộ và các nhân sự được bầu làm trưởng thôn thì khi ra Đại hội chi bộ đều trúng Bí thư chi bộ.

Đảng ta chủ trương thí điểm trực tiếp bầu một số chức danh ở cấp xã, cấp huyện. Thí điểm, sau đó tổng kết và nhân rộng. Trên thực tế, bước đầu chúng ta đã phát huy được vai trò của nhân dân trong vấn đề lựa chọn cán bộ, cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những hình thức, phương thức để nhân dân thực sự hiến kế, lựa chọn được những người có đức, có tài vào cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 

.

Nguồn: vov.vn