Thứ Năm, 20/02/2020, 09:43 [GMT+7]

Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch COVID-19 để xuyên tạc, chống phá

(Congannghean.vn)-Ngay Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dịch COVID-19 xuất hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân. Thế nhưng, thay vì chung tay cùng các cơ quan chức năng đẩy lùi, hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh, một số tổ chức, đối tượng lại tung tin, xuyên tạc nhiều nội dung, gây hoang mang trong nhân dân.

Người dân cần tỉnh táo trước thông tin trên mạng xã hội liên quan dịch COVID-19
Người dân cần tỉnh táo trước thông tin trên mạng xã hội liên quan dịch COVID-19
Tính chất nguy hiểm và phức tạp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặt ra những yêu cầu bức thiết với các cấp chính quyền nhiều nước. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính đến 14 giờ ngày 18/2, thế giới có 73.335 người mắc, với 1.874 ca tử vong. Tại Việt Nam, đã có 16 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó, 9 trường hợp ra viện. Hiện nay, vẫn chưa tìm ra vắc xin đặc hiệu điều trị dịch bệnh này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thường xuyên cập nhật và đưa ra những thông báo, cảnh báo đến người dân và chính quyền các nước để nâng cao ý thức phòng ngừa. Thế nhưng, trong khi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang căng sức để đẩy lùi dịch bệnh, một số tổ chức, đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, tán phát lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong nhân dân. Thông qua đó tạo ra tình trạng nhiễu loạn thông tin và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT. Đáng buồn hơn, trong sự việc này, có những người dân vì ít hiểu biết, vì “câu like” đã tự đưa mình vào con đường vi phạm pháp luật.
 
Để gây nhiễu loạn thông tin, các đối tượng đã ra sức thông tin sai sự thật về tình hình, diễn biến dịch bệnh. Chúng thổi phồng, bịa đặt số liệu về số ca nhiễm mới, tử vong tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Để tăng thêm độ “tin cậy”, luôn là những câu quen thuộc, về việc dẫn nguồn: “Theo một nguồn tin thân cận”, “Theo phản ánh của một nhà quan sát dân chủ”, “Từ những thông tin của người dân trong vùng dịch”… Từ đó, chúng bịa đặt nhiều thông tin sai trái: “Hai người Trung Quốc bị nhiễm đã chết tại Chợ Rẫy”, “Dịch bệnh đã đến quận 1, rồi tràn đến quận 3, quận 5, quận 7”; “Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) có 2 du khách người Trung Quốc nghi nhiễm virus Corona nhập viện; Phú Thọ đã có bệnh nhân nhiễm virus Corona”…  Chúng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ, sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp để xuyên tạc, chống phá đất nước ta.
 
Chúng giả mạo các hình ảnh, video hoặc sử dụng các thông tin cũ có hiệu ứng kích động cao liên quan đến dịch COVID-19 đối với cộng đồng mạng để xuyên tạc. Không chỉ làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh, khiến dân chúng sợ hãi, những thông tin bịa đặt còn ảnh hưởng đến việc tuyên truyền của chính quyền, làm lệch lạc nhận thức của người dân về dịch bệnh.  Như thói quen, chúng ra sức đổ lỗi và phủ nhận vai trò của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chúng bịa đặt cho rằng, Việt Nam bưng bít thông tin và thiếu thái độ quyết liệt trong phòng, chống dịch. Và rằng, “sự yếu kém trên” sẽ khiến người dân Việt Nam chịu hậu quả nặng nề… Hài hước hơn, chúng còn đổ lỗi nguyên nhân gây ra dịch bệnh là do chế độ. Điều này chỉ xuất phát từ một lý do duy nhất, là sự thù hằn, muốn chống phá Đảng và Nhà nước, âm mưu gây bất ổn tại nước ta.
Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế thường xuyên cập nhật số liệu mới nhất về dịch COVID-19
Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế thường xuyên cập nhật số liệu mới nhất về dịch COVID-19
Trên thực tế, hành động khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ không chỉ là bằng chứng rõ ràng nhất đập tan luận điệu của các đối tượng phản động, cơ hội mà còn được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới COVID-19 gây ra tại nước ta. Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Công văn số 79-CV/TW ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư về việc phòng, chống dịch do COVID-19  gây ra; Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/1/2020, số 06/CT-TTg ngày 3/1/2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/1/2020 về việc phòng, chống dịch do COVID-19 gây ra...  Ngay sau đó, toàn hệ thống chính trị, các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã đồng sức, đồng lòng, đoàn kết chống chọi với dịch bệnh trên quan điểm chống dịch như chống giặc. Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành những văn bản, kế hoạch để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh: “Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân”.
 
Đến nay, WHO cũng đã ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch COVID-19 rất tốt, với năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Theo WHO đánh giá, Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. WHO khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm COVID-19 trong những ngày tới. Dù còn quá sớm để đánh giá về thiệt hại của dịch bệnh và nhiệm vụ chống dịch vẫn còn nhiều khó khăn, song không thể phủ nhận, Việt Nam đang huy động mọi sức mạnh để bảo vệ sức khoẻ, cuộc sống của người dân…
 
Dịch do COVID-19 gây ra phức tạp, lại là chủng mới, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân nên lẽ dĩ nhiên, mọi người quan tâm và theo dõi thông tin sát sao. Thế nhưng, chúng ta phải tỉnh táo để phân biệt tin giả và tin thật; đồng thời phải biết cách lượng giá thông tin và trở thành một người đọc và chia sẻ thông tin thông thái. Để biết thông tin rõ ràng, người dân nên lựa chọn các trang tin  như Cổng thông tin Chính phủ, Bộ Y tế, các tờ báo chính thống để tiếp nhận. Nếu là người thường xuyên sử dụng facebook để thu thập thông tin, hãy đặt chế độ theo dõi những nhà báo, bác sĩ có uy tín để tự trang bị, cập nhật số liệu, diễn biến mới nhất của dịch bệnh. Tất nhiên, người dân chủ động phòng bệnh song cũng không quá hoang mang, tạo cớ cho những thông tin độc, giả xâm nhập và phát tán…
 
Chúng ta cần nhớ và không quên, 15 năm trước, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch Sars trong tổng số 65 nước nhiễm dịch, được WHO phổ biến cho thế giới tham khảo, vận dụng. Những nỗ lực của Chính phủ, sự hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế, lực lượng vũ trang, sự nỗ lực của cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị đang thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong đẩy lùi dịch bệnh. "Đề nghị người dân yên tâm tin tưởng, đặc biệt tin tưởng vào Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch này. Chống dịch như chống giặc nếu như không có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân nên mong muốn người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Vì thế, hãy chung tay, chung sức để đoàn kết, gia tăng sức mạnh của đất nước, trở thành người chủ động, hiểu biết trong tiếp nhận và chia sẻ thông tin. Đừng biến mình trở thành nạn nhân bị đầu độc bởi “virus tin vịt” hơn COVID-19.

Công an TP Hà Nội vừa cảnh báo về một số mã độc “núp bóng” tài liệu về COVID-19 dưới dạng các tập tin. Theo cơ quan Công an, các mã độc “núp bóng” tài liệu về COVID-19 cho phép hacker làm hư hại, chỉnh sửa hoặc sao chép dữ liệu, thậm chí can thiệp vào hoạt động của máy tính. Trước đó, qua công tác điều tra, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội phát hiện thông tin việc phát tán mã độc “núp bóng” các tập tài liệu liên quan đến COVID-19. Các đối tượng sẽ sử dụng thông tin này như mồi nhử để thực hiện các hành vi phạm tội, phát tán mã độc dưới dạng tên: Worm.VBS.Dinihou.r; Worm.Python.Agent.;… Nhằm tránh trở thành nạn nhân của những mã độc trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân tránh truy cập các liên kết nghi vấn liên quan tới COVID-19, trừ những thông tin được đăng tải bởi các cơ quan chính thống và từ những nguồn tin đáng tin cậy. Ngoài ra, người dùng nên chủ động trang bị những giải pháp bảo mật, cài đặt phần mềm diệt virus để tránh những mối đe dọa từ mã độc, nâng cao khả năng bảo vệ hệ thống thông tin trên mạng.
.

TUỆ TRANG

.