Phóng sự
'Thuốc' nào đặc trị 'bệnh' tham quyền chức?
09:30, 29/11/2019 (GMT+7)
Tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng, sáng 18-11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hầu hết thứ trưởng về hưu đều xin lập hội.
"Hầu hết các bộ, ngay bộ tôi, có đến 90% thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập hội và đều xung phong nhận nhiệm vụ chủ tịch một hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ông Dung nêu thực trạng: "Khi xin họ đều nói tự nguyện, tự quản, tự cung tự cấp. Nhưng thưa thật với các anh chị, không có hội nào tự quản, tự chủ hết. Hội nào cũng bám vào trụ sở, có hội trụ sở chính, có hội trụ sở phụ. Có hội khi chúng tôi đề nghị trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích còn rộng hơn. Rồi xe pháo, phương tiện đủ các loại".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay luật về hội chưa được ban hành nhưng vấn đề về hội rất đa dạng. Hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích, đều vì đất nước nhưng xét quá trình tổ chức, hoạt động thì rất nhiều chuyện phải bàn. Các hội hiện nói tự chủ, tự quản nhưng hầu hết chuyển sang hội đặc thù phải phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động.
Mặt khác, quy định hội trực thuộc sự quản lý cơ quan nhà nước nhưng hầu hết các hội sau khi thành lập đều "tách ra" hoạt động riêng. Mặt khác, còn đề nghị bộ trưởng ký phối hợp chương trình hoạt động cho tốt và đề nghị cử thứ trưởng sang làm thành viên hội đó.
Từ thực trạng trên, ông Dung đề nghị phải siết lại việc thành lập, tổ chức hội. "Nếu chưa có luật hội thì xem xét rà soát lại, chuyển bớt hội đặc thù sang hội tự chủ tự quản. Không nên để tình trạng như trên, gây khó khăn cả cho trung ương và địa phương", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.
Sau khi thông tin này được công bố đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng hội là nơi kiếm thêm quyền lợi khi quan chức về hưu. Vấn đề thu chi, vận động mạnh thường quân ủng hộ quỹ hội có được kiểm toán nhà nước kiểm tra chưa?
Đây là một lỗ hổng lớn trong quản lý của nhà nước hiện nay. Đề nghị nên có luật về hội và có tổ chức hội thì phải quản lý, thanh kiểm tra thu chi. Đây là nơi thực sự là để nối dài quyền lợi của các quan mà thôi, có cần thiết không? Nếu thành lập hội mà vì lợi ích của người dân, của quốc gia dân tộc thì cũng nên lập. Tuy nhiên, nếu ngược lại thì là họa cho đất nước.
Nhưng đã là hội thì tự chủ về mọi mặt. Phải kiên quyết loại bỏ các Hội không cần thiết. Đó là cấp Bộ, còn ở tỉnh, thành cũng như vậy, các Hội đều xin trụ sở, xin xe đều lấy từ ngân sách nhà nước. Đúng là quý vị quen làm sếp rồi, buông bỏ không được nên cố gắng níu kéo.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được nêu ra ở Quốc hội. Tháng 9- 2016, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật về hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu thực tế nhiều cán bộ, công chức là lãnh đạo khi chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập Ban vận động thành lập Hội. Vì lý do này Bộ Nội vụ đề nghị quy định đối với cán bộ, công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội.
Lâu nay, dư luận đã rất bức xúc về chuyện một số vị quan chức khi về hưu nhưng vẫn không chịu trả lại những quyền lợi được hưởng của chức vụ khi còn công tác. Cách đây vài năm, báo chí đã phải lên tiếng khi một số vị lãnh đạo đã biến nhà công vụ thành nhà tư, hết nhiệm kỳ hoặc về hưu nhưng vẫn giữ nhà, không chịu trả lại.
Đáng nói là nhà công vụ không chỉ dành cho những cán bộ khó khăn, chưa có điều kiện về nhà ở, mà còn bị lạm dụng. Nhiều cán bộ thừa tiền nhưng vẫn cứ bám lấy nhà công vụ. Rồi có những trường hợp hưởng lợi tiền tỷ khi nhà công vụ được hóa giá với giá bèo.
Với một số người có chức quyền, tự nguyện rời bỏ quyền lực khi về hưu là điều rất khó khi họ đã quen với việc đi đầu cũng được đón tiếp, có xe công đưa đón. Căn "bệnh" tham quyền chức này phải có "thuốc đặc trị". Vì vậy từ câu chuyện "về hưu là lập hội" này, đã đến lúc phải phải sớm có quy định cụ thể về việc quan chức về hưu có được lập hội hay không và cơ chế hoạt động của những hội này. Bởi việc lập hội để rồi lại lấy tiền ngân sách hoạt động là điều rất khó chấp nhận, những đồng tiền thuế của dân không thể để dùng vào những việc vô lý như vậy.
Nguồn: CAND