Nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân trong đấu tranh ngăn chặn ma túy, đặc biệt là ở khu vực biên giới, trong đó các lực lượng chức năng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển là những lực lượng nòng cốt.
Tại Hà Tĩnh, ngày 17/2, các lực lượng chức năng phối hợp bắt đối tượng Briacher Vangchueyang (1994, quốc tịch Lào, thu giữ 249 kg ma túy tổng hợp dạng đá |
Thời gian qua, hoạt động sản xuất ma túy tại khu vực “Tam giác vàng” gia tăng; xuất hiện nhiều loại ma túy mới, sản xuất hoàn toàn từ hóa chất, thời gian sản xuất nhanh, giá thành rẻ, dễ vận chuyển, hợp thị hiếu các đối tượng, dễ sử dụng…
Đồng thời, lợi dụng chính sách đầu tư phát triển kinh tế của Lào, các tổ chức tội phạm ma tuý (TPMT) người Trung Quốc và Đài Loan tăng cường đầu tư tài chính, công nghệ, núp bóng trong các công ty, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại U Đôm Xay, Luông Nậm Thà, Khăm Muộn, Bô Ly Khăm Xay và A Ta Pư… có dấu hiệu nghi vấn sản xuất ma túy với số lượng lớn.
Trong 2 năm 2017-2018, lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an đã tập trung đồng bộ các giải pháp, phương án, kế hoạch nghiệp vụ trấn áp mạnh mẽ TPMT tại “chảo lửa” Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La).
Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an Lào tập trung đấu tranh mạnh TPMT ở các tỉnh Bắc Lào giáp Việt Nam. Bộ đội Biên phòng và lực lượng chức năng của Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ biên giới Việt Nam-Trung Quốc nên TPMT khó vận chuyển ma tuý từ Lào qua các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam sang Trung Quốc như thời gian trước.
Tuy nhiên, tội phạm đã có sự chuyển hướng vận chuyển ma túy từ Lào qua biên giới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam vào TPHCM tiêu thụ hoặc tiếp tục trung chuyển đi nước thứ 3 bằng đường biển, kể cả bằng đường bộ ngược ra miền Bắc nước ta. Trọng điểm là các khu vực cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum).
Các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan… cầm đầu đường dây, từ xa chỉ đạo vận chuyển ma tuý tập kết gần biên giới, thuê đối tượng lần theo đường mòn, lối mở biên giới, cánh gà cửa khẩu để vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Lợi dụng chính sách Hải quan thông thoáng “luồng xanh”, “luồng vàng” đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu ; hàng hóa, phương tiện quá cảnh để cất giấu, vận chuyển ma túy qua cửa khẩu.
Chúng móc nối với đối tượng người Việt Nam, thông qua các công ty trá hình có chức năng xuất, nhập khẩu các mặt hàng được hưởng chính sách hải quan thông thoáng để cất giấu, đóng gói và trà trộn ma tuý với hàng hóa khác đưa từ Lào, Campuchia vào Việt Nam và vận chuyển đi nước thứ ba qua các cửa khẩu, cảng biển.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với Công an, Hải Quan và Cảnh sát biển đồng bộ từ cấp Bộ Tư lệnh đến cơ sở, thực hiện nhiều phương án, kế hoạch tấn công, trấn áp TPMT từ biên giới vào nội địa đạt hiệu quả cao, góp phần hạn chế được số lượng lớn ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để xảy ra “điểm nóng” về ma túy và an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Đặc biệt đến nay đã kiềm chế, kiểm soát cơ bản hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang ở Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an Lào, Campuchia trong phát hiện, ngăn chặn ma túy từ xa, trước khi vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam gần khu vực “Tam giác vàng” là trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 của thế giới. Ma túy tổng hợp được sản xuất hoàn toàn từ các hóa chất, nhanh, công nghệ đơn giản, giá thành rẻ, hợp thị hiếu đối tượng sử dụng, dễ cất giấu để vận chuyển, giá ma túy chênh lệch lớn giữa nước ngoài và trong trong nước, nguồn gốc chủ yếu từ khu vực “Tam giác vàng” và ngay tại Lào, lợi nhuận thu được từ nguồn ma tuý rất lớn, vì vậy càng gây áp lực ma túy vào khu vực biên giới nước ta.
Công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và Công an có lúc, có nơi chưa hiệu quả, còn vì thành tích của đơn vị mà không kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp đấu tranh. Việc hợp tác, phối hợp với lực lượng chức năng của Campuchia trong phòng chống TPMT hiệu quả còn hạn chế do hai nước có chế độ chính trị, chính sách hình sự khác nhau...
Dự báo hoạt động của tội phạm ma túy thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Do sức ép về lợi nhuận, cung cầu còn lớn; hoạt động vận chuyển ma túy đi nước thứ 3 qua các cảng biển tiềm ẩn diễn biến khó lường. Khi lực lượng chức năng đánh mạnh trên vùng này thì chúng lại chuyển hướng vận chuyển sang vùng khác. Hoạt động sản xuất trái phép chất ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp có thể tiếp tục diễn ra phức tạp.
Vì vậy, thời gian tới BĐBP tiếp tục phối hợp, tham mưu cho Nhà nước xây dựng Dự án Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi, bổ sung), trong đó cần quy định chế tài xử lý đối với người sử dụng, người nghiện ma túy...; phối hợp tham mưu Chính phủ xây dựng Đề án “Tổng thể kiểm soát ma tuý qua biên giới”; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong đấu tranh phòng chống TPMT ở địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.
Xác định nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân trong đấu tranh ngăn chặn ma túy, đặc biệt là ở khu vực biên giới, trong đó các lực lượng chức năng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển là những lực lượng nòng cốt.
Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan, Cảnh sát biển trên tất cả các địa bàn khu vực biên giới, bờ biển, ở cả cấp Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy, Đồn Biên phòng trong đấu tranh chống TPMT ở khu vực biên giới, trong trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xác minh, xác lập chuyên án chung đấu tranh với đường dây TPMT lớn, xuyên quốc gia; trong kiểm soát người, phương tiện hàng hóa qua lại cửa khẩu, cảng biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào trong nước.
Đồng thời phối hợp các lực lượng tổ chức nhiều đợt cao điểm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phát huy sức mạnh tổng hợp ngăn chặn ma túy từ ngoại biên, biên giới và nội địa. Đổi mới hình thức, biện pháp phối hợp theo hướng cụ thể và thực chất giữa cấp Cục, cấp tỉnh với nhau; giữa cấp đồn Biên phòng với lực lượng Công an huyện và Công an các xã biên giới.
Nhất quán chủ trương chủ động nắm, ngăn chặn ma túy từ xa, từ ngoài biên giới. Tăng cường hợp tác quốc tế; phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, Campuchia đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, ngay từ ngoài biên giới để giảm áp lực ma túy lên biên giới Việt Nam, đặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
* Trong 6 tháng đầu năm 2019, BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt 482 vụ, 746 đối tượng, thu giữ trên 2.000kg ma túy các loại, tăng 142,2% so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, BĐBP chủ trì bắt giữ, xử lý 362 vụ, 525 đối tượng, thu giữ 941,22 kg ma túy các loại.
.