Thứ Sáu, 30/08/2019, 08:58 [GMT+7]

Đổi mới đào tạo để sinh viên Học viện Cảnh sát nhập cuộc với công việc nhanh nhất

Mùa tuyển sinh năm 2019, điểm chuẩn đầu vào của một số tổ hợp xét tuyển của Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) giảm mạnh, khiến nhiều thí sinh đạt 25, 26 điểm tiếc nuối vì đã rút hồ sơ.

Nguyên nhân gì khiến điểm chuẩn vào các trường CAND nói chung, Học viện CSND giảm so với năm 2018? Việc điểm chuẩn giảm có ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào? Tuyển sinh vào Học viện CSND và các trường CAND sẽ được đổi mới như thế nào trong những năm tới? Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất, Phó Giám đốc Học viện CSND đã có những chia sẻ với phóng viên Chuyên đề CSTC về vấn đề này.

Nhiều thí sinh “sợ” điểm chuẩn vào trường Công an quá cao

PV: Theo Thiếu tướng, điểm chuẩn vào các trường CAND nói chung, Học viện CSND nói riêng năm nay giảm mạnh so với các năm trước là do đâu?

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất: Điểm chuẩn vào các trường CAND trong đó có Học viện CSND năm nay có giảm so với trước do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là do những thay đổi trong quy định tuyển sinh mới của Bộ Công an, thay vì điểm trung bình các môn đăng ký xét tuyển chỉ cần đạt trung bình 6 điểm một môn, năm nay, điểm trung bình các môn trong tổ hợp đăng ký xét tuyển phải đạt từ 7 điểm trở lên.

Thứ hai, Bộ cũng đã thay đổi cơ cấu đầu vào, theo đó năm nay chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ Công an xác định theo các tổ hợp xét tuyển và các tiêu chí phụ để nâng cao chất lượng. Đặc biệt, năm nay tiêu cực trong tuyển sinh ở nhiều địa phương giảm nhiều nên mặt bằng điểm thi THPT được trả về với giá trị thật.

Và cuối cùng là tâm lý sợ điểm chuẩn vào các trường CAND nói chung, Học viện CSND nói riêng vẫn cao như các năm trước nên nhiều thí sinh đạt 25, 26 điểm đã quyết định rút hồ sơ vì sợ trượt trong đợt điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, riêng đối với nữ, do chỉ tiêu ít nên điểm chuẩn vào Học viện vẫn nằm trong tốp cao với 27,12 điểm.

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất, Phó Giám đốc Học viện CSND.
Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất, Phó Giám đốc Học viện CSND.

PV: Theo Thiếu tướng, việc điểm chuẩn vào Học viện CSND năm nay sụt giảm mạnh và bị mất “ngôi đầu” liệu có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đầu vào không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất: Đúng là điểm chuẩn trúng tuyển vào Học viện CSND năm nay giảm hơn so với các năm trước. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung khi mặt bằng điểm thi năm nay trở về thực chất hơn. Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, “ngôi đầu” hay “ngôi ba” không ảnh hưởng nhiều lắm đến chất lượng đầu vào.

Lý do là đào tạo trong các trường CAND nói chung, Học viện CSND nói riêng có những đặc thù nhất định. Trong quá trình học tập, ngoài điểm thi, điểm học lực thì khả năng ứng dụng, áp dụng lý luận vào thực tế mới quan trọng.

Rồi hàng loạt các tiêu chí khác như lòng yêu nghề, sự phản ứng nhanh, sự hy sinh, thậm chí cả độ “lỳ” nhất định. Do vậy, trong quá trình đào tạo, một thí sinh trúng tuyển với 26 điểm và một thí sinh chỉ đạt 23 điểm sẽ không có quá nhiều sự khác biệt.

Sinh viên Học viện CSND thực hành bắn súng.
Sinh viên Học viện CSND thực hành bắn súng.

Áp chuẩn đầu ra để tăng chất lượng đào tạo

PV:  Nhìn lại việc tuyển sinh dựa vào điểm thi THPT quốc gia những năm gần đây và việc nhà trường tự tuyển sinh riêng như trước kia, chất lượng đầu vào có khác nhau không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất: Có sự khác biệt tương đối nhiều giữa việc xét tuyển chung dựa vào điểm thi THPT quốc gia và nhà trường tự tổ chức thi như trước đây. Khi chúng tôi tự tuyển sinh, số học sinh phổ thông tại một số trường THPT chuyên của các tỉnh có truyền thống hiếu học như Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng… lại trúng tuyển nhiều.

Tuy nhiên, khi tuyển sinh chung dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, số lượng Cảnh sát nghĩa vụ tăng mạnh, thậm chí áp đảo so với học sinh phổ thông. Học sinh các địa phương có truyền thống hiếu học, có tỷ lệ đỗ cao vào trường trước đây đã không còn cạnh tranh được với một số địa phương mới nổi do chính sách cộng điểm ưu tiên, đặc biệt là do tiêu cực trong chấm thi THPT quốc gia như năm 2018.

Trong Hội nghị tuyển sinh năm 2017, tôi từng phát biểu, tôi không thể tin rằng học sinh Lạng Sơn học Tiếng Anh giỏi hơn học sinh Hà Nội; học sinh Sơn La học Toán giỏi hơn học sinh Hà Nội. Hà Nội có 3.600 học sinh đăng ký vào Học viện CSND nhưng chỉ đỗ 5 em; Hải Phòng có hơn 2.000 cũng chỉ đỗ vài em; trong khi đó các tỉnh miền núi phía Bắc đỗ tới hàng chục em.

PV: Với chất lượng đầu vào như thế, trong những năm qua, nhà trường đã phải thay đổi cách thức đào tạo như thế nào để đảm bảo chất lượng đầu ra?

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất: Trong những năm qua, Học viện CSND đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là nhà trường đã đặt ra các chuẩn đầu ra về chuyên môn, về ngoại ngữ, chuẩn về công nghệ thông tin.

Nếu học viên học các môn chuyên ngành không đạt, sẽ không được thi tốt nghiệp. Tuy vậy, quá trình đào tạo theo tín chỉ trong thời gian qua cho thấy, hình thức này tương đối phù hợp với các môn khoa học cơ bản như Khoa học xã hội nhân văn, Toán, Công nghệ... còn những môn học liên quan đến tố tụng, chuyên môn, chuyên ngành sâu học theo tín chỉ gặp rất nhiều khó khăn.

Lý do là tài liệu giảng dạy, học tập các môn chuyên ngành đều là mật, học viên chỉ được đọc ngay tại thư viện, không được mang về nghiên cứu. Bên cạnh đó, khi học các chuyên môn chuyên ngành về tố tụng là học nghề, rất khó sáng tạo trong tố tụng hình sự.

Thực tế này buộc phải có cách dạy, cách học khác. Do vậy, chúng tôi đã báo cáo Bộ Công an đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo theo 2 hướng, vừa theo niên chế, vừa đào tạo theo tín chỉ. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục đại học mới sửa đổi.

Sinh viên Học viện CSND huấn luyện bắn súng, võ thuật.
Sinh viên Học viện CSND huấn luyện bắn súng, võ thuật.

PV: Hiện Bộ Công an đang Xây dựng đề án đổi mới tuyển sinh vào các trường CAND. Việc tuyển sinh sẽ đổi mới theo hướng như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất: Theo tôi được biết, hiện nay, lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ đang từng bước tiệm cận dần với các nước tiên tiến. Bộ Công an đang muốn đổi mới theo hướng khoa học là hạn chế đầu vào đối với học sinh phổ thông, tăng cường lựa chọn những người có khả năng, trình độ đã tốt nghiệp ở các đại học khác đưa về các trường CAND để đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Nếu làm theo hướng này, chất lượng cán bộ sẽ tốt hơn. Chẳng hạn, khi chúng ta cần 1 cảnh sát kinh tế có hiểu biết về độ bền công trình thì tốt nhất là chọn sinh viên đã tốt nghiệp Khoa Công trình của Đại học Xây dựng và cho học thêm về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, khi làm Trưởng khoa Cảnh sát kinh tế, nhận thấy việc học về kế toán, kiểm toán là yêu cầu không thể thiếu đối với chuyên ngành này nên chúng tôi đã phối hợp với Học viện Tài chính đào tạo 360 giờ về kế toán và kiểm toán đối với sinh viên Cảnh sát kinh tế. Khóa đầu tiên đi thực tập tốt nghiệp, các địa phương đều đánh giá cao.

Với các lĩnh vực khác như đấu thầu, giải quyết tranh chấp dân sự... nếu có điều kiện được học tăng cường thì sẽ tốt hơn, nhưng do hạn chế về khung thời gian nên hiện nay nhà trường chủ yếu khuyến khích các em tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, bên cạnh tuyển sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, vẫn cần phải tuyển học sinh phổ thông vì việc đan xen giữa nhiều thế hệ sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt trong việc đào tạo đội ngũ kế cận.

PV: Một trong những chính sách đặc thù trong tuyển sinh của các trường Công an, Quân đội là gắn tuyển sinh với tuyển dụng. Theo Thiếu tướng, chính sách này nên tiếp tục duy trì hay cần có những điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới?

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất: Tôi cho rằng cần phải thay đổi. Các trường đại học, trường phổ thông sẽ hoạt động như một doanh nghiệp đặc biệt. Cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo, người tốt nghiệp ra trường nếu có năng lực tốt, các chủ lao động sẽ nhận ngay với mức lương đáp ứng được nhu cầu. Kể cả các trường Công an và Quân đội cũng hãy thay đổi theo xu hướng các nước tiên tiến, mở đầu vào, siết đầu ra.

Đơn cử như tại Trung Quốc, học viên tốt nghiệp Cảnh sát xong phải thi tuyển, bao giờ đỗ mới có việc làm. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng phải thay đổi tư duy, không nhất nhất phải vào đại học. Giữa tốt nghiệp đại học để không có việc làm và học nghề để có cuộc sống tốt hơn, cần phải lựa chọn tỉnh táo.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

.

Nguồn: Huyền Thanh/Báo CAND

.