Phóng sự

Bí ẩn những 'hố tử thần' nuốt trọn nhà dân

15:30, 11/07/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Ngày 1-7-2019, một vụ sụt lún nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Hòa Lạc, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) khiến một ngôi nhà 2 tầng bị đổ và nhiều ngôi nhà khác rạn nứt. Điều quan trọng đây không phải vụ sụt lún đầu tiên xảy ra tại địa bàn huyện này. Trước đó đã có hàng loạt vụ "hố tử thần" nuốt chửng nhà dân.
 
Sự việc này đã gây tâm lý hoang mang và khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Tuy nhiên, nguyên nhân do đâu dẫn đến hiện tượng sụt lún nguy hiểm này vẫn là một ẩn số không chỉ đối với người dân mà còn của các cơ quan chức năng.
 
Bỗng dưng… mất nhà
 
Đến thôn Hòa Lạc những ngày này mới cảm nhận rõ tâm lý bất an của người dân nơi đây. Bởi vài ngày trước đó, trên địa bàn thôn lại tiếp tục xuất hiện "hố tử thần" khiến một căn nhà 2 tầng với diện tích 110 mét vuông cùng một đoạn đường dài hơn chục mét bị phá hủy. Hiện tượng sụt lún xảy ra vào khoảng 18h30 ngày 1-7-2019, đã phá ủy căn nhà 2 tầng của anh Vũ Văn Hòa. 
 
Theo người dân sinh sống ở đây cho biết vào thời điểm xảy ra sụt lún họ nghe thấy nhiều tiếng động lớn do đứt gãy các mảng kết cấu bê tông, hàng rào, khu vực căn nhà, đường đi xung quang cùng các hộ lân cận rung chuyển. Sau đó bất ngờ căn nhà anh Hòa bị sụt nghiêng về góc hướng tây khoảng hơn 10 độ, sâu khoảng 50 cm. Từ thời gian đó, căn nhà tiếp tục sụt lún dần với tốc độ chậm cho đến tận sáng hôm sau.
Cơ quan chức năng phải treo biển cảnh báo người dân.
Cơ quan chức năng phải treo biển cảnh báo người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm hiện tại, "hố tử thần" này có miệng hình elip với chiều dài khoảng 25m, rộng từ 18 đến 20m, hố sâu khoảng 4m nên nuốt trọn tầng 1 căn nhà của anh Hòa. Vì diện tích lớn, địa điểm xảy ra ngay khu vực đông cư dân sinh sống nên vụ sụt lún đã phá hủy đoạn đường dài khoảng 11m, các căn nhà của hộ dân lân cận bị nứt dài, nghiêng khoảng gần 10 độ. 
 
Thời điểm xảy ra vụ sụt lún, trong nhà anh Hòa có mẹ già ngoài 70 tuổi cùng 2 con nhỏ. Nhưng rất may, vụ sụt lún xảy ra chậm, nên khi nghe tiếng động đứt gãy của bê tông, người bà cùng hai cháu nhỏ đã kịp thời di chuyển ra phía ngoài. 
 
Mặc dù may mắn không bị thiệt hại về người nhưng thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới hàng tỉ đồng. Anh Hòa cho biết ngôi nhà của gia đình anh xây cách đây 2 năm. Ngôi nhà được thi công rất chắc chắn, thế nên ngay cả khi xảy ra vụ sụt lún thì trên 4 bức tường cũng không hề có vết dạn nứt hay đứt gãy nào.
 
Ngay sát ngôi nhà bị sụt lún là ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Tải. Quan sát bằng mắt thường sẽ thấy ngôi nhà của ông Tải đang có rất nhiều vết nức dọc, hiện gia đình ông đang phải dùng cọc để chống đỡ tạm thời. 
 
Hai hộ dân khác liền kề cũng bị ảnh hưởng. "Đây đã là vụ sụt lún thứ 4 tại thôn này, hố này còn nhỏ, chứ trước đây đã có hố nuốt trôi một bụi tre, hố đó sâu cả hơn 20m. Sau khi bị sụt, người dân còn không nhìn thấy ngọn tre đâu" - Ông Tải cho biết.
 
Ngay sau khi xảy ra sụt lún, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo UBND xã An Tiến huy động lực lượng kịp thời phong tỏa hiện trường, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tổ chức di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng thường trực 24/24h tiếp tục theo dõi sự cố sụt lún. 
 
Bên cạnh đó, UBND xã An Tiến cũng tổ chức sơ tán người và tài sản của một số hộ liền kề, tránh các tình huống xấu tiếp tục xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã để nhân dân biết, phòng tránh những tình huống xấu do hiện trường sụt lún gây nên.
Ngôi nhà kiên cố gần như bị nuốt chửng tầng 1.
Ngôi nhà kiên cố gần như bị nuốt chửng tầng 1.
Liên tiếp xảy ra hiện tượng sụt lún nhưng chưa rõ nguyên nhân
 
Được biết, từ vài năm trước đây, tại huyện Mỹ Đức đã xuất hiện sụt lún ở một số khu vực. Cụ thể, vào ngày 1-5-2018, tại địa điểm ven sông Mỹ Hà thuộc thôn Ải, xã Hợp Thanh, đã xảy ra sụt lún rất nghiêm trọng. Hậu quả làm 4 căn nhà cấp 4 và 1 căn nhà 2 tầng đang xây dở bị sập.
 
Mặc dù sự việc đã xảy ra hơn 1 năm nhưng khi kể lại bà Nguyễn Thị Mùa vẫn còn cảm thấy hoang mang: "Thời gian xảy ra sự việc vào khoảng 18 giờ, sàn nhà tôi phồng lên khiến chúng tôi tưởng bị động đất. Lúc đó tôi đang trong nhà thì thấy các mạch bê tông, sàn nhà nứt như quả dưa bở rồi nổ. Tôi hoảng loạn chạy ra ngoài thì đã thấy nhà bên cạnh gần như bị cuốn trôi ra sông rồi. May mắn không có ai bị làm sao, của cải mất thì còn làm lại được".
 
Anh Chu Văn Tuấn (27 tuổi) chủ nhân của một trong những ngôi nhà bị sụt lở nghiêm trọng không giấu được vẻ đau khổ kể: "Chiều tối 1 - 5, tôi đang bế con gái chưa đầy 1 tháng tuổi trên tay thì bỗng nghe tiếng lách tách. Ban đầu tôi không hiểu đó âm thanh gì và phát ra từ đâu, tôi bế con đi quanh nhà để quan sát thì hốt hoảng khi phát hiện tường nhà mình đang bị nứt ra, nền nhà phồng lên. Lúc đó tôi chỉ biết hét thật lớn gọi vợ con chạy ra ngoài. Chỉ vài phút sau nhà tôi nghiêng hẳn và rồi đổ sập mất một phần phía ngoài. Cũng may lúc đó còn đang sớm, chứ nếu là đêm thì không biết vợ chồng và hai con của tôi sẽ như thế nào".
 
Đã hơn 1 năm kể từ ngày xảy ra sự cố ấy hiện vợ chồng anh Tuấn vẫn đang phải ở nhờ nhà vợ. Không chỉ vậy mà vợ chồng anh còn đang phải đối mặt với cảnh vừa mất nhà vừa nợ nần chồng chất. 
 
Theo lời anh Tuấn chia sẻ thì vợ chồng anh mới cưới nhau được 3 năm, tích cóp mãi mới được một chút tiền rồi vay mượn người thân để xây nhà. Ngôi nhà mới xây xong cuối năm 2017, vợ chồng và các con của anh mới chuyển đến nhà mới được chừng nửa năm thì xảy ra sự cố.
Sau khi xảy ra sự cố, nhiều người dân đã được đưa đi sơ tán.
Sau khi xảy ra sự cố, nhiều người dân đã được đưa đi sơ tán.
Không may mắn như vợ chồng anh Tuấn là có thể đến ở nhờ nhà ông bà ngoại, 6 mẹ con chị Chu Thị Nghiệm (43 tuổi) đã phải thuê một ngôi nhà nhỏ của một người cùng thôn để ở tạm. Trò chuyện với chúng tôi chị Nghiệm không giấu được những giọt nước mắt. 
 
Chị bảo: "Nhà tôi tuy không to bằng nhà của mấy người hàng xóm nhưng lại bán tạp hóa và đồ nhựa. Thế nên khi nhà bị sụt, nhiều đồ nhựa bị gẫy dập, nếu không thì cũng bị vùi lấp hết rồi. Vốn liếng của cả hai vợ chồng đổ cả vào đó, giờ mất sạch chẳng biết phải làm sao nữa".
 
Trước đó, vào năm 2016 trên địa bàn xã An Tiến cũng đã xảy ra một vụ sụt lún có đường kính 14m và chiều sâu 11.3m. Do hố sụt xảy ra giữa con đường độc đạo vào trong xóm có 11 hộ dân đang sinh sống nên chính quyền địa phương đã mở một lối đi "dã chiến" tạm thời cho nhân dân. Thiệt hại nặng nhất của vụ sụt lún này là gia đình ông Nguyễn Văn Bắc và bà Nguyễn Thị Sợi. Toàn bộ phần sân, cổng, tường bao quanh đã bị "hố tử thần"… nuốt chửng. 
 
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã An Tiến khi đó thì gia đình ông Nguyễn Văn Bắc bị "nuốt" mất hai trụ cổng, hai cánh cửa sắt, đoạn tường bao dài 15m, cao 1,8m và sân khoảng 30m2. Gia đình bà Nguyễn Thị Sợi bị mất công trình phụ 55m2. Ngoài ra, gia đình ông Vũ Văn Học cũng mất một công trình phụ 30m2, nhà kiên cố bị nứt bờ tường hậu dài 3m.
 
Hiện tượng sụt lún liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện Mỹ Đức, tuy nhiên đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được đáp án chính xác. Điều này gây tâm lý hoang mang cho người dân sống trong khu vực. 
 
Ông Nguyễn Văn Tải bức xúc chia sẻ: "Sự việc xảy ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào phân tích được nguyên nhân vì sao khiến chúng tôi luôn phải sống trong tâm lý bất an. Ai mà biết được đến một ngày không xa ngôi nhà của mình sẽ bị "hố tử thần" nuốt chửng. Nếu nó xảy ra ban ngày thì còn biết đường mà chạy chứ ban đêm thì có khi "chết chùm". 
 
Vì vậy chúng tôi đề nghị các cơ quan ban ngành cần nhanh chóng vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân để chúng tôi còn biết đường phòng tránh".
TS Vũ Văn Chinh, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Hiện tượng sụt lún ở Mỹ Đức, Hà Nội, mà người dân gọi là "hố tử thần" xảy ra do sự biến động về địa chất, là một hiện tượng tự nhiên. Trước đây, ở Quốc Oai cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự. 
 
Huyện Mỹ Đức nằm trong vùng địa chất đá vôi, có nhiều hang hốc, trong đó có những hang ngầm karst. Hang ngầm karst được hình thành trong quá trình đá vôi bị hòa tan do nước chảy vào qua các vết nứt hay đứt gãy. 
 
Trong quá trình vận động địa chất, hang được trầm tích đệ tứ bao phủ kín. Khi có sự biến động gây mất cân bằng, như ở Quốc Oai là do việc khoan giếng gây mất nước, trầm tích sụt xuống, tạo phần trống, gây nên những hố sụt. 
 
Còn ở Mỹ Đức tôi chưa nắm được nguyên nhân gây mất cân bằng. Với hiện tượng này, cần có sự tổ chức nghiên cứu để đưa ra những khuyến cáo cho người dân về việc di chuyển, phòng tránh... 
 
Bên cạnh đó, cần giải thích để người dân hiểu rằng đây là hiện tượng thường thấy của tự nhiên, không phải một hiện tượng tâm linh hay điềm báo gì cả.

Nguồn: Phong Anh/CAND

Các tin khác