Gia đình xã hội
Thêm một chuyến trở về...
(Congannghean.vn)-Họ đã chọn lựa hiến dâng thay vì vị kỷ cho bản thân, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để phụng sự cho tâm nguyện hòa bình, tình gắn kết. Và rồi, chiến tranh bao giờ cũng vậy, khốc liệt, dữ dội và tàn phá, để mãi giờ, các anh vẫn chưa thể về với đất Mẹ thân yêu.
Đội Quy tập thực hiện nhiệm vụ tại nước bạn Lào |
Chúng tôi gặp Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Đội trưởng Đội Quy tập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An khi các anh vừa họp bàn tổng kết kết quả, kinh nghiệm đợt quy tập mùa khô 2018 - 2019. Hơn 7 tháng trầm mình trong rừng sâu để tìm kiếm, nhiều lúc khó khăn bộn bề, các anh lại tự nhủ: Mình phải cố gắng và nỗ lực lên, ở quê nhà, hàng trăm gia đình đang ngóng trông từng giờ, từng phút.
Đã bao năm nay, những con đường, cánh rừng tại 3 tỉnh nước bạn Lào đã quen bước chân các anh. Đằng đẵng suốt hàng chục năm qua, các anh chẳng thể nào nhớ nổi đã vượt bao nhiêu con suối, băng bao nhiêu khu rừng, cánh đồng, hay đào xới bao nhiêu mét khối đất… để tìm kiếm hàng nghìn bộ hài cốt liệt sĩ.
Chia sẻ về công việc của Đội, Thượng tá Nguyễn Văn Nam cho biết: Cấp ủy, chỉ huy đơn vị xác định nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào về nước là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Vì thế, chúng tôi phải xây dựng kế hoạch sát với thực tế, phân từng mũi, từng hướng và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí chủ động bám dân, bám bản, bám làng. Ngoài ra, đơn vị cũng làm tốt công tác tuyên truyền, công tác dân vận, nắm bắt thông tin chính xác để phối hợp với cấp ủy địa phương và già làng, trưởng bản làm tốt công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ.
Đội Quy tập Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An được Ban công tác đặc biệt các cấp (nay là Ban chỉ đạo 515) giao nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện, Chuyên gia Việt Nam hy sinh trên địa bàn 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xây Xổm Bun, nước bạn Lào đưa về nước. Việc tìm kiếm, cất bốc và đưa về nước các hài cốt liệt sĩ còn nằm lại trên nước bạn Lào vừa là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta; vừa là nguyện vọng thiết tha của toàn dân và toàn quân; là nỗi khát khao mong chờ của những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và đồng chí, đồng đội… Đồng thời thể hiện sự tri ân của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng vì nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Những năm qua, xác định nhiệm vụ tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa bàn rộng, địa hình rừng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, xa khu dân cư sinh sống, sự nguy hiểm luôn rình rập, các phần mộ liệt sĩ còn lại nằm phân tán, rải rác ở các vùng sâu, vùng xa... Vì vậy, đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của Ban chỉ đạo 515 các cấp, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn gian khổ, nguy hiểm, làm tốt công tác dân vận, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lào.
Với phương châm 4 cùng ''Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc'', "giúp bạn là tự giúp mình", các CBCS đã hòa nhập, hiểu về phong tục tập quán, nắm chắc về tình hình an ninh chính trị của từng địa bàn. Đồng thời, mọi người còn tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ giúp đỡ nhân dân các bản, cụm bản nơi địa bàn đóng quân về công tác vệ sinh môi trường, thăm khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết khí hậu từng vùng miền. Hay như phối hợp với các trung tâm bồi dưỡng chính trị tỉnh bạn, huyện bạn mở các lớp dạy tiếng Việt, hướng dẫn dân quân các bản, tập huấn bồi dưỡng cán bộ cơ sở của bạn về nghiệp vụ kinh tế, quốc phòng, đào tạo các lớp y tá thôn, bản; giúp một số huyện bạn xây dựng bản điểm về phát triển kinh tế - xã hội, huấn luyện quân sự. Đồng thời, tham mưu xây dựng lực lượng tự vệ của cơ quan cấp tỉnh, dân quân các bản, làm đường đi lại, tu sửa trường học, nhà làm việc, nhà kho vũ khí...
Những kết quả trên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân nước bạn ổn định cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn, tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc Việt - Lào nói chung, Nghệ An với Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xây Xổm Bun nói riêng.
Theo đó, từ năm 1984 đến mùa khô 2017 - 2018, đơn vị đã quy tập được trên 12.000 hài cốt liệt sĩ (trong đó có tên và quê quán trên 1.600 hài cốt liệt sĩ); trong đó quy tập tại Nghĩa trang Anh Sơn 10.606 hài cốt liệt sĩ, Nghĩa trang Đô Lương - Nghĩa trang Nghi Lộc trên 1.400 liệt sĩ. Số hài cốt liệt sĩ có tên được bàn giao cho các địa phương là 908 hài cốt liệt sĩ. Theo thông tin bạn cung cấp và sơ đồ các đơn vị bàn giao, trên địa bàn 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xây Xổm Bun còn khoảng 318 hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, số hài cốt liệt sĩ cần phải tiếp tục tìm kiếm, quy tập vì các địa phương của bạn và đơn vị vẫn chưa đánh giá thống kê một cách đầy đủ, chính xác. Mùa khô 2018 - 2019 thực hiện nhiệm vụ cho đến nay, toàn Đội đã quy tập được trên 95% kế hoạch.
“Một bộ hài cốt được đưa về quê hương trong sự nâng niu, giúp đỡ của anh em nước bạn Lào là một tình cảm bao la, thiêng liêng. Mỗi người chìa ra một cánh tay, mỗi người góp vào một tấm lòng mà Đội hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng”, Thượng tá Nguyễn Văn Nam chia sẻ. Mỗi chuyến đi, khi gặp được các bậc cha chú mình đang nằm ở đó, mỗi cán bộ trong Đội Quy tập lại rưng rưng nước mắt. Và mỗi lần tìm gặp, mọi người như được “truyền lửa”, thêm sức mạnh để khắc phục, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng.
Trong chặng đường vất vả và khó khăn đó, đã có những trường hợp giúp tìm được hàng chục mộ liệt sĩ nhưng mộ cha và ông mình thì không tìm được. Lại có người đi tìm đồng đội mải miết mấy chục năm, khi mất đi vẫn chưa thỏa nguyện… Bởi trên những hành trình ấy là sự trả giá không chỉ công sức, nước mắt mà còn cả rất nhiều tâm huyết, trách nhiệm. Và không phải ai cũng may mắn tìm được phần mộ liệt sĩ. Tâm nguyện được đưa các anh về với quê hương, dòng tộc vẫn cứ khắc khoải mãi.
“... Hơn ba mươi năm nay đón các anh về
Giữa dòng người lặng lẽ
Rừng xôn xao - người nước mắt dâng trào
Tạm biệt các bản Lào
Các anh về với lòng đất mẹ
Cho Tổ quốc ở bên anh
Cho mẹ già vơi nỗi nhớ
Các anh ơi - xin đón các anh về…”.
Mai Hậu