Phóng sự
Lời sám hối của kẻ giết người được tha tội chết
Bị kết án tử hình, Mão thầm nghĩ đó cũng là cái giá phải trả cho hành vi tàn ác của mình nên suốt thời gian trong phòng tử tù, lúc nào anh ta cũng cầu nguyện, sám hối. Ba năm sau, số phận đã mỉm cười với anh ta khi được Chủ tịch nước ân xá tha tội chết nhưng trong lòng không khỏi day dứt mỗi khi nghĩ tới người thân của mình.
Chỉ vì mâu thuẫn nảy sinh trong lúc chở khách sang sông, Phạm Văn Mão đã cầm dao đâm chết người đàn ông này rồi vùi xác xuống đám đất bồi giữa dòng sông. Tội ác cuối cùng vẫn bị lộ tẩy.
Bị kết án tử hình, Mão thầm nghĩ đó cũng là cái giá phải trả cho hành vi tàn ác của mình nên suốt thời gian trong phòng tử tù, lúc nào anh ta cũng cầu nguyện, sám hối. Ba năm sau, số phận đã mỉm cười với anh ta khi được Chủ tịch nước ân xá tha tội chết nhưng trong lòng không khỏi day dứt mỗi khi nghĩ tới người thân của mình.
Đánh chết người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ
Sinh năm 1987, ở xã Liên Hoà, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), học hết lớp 9, Mão ở nhà phụ gia đình việc chở đò đưa khách qua sông Phó Đáy tại bến đò của gia đình ở Làng Bến, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch. Chiều muộn ngày 25-8-2007, anh Phan Văn Thu, sinh năm 1973, trú tại thị trấn Hợp Hoà, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) sau khi đi mua nứa tép ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch đã quay về bến đò Làng Bến, nhờ Mão chở qua sông.
Phạm nhân Phạm Văn Mão đang lao động ở đội may mặc. |
Khi đò cập bến Nội Điện thuộc địa phận thôn Nội Điện, xã An Hoà, huyện Tam Dương, xe máy của anh Thu bị đổ và vỡ yếm nên giữa Mão và anh Thu xảy ra cãi nhau, dẫn tới xô xát.
Trong lúc đánh nhau, anh Thu dùng dao nhọn đâm một nhát vào mu bàn tay Mão khiến thanh niên này không kìm chế được giận dữ, chạy lấy con dao bầu có sẵn trên thuyền đâm trả. Anh Thu thiệt mạng. Mão vùi xác nạn nhân xuống bãi cát nổi giữa sông rồi lấy tài sản của người đàn ông này đem đi tẩu tán.
Việc làm của Mão có mẹ anh ta, anh rể và em trai biết chuyện. Mão nói với mẹ rằng đã trả thù được người đánh bố mình khiến bà Hằng (mẹ Mão) tưởng thật, không hỏi gì thêm. Người biết đầu đuôi sự việc chính là Bắc, anh rể của Mão và cũng là người sốt sắng nhất trong việc giấu giếm tội lỗi cho em vợ.
Bắc đã sửa sang lại chiếc xe máy của anh Thu sau đó mang lên Lạng Sơn bán cho một người đàn ông Trung Quốc ở cửa khẩu Tân Thanh. Sau khi giúp em vợ che giấu tội ác tày trời, có lẽ vì ám ảnh nên Bắc đã bỏ làng vào Bình Dương làm ăn.
Ba năm sau, xác anh Thu được một số công nhân trong lúc khai thác cát trên sông Phó Đáy tình cờ phát hiện ra. Quá trình điều tra, công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tìm ra kẻ giết anh Thu chính là Phạm Văn Mão.
Ngày 22-4-2011, Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tuyên phạt Phạm Văn Mão mức án cao nhất về các tội giết người, cướp tài sản. Anh rể của Mão cũng bị kết án 2 năm tù về tội che giấu tội phạm và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Riêng em trai Mão, thời điểm Mão gây án còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức được hết mức độ nghiêm trọng nên bị phạt 6 tháng án treo.
Những lời sám hối
Hỏi Mão có day dứt vì gia đình nạn nhân không, anh ta khẽ gật đầu: "Điều đó là đương nhiên rồi, bởi tại mình mà một gia đình tan nát, thiệt thòi nhất là những đứa trẻ phải sống trong cảnh mồ côi bố.
Lương tâm tôi sẽ không bao giờ thanh thản, nhưng cứ nghĩ đến anh rể, em trai, tôi lại day dứt. Họ đã vì tôi mà trở thành tội phạm, dù rằng không phải đi tù như tôi nhưng sống trong cảnh ì xèo của dân làng thật chẳng sung sướng chút nào, nhất là mẹ tôi".
Cũng phải thôi, bởi mẹ Mão đã già nhưng giá như khi nghe con trai kể về tội ác của mình, bà đi trình báo thì người xấu số đã không nằm dưới lòng sông tới mấy năm trời. Hẳn là mẹ của phạm nhân này cũng như anh ta, lúc nào cũng sống trong cảm giác tội lỗi.
Nhắc lại chuyện cũ, Mão kể rằng gần một năm ở trại tạm giam, nghe mọi người bàn luận về mức án dành cho mình, Mão cũng mường tượng được rằng án phạt của mình sẽ rất cao. Dẫu vậy, khi nghe tòa tuyên án tử hình, Mão vẫn không tin nổi đó là sự thật.
Mão làm đơn kháng án, bịa ra tình tiết nạn nhân gây sự trước hòng nhẹ tội cho mình, nhưng không được. Sau hai phiên xét xử, mức án không thay đổi, Mão đã thực sự tuyệt vọng nhưng vẫn nghĩ biết đâu đấy số phận lại cho anh ta cơ hội làm lại.
Anh ta bảo khi vào buồng biệt giam, một mình với 4 bức tường xám xịt, đã có lúc Mão tưởng phát điên. Hình ảnh nạn nhân thi thoảng lại hiện về khiến Mão lạnh toát người vì sợ.
"Một mình tôi một buồng giam, lúc nào mệt quá thì gục xuống ngủ còn thức là tôi cứ phải gọi vóng sang buồng bên cạnh, hỏi chuyện cho có tiếng người. Cảm giác một ngày ở trong đó thật dài và lạnh. Tính từ lúc lĩnh án tử hình đến khi được "xuống xiềng" (giảm án xuống tù chung thân), tôi đã sống trong phòng biệt giam được 2 năm tròn.
Về trại cải tạo này cũng gần 6 năm rồi mà nhiều lúc tôi cảm giác như mới hôm qua", Mão kể. Với anh ta, đi lao động sẽ khiến người ta cảm thấy thời gian trôi nhanh chứ "ở trong buồng tử tù thì mong mãi mới thấy sáng mà đợi mãi mới thấy chiều còn đêm thì chẳng tử tù nào muốn vì dài lê thê và hồi hộp".
Mão bảo rằng khi cầm chắc cái chết trong tay, anh ta mới có thời gian để nghĩ lại những việc đã qua. Mão nhớ lại thời thơ ấu, nhớ những lần bị cha mẹ quở trách, nhớ cả những lần trộm tiền của cha mẹ đi đánh bạc rồi bị bắt,…
Mão nhớ tất và sau cùng và trên hết, ý nghĩ của anh ta lại dừng ở cái đêm đã đoạt mạng sống của người đàn ông vô tội. Hai mươi tuổi đã thành kẻ giết người, ba năm sau thì lĩnh án tử, Mão còn trẻ lắm để hiểu thấu đáo về cuộc đời. Nhưng khi một mình trong buồng biệt giam, đối diện với lòng mình, đối diện với sự thật rằng có thể đi "trả án" bất cứ lúc nào thì Mão đã nghĩ tới chuyện sám hối.
Anh ta muốn được giải thoát để không còn vướng bận, nhưng thi thoảng lại ông ổng gọi với sang buồng bên để gợi chuyện, Mão đã cầu nguyện, đã khấn tên người chết, cầu xin sự thứ tha. Nhưng rồi anh ta lại có cơ hội sống tiếp.
Phạm nhân Phạm Văn Mão. |
Ngày 20-3-2013 là ngày Mão không thể nào quên bởi đó chính là ngày anh ta được sinh ra thêm một lần nữa. Đơn xin tha tội chết của Mão được Chủ tịch nước chấp thuận. Trở thành phạm nhân thụ án chung thân, ngày 3-5-2013, Mão về Trại giam Quyết Tiến cải tạo.
Khi mọi lo sợ đã không còn và trước mắt chỉ là những ngày dài cải tạo thì Mão bắt đầu nghĩ tới gia đình. Mão thương mẹ, thân già vẫn chưa được sống vui vẻ bên con cháu. Mão thương người vợ tần tảo, giờ phải đơn độc một mình làm lụng nuôi con và đi thăm chồng.
Tội nghiệp nhất là con gái Mão, không biết sau này tương lai sẽ ra sao khi mang tiếng là con gái kẻ giết người. Mão bảo giá như lúc nóng giận mà nghĩ được rằng việc làm của mình để lại hậu quả là người thân phải gánh chịu thì chuyện tồi tệ đã không xảy ra.
Vâng. "Giá như" là hai từ không chỉ kẻ thoát án tử hình Phạm Văn Mão thốt lên mà hầu như phạm nhân nào mà tôi từng tiếp xúc, khi bày tỏ sự ân hận, nuối tiếc đều nhắc đến. Cũng có người tránh nói đến hai chữ này vì biết không thể quay ngược thời gian, nhưng tất cả đều có chung một tâm trạng tiếc nuối. Dường như đến lúc đó, họ mới thấy tiếc những ngày tháng tự do, dẫu rằng công cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn, vất vả.
Nguồn: CSTC/Báo CAND