Phóng sự

Khó khăn trong đấu tranh với hành vi gian lận kinh doanh xăng dầu

14:37, 24/06/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Hơn 10 năm về trước, trên địa bàn Nghệ An, cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Từ đó đến nay, Nghệ An nói riêng và tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung, tình trạng kinh doanh xăng dầu “bẩn” vẫn tiếp diễn với nhiều chiêu thức tinh vi đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan chức năng.
 
Gian lận tinh vi
 
Năm 2008, Nghệ An phát hiện và xử lý nhiều cơ sở lắp mạch đo lường phụ chạy song song với mạch đo lường chính, sử dụng công tắc chuyển mạch để điều chỉnh sai số có lợi cho người bán. Từ hành vi này, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra 145 cơ sở kinh doanh xăng dầu, phát hiện và xử lý 32 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 315 triệu đồng; 36 cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận kiểm định, 45 phương tiện đo lường buộc phải kiểm định lại.
 
Năm 2014, Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước phát hiện và xử lý nghiêm hành vi gian lận của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bằng cách tác động hoặc thay thế IC chương trình nhằm điều chỉnh sai số phương tiện đo vượt quá mức cho phép. Thanh tra 51 cơ sở kinh doanh xăng dầu, cơ quan chức năng phát hiện 23 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính gần 1,4 tỉ đồng. Liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán IC nhằm gian lận trong kinh doanh xăng dầu này, có 8 đối tượng bị xử lý hình sự, phải xộ khám vì hành vi của mình gây ra. Tháng 10/2017, hành vi kinh doanh xăng dầu “bẩn” tiếp tục bị phanh phui khi Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Sở KH&CN phá Chuyên án X917-XD, thu giữ 42.000 lít dung môi, 22.000 lít xăng đã được pha chế và 3 lọ chất tạo màu. Đoàn tiến hành lấy 12 mẫu đưa đi kiểm nghiệm thì kết quả cho thấy 11 mẫu không đạt chất lượng, chỉ tiêu không đạt là chỉ số octan. Mới đây nhất, vào tháng 4/2019, UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 232 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu Bình Trinh tại huyện Nghĩa Đàn về hành vi bán xăng E5 có hàm lượng Etanol thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, cơ sở này còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu thời hạn 1 tháng.
Lực lượng quản lý thị trường Nghệ An kiểm tra mẫu xăng  tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn
Lực lượng quản lý thị trường Nghệ An kiểm tra mẫu xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn

 Liên quan đến vấn đề này, sự kiện gây chấn động dư luận cả nước trong những ngày vừa qua là việc Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá đường dây sản xuất, mua bán xăng giả của đại gia Trịnh Sướng ở tỉnh Sóc Trăng, với hành vi pha chế và tiêu thụ hàng triệu lít xăng “bẩn” mỗi ngày trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, các đối tượng đã thực hiện hành vi pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 23 bị can, tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại; trong đó có 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả và nhiều tang vật có liên quan. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2017 đến nay, mỗi tháng đường dây này đưa ra thị trường khoảng 6 triệu lít xăng dầu giả để tiêu thụ tại nhiều thị trường trong cả nước, trong đó có Nghệ An.

Khó khăn trong đấu tranh, xử lý
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chánh Thanh tra Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cho biết: Thủ đoạn gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Các hành vi gian lận chủ yếu về đo lường và chất lượng xăng dầu bán ra thị trường. Từ lúc phát hiện có dấu hiệu hành vi đến thời điểm tiến hành bắt giữ mất rất nhiều thời gian, huy động nhiều lực lượng như Công an, quản lý thị trường, thanh tra Sở KH&CN… Theo ông Hà, trước đây, hành vi này chủ yếu chỉ sử dụng hình thức kẹp chì để điều chỉnh sai số trên cột bơm. Sau đó, việc bán buôn gian lận này tinh vi hơn khi sử dụng các mạch đo lường phụ, song song với mạch chính, điều chỉnh bằng công tắc thủ công được giấu kín. Tiếp đó là hành vi sử dụng IC chương trình giả, điều chỉnh bằng các mật khẩu bí mật để thực hiện các hành vi gian lận khi đo lường xăng bán cho người tiêu dùng. Sau khi đường dây buôn bán xăng kém chất lượng của đại gia Trịnh Sướng bị phanh phui, thêm hình thức vô cùng tinh vi khác bị vạch trần là pha thêm chất kích RON, chất tạo màu nên người dân rất khó phát hiện ra đó là xăng giả.
 
Bà Thái Thị Hồng Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất  lượng (Sở KH&CN) cũng cho rằng, các thủ đoạn gian lận lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp. Bà Liên cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An có 2 doanh nghiệp đầu mối, 6 doanh nghiệp phân phối, 675 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trong những năm qua, Nghệ An được đánh giá là địa phương đi đầu của cả nước phát hiện và bắt quả tang nhiều thủ đoạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Kết quả này cũng phản ánh thực tế là các cơ quan chức năng của Nghệ An đã luôn sâu sát, phát hiện sớm các kiểu gian lận để thanh tra, xử lý nghiêm túc trong bối cảnh hiện nay, gian lận đo lường về xăng dầu là hiện tượng phổ biến cả nước. 
 
Đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm, đối với hành vi sản xuất và tiêu thụ xăng giả, muốn bắt và xử lý hình sự phải bắt được quả tang, còn bắt trên đường vận chuyển thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng. Do đó, để đấu tranh với hành vi này, cơ quan Công an phải lập chuyên án đấu tranh, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, cần sự phối hợp rất tốt của ngành KH-CN trong giám định chất lượng xăng và quản lý thị trường để bắt quả tang khi đối tượng phối trộn. Từ đó mới mở rộng, kiểm tra sổ sách giấy tờ việc mua bán hóa chất, xăng để có cơ sở đấu tranh, xử lý theo hướng pháp luật hình sự.  
 
Hành vi gian lận, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, ngoài việc các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu thu lợi bất chính một số tiền không nhỏ trong thời gian dài, còn gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, kéo theo nhiều hậu quả nặng nề khác về sự an toàn của phương tiện, ô nhiễm môi trường… Chính vì vậy, để đấu tranh, ngăn chặn với hành vi cũng như loại tội phạm này, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương. Trong đó, vai trò nòng cốt là Sở Công thương, cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu và Sở KH&CN, là cơ quan giám sát đo lường, chất lượng xăng dầu.

THIỆN THÀNH

Các tin khác