Thứ Hai, 20/05/2019, 08:01 [GMT+7]

Tác nghiệp giữa đại ngàn Pù Canh

(Congannghean.vn)-Ai đó thường nói “Một trận mưa rào cũng chẳng làm biển dâng thêm bao nhiêu” nhưng đối với chúng tôi (những thành viên trong tổ công tác vây bắt tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm Lô Văn Tuấn) thì một trận mưa rào đã khiến cho sự khó khăn tăng thêm gấp bội… Đêm trên đỉnh Pù Canh, các chiến sỹ đã nếm đủ mùi của cái lạnh, của gió, của muỗi rừng và cả sự nguy hiểm luôn luôn rình rập... Đó là một trải nghiệm thú vị mà tôi không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của mình...

Lô Văn Tuấn giữa  “gọng kìm” của các trinh sát Công an Nghệ An
Lô Văn Tuấn giữa “gọng kìm” của các trinh sát Công an Nghệ An

Gian nan theo dấu  “ông trùm”

Lô Văn Tuấn (SN 1953) trú tại bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, là “trùm” ma tuý trên đất Nghệ An và là thủ lĩnh của các “trùm” ma tuý dọc Quốc lộ 7A. Từng 17 năm làm Trưởng bản Xốp Mạt nên Tuấn có rất nhiều đầu mối mua bán ma túy ở vùng biên giới Việt - Lào. Hắn tham gia mua bán thuốc phiện, hêrôin từ năm 2001 và đã có 3 lệnh truy nã toàn quốc. Sau khi bị truy bắt ráo riết, hắn trốn vào rừng sâu; đầu tiên là ở khu vực C5 - Lượng Minh, sau tiếp tục len lỏi vào rừng để ẩn nấp. Tại các nơi ẩn náu, hắn tiếp tục thực hiện hành vi mua bán ma tuý với số lượng lớn. Vì vậy, Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy phải truy bắt Lô Văn Tuấn càng sớm càng tốt để góp phần ngăn chặn “cái chết trắng” nơi miền Tây xứ Nghệ. Tháng 9/2005, Đoàn công tác đặc biệt được thành lập để truy bắt Lô Văn Tuấn khi có nguồn tin hắn đang lẩn trốn giữa đại ngàn Pù Canh.

19 giờ ngày 14/9/2005, chúng tôi xuất phát từ thị trấn Hoà Bình để đến trung tâm xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Lượng Minh - cái tên đã quá nổi tiếng vì sự phức tạp của hoạt động tội phạm và tệ nạn ma tuý. Trời đổ mưa tầm tã cũng không ngăn nổi bước chân của các chiến sỹ Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma tuý Công an tỉnh Nghệ An.

22 giờ 30 phút, Trung tá Trần Sỹ Phàng, Phó Trưởng phòng dẫn đầu đội hình quyết tâm vượt đỉnh Pù Canh. Cuộc hành trình vây bắt tên tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm Lô Văn Tuấn bắt đầu. Những cơn mưa liên tục trong thời gian dài đã khiến lối mòn lên núi trơn như đổ mỡ. Rừng Pù Canh không còn nguyên sinh nhưng vẫn rậm rạp và hoang vu. Đi được một phần ba chặng đường, mọi việc dường như suôn sẻ. Cả đoàn ngồi nghỉ lấy sức và nói dăm ba câu chuyện phiếm, tưởng rằng đỉnh núi đã ở đâu đây.

Thế nhưng, độ dốc tăng dần lên, lối mòn hẹp lại và càng thêm trơn trượt. Những chiếc giày bata đã bất lực, bám được một tảng bùn thì nó lại tách ra khỏi lớp đất, khiến cho lối đi càng trơn hơn. Một số chiến sỹ vừa leo lên được vài bước thì bị trượt chân lùi mất vài mét. Cách duy nhất là bám vào các bụi cây để dò dẫm lên núi. Trớ trêu thay, những tầng cây thấp ấy hầu hết là cây có gai nên bàn tay của mọi người bị gai đâm lỗ chỗ. Cái khó ló cái khôn, các chiến sỹ bèn dùng áo mưa làm găng tay để chống lại sự dữ dằn của những cái gai nhỏ bé nhưng sắc nhọn.

Riêng tôi, là phóng viên lần đầu tác nghiệp được tham gia cùng lực lượng truy bắt tội phạm nên không “đề phòng”, chỉ mang theo đôi dép lê, còn lại là bao thứ máy móc lỉnh kỉnh. Đến nửa đường, tôi không còn phân biệt được sản phẩm đôi chân mình lồng vào làm bằng da hay bằng bùn đất. Đành phải để lại đôi dép “thân yêu” giữa rừng thẳm, hai bàn chân trần cố bấm vào vết chân người đi trước để thẳng tiến. Đôi lúc trượt bước lại có một chiến sỹ phía sau đỡ lấy, đẩy lên. Cứ thế, 7 thành viên trong tổ công tác đặc biệt nối gót, dìu dắt nhau nhích từng mét đường để vượt núi, băng rừng tìm bắt tên tội phạm ma tuý nguy hiểm đang ẩn náu giữa đại ngàn.

Cuộc vây bắt giữa đại ngàn

1 giờ ngày 15/9/2005, chúng tôi có mặt tại đỉnh Pù Canh. Cách chỗ chúng tôi dừng chân khoảng 30 phút đi bộ là nơi Lô Văn Tuấn đang ẩn náu. Theo nguồn tin của các trinh sát thì giờ này hắn đang chuẩn bị vác súng đi săn để kiếm cái ăn. Ngay lập tức, Trung tá Trần Sỹ Phàng lập kế hoạch tác chiến. Tôi vội bật đèn pin, tìm các vật dụng cần thiết để ghi lại những hình ảnh vô giá này. Ánh sáng vừa ló ra, anh Phàng lao đến, vặn đèn chúi xuống bùn, ánh đèn tắt ngấm; “Nhà báo muốn chúng ta về không à? Thằng này (chỉ tên Tuấn) nó nhạy lắm, không chủ quan được đâu”. Tôi giật mình, ân hận, chỉ mong sao cho ánh đèn lúc trước không phát sáng quá xa.

Sau khi sắp xếp chỗ mai phục cho các chiến sỹ trực tiếp tham gia trận đánh, anh quay lại phía tôi: “Nhà báo thông cảm nha. Tôi đưa anh đi phục”. Anh dẫn tôi cách xa lối mòn khoảng 10 mét và căn dặn tôi ngồi im đợi lúc nào nghe thấy tiếng hô là bật đèn lao lên để ghi hình. Nấp trong bụi rậm, tôi nghĩ miên man, nhưng lo nhất vẫn là sợ chiếc đèn 500W không hoạt động. Từ khi theo chân tôi vượt núi, nó đã được chạy thử lần nào đâu. Lỡ ra trong lúc trơn trượt… Tôi rùng mình không dám đuổi theo những suy nghĩ miên man đó.

Ngồi phục giữa đại ngàn sâu thẳm, các chiến sỹ đã phải nếm đủ mùi của mưa, của gió, của muỗi rừng và cả những mối nguy hiểm đang rình rập. Mọi người phải nằm im giữa bùn lạnh bởi một chuyển động rung cây cũng có thể lãnh đủ một chùm đạn ria của người dân đi săn. 45 phút trôi qua, tôi cảm thấy cánh tay đã phồng lên vì muỗi cắn. Ôm chiếc máy quay trong lòng, tôi mường tượng về trận đánh sắp xảy ra. Vỗ vỗ vào camera và máy ảnh, tôi tự trào: “Xong trận này cho mày dở chứng cũng được, bây giờ thì tao xin”.

1 giờ 50 phút, giữa không gian đen đặc của cánh rừng Pù Canh hiểm trở, bỗng xuất hiện tiếng chó sủa văng vẳng. Nhưng chỉ một lát sau, tiếng chó im bặt như có người an ủi, vỗ về. Các trinh sát sửa lại tư thế, nín thở đợi chờ. Rừng thẳm chỉ còn lại tiếng của côn trùng và tiếng rơi của những giọt mưa đọng lại trên khóm lá. Với tôi, không khí thật căng thẳng, tôi cảm thấy dường như cả không gian đang co lại, bó lấy bản thân mình…

20 phút sau, tiếng bước chân xuất hiện, xa xa rồi rõ dần. Đốm sáng từ điếu thuốc trên môi tên tội phạm mờ mờ dần hiện lên rõ nét. Đang thưởng thức vị ấm áp từ hơi thuốc, bỗng nhiên hắn nghe một tiếng hô, một tiếng súng và dồn dập những bước chân lao đến với tốc độ kinh hồn. Tôi bật công tắc, ánh đèn cao áp vụt sáng, chĩa ra phía lối mòn. Thì ra, ánh đèn của tôi vẫn không nhanh bằng bước chân của những trinh sát. Cách tôi chừng 5 mét, các chiến sỹ đang vật lộn để tước khẩu súng khỏi tay tên tội phạm. Hắn nằm đó, cố dãy dụa giữa những đôi tay như gọng kìm của anh Hùng, anh Cường, anh Dương, anh Thái… Sau một hồi lồng lộn, như con thú sập bẫy, Lô Văn Tuấn đành chịu thúc thủ.

Đối tượng Lô Văn Tuấn cùng tang vật (mìn, dao quắm...)
Đối tượng Lô Văn Tuấn cùng tang vật (mìn, dao quắm...)

Khám người hắn, các chiến sỹ đã thu được một số đạn súng Săm lét tự chế, một dao nhọn và một vài điếu thuốc mà cách đó ít phút hắn đang thưởng thức. Các anh bảo rằng, đạn này mà nổ thì ít nhất có vài viên bi bay ra đủ hướng, không gây chết nhưng có thể gây chấn thương nặng (dân địa phương gọi đó là đạn ria). Viên đạn trong súng đã lên nòng, chỉ chờ bóp cò. Tiếng súng nổ là của trinh sát ta bắn chỉ thiên để uy hiếp…

Dưới ánh đèn của máy quay, Trung tá Phàng tìm quanh, một quả lựu đạn mỏ vịt chưa kịp rút chốt nằm chềnh ềnh ngay giữa lối đi, cách chỗ chúng tôi vài bước chân. Bùn lầy đã gần như phủ kín nó, chỉ còn lộ ra bộ chốt. Thì ra, lúc nghe tiếng hô bắt, tên Tuấn đã chĩa súng về phía trinh sát nhưng chưa kịp bóp cò thì đã bị khoá tay. Tay kia chỉ biết ném lựu đạn mà không thể rút chốt. Nhìn trinh sát Cường cất quả lựu đạn mỏ vịt một cách thận trọng, tôi nói vui: “Lựu đạn mà không kịp rút chốt thì cũng như cục đá thôi anh nhỉ?”. Lúc đó, nụ cười mới nở trên những khuôn mặt lấm lem bùn đất và đỏ tấy vì vết cắn của muỗi rừng. Đó là những nụ cười chiến thắng trong hoàn cảnh đặc biệt mà lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến…

- Khi đối diện với Tuấn, hỏi lúc vật lộn vì sao đã 52 tuổi rồi mà còn khoẻ thế, hắn trả lời tôi rất thành thật: “Lúc đó em mới ăn một viên trắng để đi săn”

- Khi Đội trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nới lỏng còng cho Tuấn, hắn nhờ anh tháo chiếc đồng hồ Rado đang đeo bên tay, nói giọng cầu khẩn: “Nhờ anh Hùng đưa đồng hồ cho thằng Núi con em. Nhờ anh nói với nó cai nghiện, đừng theo em!”

- Châm điếu thuốc đưa cho Tuấn để dịu bớt cơn nghiện, Tuấn nói với tôi, thái độ rất hàm ơn: “Cảm ơn anh nha! Cảm ơn anh nhiều lắm!”. Tôi nhận thấy, một thoáng trong Tuấn vẫn còn sự lịch lãm của một người từng 17 năm làm trưởng bản. Thế nhưng, chừng đó không đủ để Tuấn thoát khỏi sự cám dỗ của khói thuốc và những đồng tiền bất chính.

Trung tá Trần Sỹ Phàng trước khi nghỉ hưu là Đại tá, Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh. Đội trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hiện là Đại tá, Phó Giám đốc Công an Nghệ An. Trinh sát Nguyễn Đức Cường hiện là Thượng tá, AHLLVTND, Trưởng Công an Thành phố Vinh.

 

.

Bình Minh

.