Phóng sự
Ám ảnh 'bóng ma' thực phẩm bẩn trong nhà trường
11:16, 12/04/2019 (GMT+7)
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc, nhiễm bệnh của học sinh khi sử dụng thực phẩm bẩn khiến dư luận vô cùng lo lắng. Nhiều đơn vị đã bất chấp tất cả để tuồn thực phẩm không đảm bảo vào trường học, nó chẳng khác nào một tội ác.
An toàn thực phẩm luôn là một khâu được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, trong trường học thì việc này phải được quan tâm một cách triệt để. Bởi, cơ thể trẻ em rất nhạy cảm, "đầu độc" trẻ em bằng thực phẩm bẩn là một việc làm vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài tới toàn xã hội.
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc, nhiễm bệnh của học sinh khi sử dụng thực phẩm bẩn khiến dư luận vô cùng lo lắng. Nhiều đơn vị đã bất chấp tất cả để tuồn thực phẩm không đảm bảo vào trường học, nó chẳng khác nào một tội ác.
Vụ hàng trăm em học sinh ở Thận Thành, Bắc Ninh có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sán lợn gạo, nghi do ăn phải thực phẩm bẩn lâu ngày tại trường. Vụ việc này đã khiến dư luận hết sức bất bình, đòi hỏi phải có câu trả lời thoả đáng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giọt nước tràn ly khi mà trước đó đã từng xảy ra rất nhiều vụ thực phẩm bẩn len lỏi vào bếp ăn trường học gây rúng động dư luận.
Còn nhớ vào tháng 9/2017, vụ việc chở rau củ vào Trường Tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị người dân chặn ngoài cổng trường, phát hiện hàng loạt củ thối rữa từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài.
Theo đó, chiếc xe chở thực phẩm cung cấp cho Trường Tiểu học Lý Nhân do đơn vị cung cấp là Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Tam Phúc bị bắt quả tang chiều 12-9-2017, trong đó nhiều mớ rau muống đã úa vàng, bí xanh thối rữa chảy nước và bốc mùi.
Được biết, Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Tam Phúc (thôn Phù Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường Tiểu học Vĩnh Tường từ đầu năm học 2017 - 2018 và đơn vị này mới cung cấp được buổi thứ hai thì bị người dân bắt giữ.
Khủng khiếp hơn, vào tháng 3/2015, tại Trường tiểu học chuẩn quốc gia Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương), phát hiện 72kg cá diêu hồng bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng cùng nhiều kilôgam mỡ động vật, bì lợn, hàng chục kilôgam rau củ, quả đã hư hỏng, dập nát nên đã ngăn chặn và báo cơ quan chức năng. Số hàng này do Công ty Phú Nhật Hào (có trụ sở ở phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đem đến để chuẩn bị 650 suất ăn cho học sinh.
Đưa thực phẩm bẩn cho học sinh là một hành động vô nhân tính cần được loại bỏ. |
Vào tháng khoảng 11/2018, tại Trường Mầm non Xuân Nộn (Bắc Ninh) xuất hiện trẻ có triệu chứng sốt cao, buồn nôn. Từ ngày 15 đến ngày 20-11, đã có tổng số 209 trẻ mầm non và 3 giáo viên nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long. Sau khi tiến hành xét nghiệm, cơ quan y tế đã xác định nguyên nhân là do vi nhiễm Salmonella tub 2 trong bánh ngọt.
Loại bánh ngọt này do Công ty thực phẩm Bảo An cung cấp cho nhà trường, tuy nhiên loại bánh này lại do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát (ở Phố Và, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh) sản xuất.
Điều đáng nói, kiểm tra thực tế hoạt động của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nguyên Cát, các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở không bảo đảm. Sau đó, địa phương đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Nộn và kiểm điểm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân.
Tháng 10-2018, 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình đã phải nhập viện sau bữa ăn trưa tại trường với triệu chứng đau bụng, buồn nôn nghi do ngộ độc thực phẩm. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình sau đó khẳng định đây là vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân do món ruốc gà trong bữa trưa.
Cụ thể, kết quả xét nghiệm cho thấy, trong món ruốc gà có độc tố tụ cầu vàng, bắt nguồn từ thịt gà sống sử dụng làm ruốc, độc tố này khi nấu chín vẫn không tiêu diệt được. Đây chính là nguyên nhân khiến các học sinh bị đau bụng, buồn nôn, phải nhập viện. Độc tố tụ cầu vàng còn có thể xuất hiện khi thực phẩm để lâu không được bảo quản tốt, quá trình chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh...
Rau củ thối bị các phụ huynh phát hiện trước khi đưa vào nấu bữa trưa cho học sinh tại Vĩnh Phúc. |
Ngay khi biết nguồn gây ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tiến hành niêm phong cửa hàng, tiêu hủy toàn bộ lô hàng tại hộ kinh doanh cung cấp ruốc gà cho nhà trường, có địa chỉ tại thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Khi dư luận còn chưa hết hoang mang sau hàng loạt vụ việc tuồn thực phẩm bẩn cho học sinh ăn vào bữa trưa thì tiếp tục lại xảy ra một vụ việc ngay giữa Thủ đô. Theo đó, khoảng 6h sáng ngày 3-4, những người trực tiếp tham gia tiếp nhận và kiểm tra thực phẩm tại Trường tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện 35kg thịt gà đông lạnh có mùi.
Sau khi phát hiện, những người làm nhiệm vụ kiểm tra đầu vào thực phẩm đã báo cáo với Ban giám hiệu nhà trường. Sau đó, nhà trường yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm đổi lại số gà bị hư hỏng trên. Hơn 1 giờ sau, nhân viên của Công ty An Việt đổi lại thịt gà cho bếp ăn.
Được biết, Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt (Công ty An Việt) cung cấp thực phẩm cho Trường tiểu học Chu Văn An. Đơn vị này giao thực phẩm đến trường học vào sáng sớm.
Việc kiểm tra thực phẩm ở trường theo quy trình: Xem cân đủ khối lượng, sau đó dùng mắt thường kiểm tra rau củ quả có vấn đề gì hay không. Đối với thực phẩm tươi sống thì ngửi xem có mùi lạ hay không.
Khoảng 10h30’ cùng ngày, Công ty An Việt đã lập biên bản với công ty Halofoods - đơn vị cung cấp thịt gà cho Công ty An Việt về sự việc. Theo biên bản này, Ban giám hiệu Trường tiểu học Chu Văn An phản ánh thịt gà giao cho bếp ăn nhà trường sáng 3/4 một số miếng có mùi lạ nhưng để đảm bảo cho học sinh, trường đã yêu cầu đổi trả cả túi 35kg.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Halofoods khẳng định, thịt gà giao cho bếp ăn nhà trường sáng 3/4 là hàng sản xuất trong ngày (ca sản xuất từ 12h-2h sáng 3/4). Các lô hàng này đều là hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng do Công ty Việt Nam cung cấp.
Nhiều học sinh tại Bắc Ninh nhiễm sán lợn gạo vì ăn phải thịt nhiễm bệnh chỉ là giọt nước tràn ly. |
Toàn bộ quá trình sản xuất đều được sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y tại lò mổ tập trung của thành phố (Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội). Nguyên nhân của mùi lạ trong thịt gà có thể do hai túi hàng xếp chồng lên nhau trong quá trình bảo quản và vận chuyển, nhiệt độ phần tiếp xúc không đủ lạnh nên gây ra mùi lạ.
Hiện Công ty An Việt đã chỉ đạo các đơn vị đưa mẫu sản phẩm đi xét nghiệm, đồng thời yêu cầu Halofoods bảo quản riêng số hàng bị trả lại để đợi kết quả xét nghiệm.
Với bất kỳ lý do gì thì việc đưa thực phẩm không đảm bảo vào trường học là một việc làm vô nhân tính. Vệ sinh thực phẩm trong trường học cần trải qua nhiều khâu, với nhiều đơn vị, cá nhân kiểm định chất lượng. Và, tất cả các đơn vị, cá nhân này đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thực phẩm cho học sinh.
Người chịu trách nhiệm đầu tiên, nặng nhất phải là nhà trường và các đơn vị cung cấp thực phẩm. Bởi họ là khâu cuối cùng, trước khi đưa thực phẩm đi chế biến cho học sinh. Nhà trường chính là đơn vị cam kết với phụ huynh học sinh trước khi cho con em tới trường.
Rõ ràng, việc "đầu độc" trẻ em là một hành vi phi nhân tính, cần phải có chế tài cụ thể để xử lý việc này. Thậm chí có thể quy vào tội hình sự nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến diện rộng đối với trẻ em trong trường học. Cần nghiêm túc loại bỏ những đối tượng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm học đường ra khỏi môi trường giáo dục.
Trong một phát biểu mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: "Bên cạnh những hành lang pháp lý thì để tự bảo vệ con em mình trước, phụ huynh nên trực tiếp kiểm tra, giám sát các khâu trong việc chế biến thực phẩm cho học sinh tại trường học. Tôi tin rằng không có nhà trường nào làm tốt mà lại giấu giếm, không công khai, minh bạch trong việc này cả.
Hàng trăm học sinh tại Ninh Bình phải nhập viện vì ăn phải thực phẩm bẩn tại trường. |
Ngoài ra, một giải pháp tạm thời nữa đó là phụ huynh tự chuẩn bị cho con em mình thức ăn để ăn ở trường. Việc này ở nước ngoài được cho là rất bình thường và được nhà trường khuyến khích vì giảm áp lực cho nhà trường".
Nguồn: Phong Anh/CAND